Nga xác nhận sử dụng "kẻ hủy diệt" Iskander-M để tấn công phiến quân tại Syria


Thứ 3, 18/12/2018 | 07:17


Cùng sự kiện

Phó thủ tướng Nga xác nhận các tổ hợp tên lửa Iskander-M, pháo phản lực Tornado-G và Smerch đời mới của Nga đã chứng tỏ năng lực trong thực chiến tại Syria.

Phó thủ tướng Nga xác nhận các tổ hợp tên lửa Iskander-M, pháo phản lực Tornado-G và Smerch đời mới của Nga đã chứng tỏ năng lực trong thực chiến tại Syria.

Tổ hợp tên lửa Iskander tham gia tập trận tại Nga. Ảnh: RIA Novosti.

"Các tổ hợp tên lửa Iskander-M, pháo phản lực Tornado-G và pháo phản lực Smerch của lục quân Nga chứng tỏ năng lực trong thực chiến tại Syria, khẳng định tính hiệu quả cao và ưu thế truyền thống của vũ khí Nga là dễ sử dụng và có độ tin cậy cao", RIA Novosti dẫn tuyên bố của Phó thủ tướng Nga Yury Borisov phát biểu hôm 17/12.

Đây là lần đầu tiên Nga xác nhận việc sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Tuy nhiên, ông Borisov không nói rõ tên lửa này được khai hỏa vào thời điểm nào và tấn công phiến quân ở đâu.

Truyền thông Israel hồi tháng 1/2017 từng dẫn hình ảnh do vệ tinh EROS B chụp được cho thấy quân đội Nga tại căn cứ không quân Hmeymim đã khai hỏa tên lửa Iskander-M vào các cứ điểm cố thủ của quân khủng bố tại tỉnh Deir ez-Zor cách đó hàng trăm km.

Tổ hợp tên lửa Iskander-M được thiết kế để thay thế các tên lửa chiến thuật Tochka-U lỗi thời, với khả năng tấn công mọi mục tiêu ở tầm bắn từ 50 đến hơn 500km với sai số chưa đầy 3m.

Theo Business Insider, điểm nổi bật của tổ hợp Iskander-M là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi tên lửa Iskander có trọng lượng khoảng 3,8-4 tấn, dài 7,3m, đường kính thân 0,92m, tốc độ bay trên Mach 7 (9000-9500km/h) kèm quỹ đạo vô cùng phức tạp.

Loại tên lửa này có thể mang theo các loại đầu đạn như đạn nổ mảnh, đạn chùm, nhiệt áp, xuyên phá hầm ngầm và xung điện từ (EMP) hay đầu đạn hạt nhân nặng gần 380kg.

Iskander-M có thể được coi là tên lửa “bán đạn đạo” vì chúng chỉ hoạt động ở độ cao 50km cách mặt đất, rất khó để các hệ thống radar phòng thủ phát hiện ra. Ngoài ra, Iskander còn sở hữu khả năng tàng hình thông qua việc phóng mồi bẫy điện tử để đánh lừa radar đối phương khi tới gần mục tiêu.

Một loại tên lửa có thể được trang bị trên bệ phóng Iskander-M là 9M729, có tầm bắn trên 500km, bị Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm Trung (INF) và lấy làm lí do để rút khỏi Hiệp ước này.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-xac-nhan-su-dung-ke-huy-diet-iskander-m-de-tan-cong-phien-quan-tai-syria-a255522.html