Nga giăng kín "rồng lửa" S-400 tại Crimea, lật tẩy sự thật vụ Il-20 bị bắn hạ?


Thứ 3, 25/09/2018 | 08:06


Cùng sự kiện

Sau khi tổ hợp tên lửa phòng không di động S-400 thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Crimea, Nga sẽ kiểm soát toàn bộ vùng trời Crimea, từ tầm thấp tới tầm cao.

Sau khi tổ hợp tên lửa phòng không di động S-400 thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Crimea, Nga sẽ kiểm soát toàn bộ vùng trời Crimea, từ tầm thấp tới tầm cao.

Tổ hợp tên lửa phòng không di động S-400 tối tân của Nga được triển khai hoạt động ở Crưm. (Ảnh: RIA Novosti) 

"Tiểu đoàn S-400 thứ 3 gồm 8 bệ phóng, 112 tên lửa cùng với các hệ thống chỉ huy và thiết bị hỗ trợ đã được triển khai ở Evpatoria, phía tây bán đảo Crimea", Hạm đội Biển Đen Nga cho biết. 

Một nguồn tin quân sự đồng thời cho biết Moscow sẽ sớm điều thêm tiểu đoàn S-400 thứ 4 tới thị trấn Dzhankoy, phía bắc bán đảo này.

Trước đó, hai đơn vị được trang bị S-400 của Nga là trung đoàn tên lửa phòng không số 12 và trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ số 18 đã được triển khai tại thành phố Feodosiya và Sevastopol, sẵn sàng bảo vệ không phận Crimea.

Theo trung tá Hạm đội Biển Đen Alexander Taranov, sau khi tổ hợp tên lửa phòng không di động S-400 thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Crimea, khu vực kiểm soát không phận xung quanh bán đảo được mở rộng, Nga sẽ kiểm soát toàn bộ vùng trời Crimea, từ tầm thấp tới tầm cao.

"Hiện tại chúng tôi có thể tối ưu hóa việc quan sát và theo dõi toàn bộ vùng trời Biển Đen từ hướng Bắc và Tây", Trung tá Taranov cho biết.

Dữ liệu radar của hệ thống S-400 của Nga cho thấy vị trí của 4 chiếc F-16 của Israel (khoanh vàng), hệ thống S-200 của Syria (đỏ) và máy bay trinh sát quân sự IL-20 của Nga (xanh) vào thời điểm xảy ra sự cố hôm 17/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Liên quan tới thảm kịch Il-20 của Nga bị bắn hạ, quá trình phòng không Syria dùng hệ thống S-200 để bắn máy bay F-16 đã được hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 đặt tại căn cứ không quân Khmeimim (tỉnh Latakia) của Nga tại Syria ghi lại.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, dữ liệu đã chỉ ra rằng hệ thống S-200 đã “khóa” 1 chiếc F-16 của Israel trước khi máy bay này đột nhiên chuyển hướng, khiến máy bay IL-20 của Nga trúng hỏa lực. Bên cạnh đó, dữ liệu vị trí máy bay cũng cho thấy vào ngày 17/9, khi xảy ra sự cố, 1 chiếc F-16 đúng là đã lợi dụng chiếc IL-20 vốn có kích thước lớn hơn làm lá chắn.

Sau khi IL-20 bị bắn hạ, F-16 của Israel đã đột ngột thay đổi độ cao và hướng bay của mình. Tuy nhiên, các máy bay của Không quân Israel (IAF) vẫn tiếp tục bay lượn ở khu vực ngoài khơi Syria. Thông tin này hoàn toàn trái ngược với lời khẳng định trước đó của IAF rằng vào thời điểm xảy ra sự cố rằng những chiếc F-16 đã trở lại không phận của Israel.

“Dữ liệu công bố hôm nay đã chứng minh rằng IAF phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự cố IL-20 bị bắn hạ”, Thiếu tướng Konashenkov nói với các phóng viên vào hôm qua (24/9).

Trinh sát cơ Il-20 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Được đưa vào biên chế từ năm 2007, S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm xa thế hệ mới của Nga, có khả năng đánh chặn mục tiêu đường không từ khoảng cách 400 km và tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 60 km. Một tổ hợp S-400 được trang bị 4 loại tên lửa khác nhau, có thể tiến công tới 36 mục tiêu cùng lúc.

Theo RT, khả năng tấn công của S-400 Triumf hoàn toàn vượt trội so với hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, với tốc độ tấn công mục tiêu nhanh gấp hai lần, phạm vi hoạt động mở rộng hơn.

NGUYỄN QUỲNH (Theo RT, FRN)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-giang-kin-rong-lua-s-400-tai-crimea-lat-tay-su-that-vu-il-20-bi-ban-ha-a245339.html