Nga-Mỹ-Thổ-Iran-Kurd: Cuộc đối đầu "lạnh" giữa các "tiểu vương quốc" ở Syria


Thứ 3, 20/11/2018 | 14:45


Cùng sự kiện

Miền Bắc Syria đang có một sự phân mảnh chưa từng có với sự tham gia của nhiều thế lực; cạnh tranh dưới hình thức.

Miền Bắc Syria đang có một sự phân mảnh chưa từng có với sự tham gia của nhiều thế lực; cạnh tranh dưới hình thức của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" với những va chạm quân sự hạn chế.

Miền Bắc Syria đang bị phân mảnh với sự cạnh tranh của các ông lớn.

Lãnh thổ bị xâu xé

Nỗ lực của các cường quốc và các thế lực khu vực Syria hiện đang tập trung toàn bộ ở phía Bắc Syria, với sự hiện diện quân sự tập trung chủ yếu vào khu vực này.

Trong khi Nga giúp chính quyền Damascus kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ đất nước, nhiều quốc gia khác muốn có một sự hiện diện ở phía Bắc vì tầm quan trọng về địa chính trị và nhân khẩu học tại đây, theo Al-Ahram Weekly.

Bắc Syria đã bị xâu xé và phân mảnh giữa các phe phái vũ trang bao gồm lực lượng Chính phủ, quân đội người Kurd, quân đội Mỹ, Nga, Pháp và Ý, cũng như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện trong khu vực một cách trực tiếp và thông qua các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào năm 2011, đã có những cảnh báo chống lại tình trạng phân mảnh ở Syria, hay nói cách khác là sự phân chia lãnh thổ thành nhiều phần với sự kiểm soát của nhiều bên khác nhau.

Điều này rõ ràng đã diễn ra ở miền Bắc Syria với việc hình thành các thực thể chính trị và quân sự liên kết với nhiều quốc gia, với nhiều quyền hạn khác nhau. Do đó, các trận chiến có thể sẽ tiếp diễn vô thời hạn nếu không tìm thấy một giải pháp toàn diện.

Nhiều người đã lo ngại sự phân vùng ở Syria là kết quả của cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đang diễn ra. Mặc dù vẫn chưa có xung đột giáo phái phổ biến rộng rãi, nhưng các trận đánh ở phía Bắc của đất nước có những âm hưởng sắc tộc và tôn giáo rõ ràng, cảnh báo về một kịch bản như vậy trong tương lai.

Các “Tiểu vương quốc”

Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại mở cuộc đối đầu với người Kurd ở Syria.

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập Syria và chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, người Kurd, Nga và Iran đều nắm giữ những quyền lợi của mình ở Bắc Syria và tiến hành trao đổi, giao dịch với các bên có mặt tại đây.

Sau khi nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, Moscow giờ đây muốn củng cố sự hiện diện của mình và sự tồn tại của chính quyền Al-Assad. Trong đó, Nga đang tận dụng mối bận tâm của Mỹ trong việc chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Đông Syria và áp lực của nước này đối với vấn đề Iran.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung cho mục tiêu xua đuổi người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria. Ankara cũng muốn xung đột Syria sẽ tiếp diễn cho đến khi bản thân mình có thể củng cố quân đội và mở rộng ảnh hưởng đến các khu vực khác của đất nước.

Trong khi đó, Nga muốn quá trình tái thiết và ban hành hiến pháp mới của Syria nhanh chóng được tiến hành và muốn những người tị nạn Syria trở về nhà ngay cả khi nước này phải nỗ lực làm những điều đó một mình.

Moscow hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của châu Âu cho các động thái của mình tại Syria, đồng thời thuyết phục Washington cũng sớm chấp nhận lập trường của Nga.

Mỹ đã thiết lập một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở phía Bắc và phía Đông Syria, với khoảng 15 căn cứ quân sự dài hạn và năm cơ sở đang được xây dựng nhằm kiểm soát gần như tất cả các khu vực sản xuất dầu và một phần lớn biên giới Syria-Iraq.

Washington cũng đang hỗ trợ các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria để đổi lấy sự giúp sức của họ. Điều này đã củng cố lực lượng người Kurd và bảo vệ họ khỏi sự sụp đổ khi đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ và phe đối lập Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ củng cố sự hiện diện của mình ở miền Bắc Syria thông qua phe đối lập Syria có vũ trang và tham gia một liên minh với Nga vì mối quan hệ với Mỹ đã thoái trào.

Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ là phản ứng với những nỗ lực của người Kurd trong việc gây dựng một nhà nước thu nhỏ ở Syria, vốn từng nhận được ủng hộ dưới thời chính quyền Obama.

Phe đối lập giờ đã không còn tiếng nói quan trọng trước lập trường cứng rắn của Nga.

Ankara giận dữ trước việc Mỹ bao che cho người Kurd và lo ngại rằng một thực thể người Kurd sẽ được thiết lập dọc theo biên giới nước này với Syria.

Tổng thống Erdogan đã bắt đầu nhắm mục tiêu các lực lượng dân quân Kurd và tuyên bố ý định gửi vũ khí hạng nặng tới các khu vực này và sử dụng lực lượng đối lập hậu thuẫn nhằm chống lại người Kurd.

Đối với Iran, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và lực lượng dân quân Shiite từ Iraq và Lebanon vẫn giữ các địa điểm quan trọng quanh thành phố Idlib với hy vọng đóng vai trò quyết định tương lai của miền Bắc và trả đũa các lệnh cấm vận của Mỹ.

Phe đối lập Syria thiếu một sự hiện diện hiệu quả trên mặt đất do lập trường cứng rắn của Moscow và sự quay lưng của nhiều quốc gia từng hậu thuẫn trước đó. Hiện tại, lực lượng này bị hạn chế ở một số khu vực tây bắc Syria và không còn được coi là quan trọng trong cục diện hiện tại.

Phe đối lập giờ đây chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ để dựa dẫm và Ankara cũng đại diện cho nhóm này tại các cuộc họp Astana và Sochi do Nga tổ chức. Trong đó, các nhóm này giờ đây phải chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Assad, đổi lại việc Nga sẽ vẫn đảm bảo một số ảnh hưởng cho họ ở một số khu vực.

Cạnh tranh ở miền Bắc Syria giữa các lực lượng khác nhau đang tiếp diễn dưới hình thức của một cuộc “Chiến tranh Lạnh” và những va chạm quân sự hạn chế; cho thấy một mô hình Syria bị phân mảnh thành các “các tiểu vương quốc” thù địch.

Vài ngày tới, có thể tương lai của Bắc Syria sẽ được định hình một cách rõ ràng hơn. Nhưng sẽ rất khó để hai cường quốc lớn là Mỹ và Nga từ bỏ lợi ích ở khu vực này.

Quốc Vinh

Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-my-tho-iran-kurd-cuoc-doi-dau-lanh-giua-cac-tieu-vuong-quoc-o-syria-a252037.html