+Aa-
    Zalo

    Những cơ quan tình báo lừng danh nhất thế giới

    ĐS&PL Những cơ quan tình báo thường được ví như “hệ thống thần kinh trung ương”, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.

    Những cơ quan tình báo thường được ví như “hệ thống thần kinh trung ương”, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.

    Đơn vị tình báo chịu trách nhiệm cung cấp thông tin quan trọng cho các cơ quan thực thi pháp luật và lực lượng vũ trang, cảnh báo về các mối đe dọa có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia. Họ thu thập, phân tích và khai thác các thông tin bí mật mà những người bình thường không thể phát hiện.

    Mỗi cơ quan tình báo đều có những phương pháp thu thập thông tin khác nhau, bao gồm gián điệp, thu thập tín hiệu hoặc ngăn chặn, giải mã và các hoạt động khác. Trên thực tế, mỗi quốc gia đều có nhiều đơn vị tình báo.

    Dưới đây là danh sách 7 cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới:

    1. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)

    Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ảnh: Getty

    CIA được thành lập vào năm 1947 dưới thời cựu Tổng thống Harry S. Truman. Mục đích chính của CIA là làm trung gian cho hoạt động tình báo và phân tích chính sách đối ngoại trên toàn quốc.

    Hiện nay, CIA là đơn vị tình báo hoạt động mạnh nhất, hiệu quả nhất trong Cộng đồng Tình báo Mỹ. Số lượng nhân viên ước tính đạt tới 22.000 người, làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

    Hầu hết các nguồn lực và nhân lực của tổ chức được dành cho việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài với số lượng dữ liệu tối thiểu ở trong nước.

    CIA chắc chắn là các cơ quan tình báo nổi tiếng nhất trên thế giới, chủ yếu là do được đề cập nhiều trong các bộ phim quốc tế và Hollywood. CIA cũng là một trong những tổ chức chính phủ được tài trợ nhiều nhất ở Mỹ.

    Về mặt lịch sử, CIA đã tham gia vào nhiều hoạt động gây tranh cãi trên trường quốc tế, bao gồm cả cuộc đảo chính năm 1954 ở Guatemala, các vụ xung đột ở Syria, Indonesia và Cộng hòa Congo.

    2. Cục Tình báo mật của Anh (SIS/MI6)

    Trụ sở của SIS. Ảnh: Getty

    SIS được thành lập từ năm 1909, là một trong những tổ chức được kính trọng nhất trong thế giới gián điệp. Cơ quan tình báo hàng đầu này được biết đến nhiều với cái tên MI6 (Tình báo quân đội-phòng 6). Sự tồn tại của SIS chỉ chính thực được thừa nhận vào năm 1994 - gần 9 thập kỷ sau khi được thành lập.

    Hiện nay, SIS có số lượng nhân viên dự kiến khoảng 2.479 người, là cơ quan có nhiệm vụ cung cấp cho chính phủ Anh những thông tin tình báo nước ngoài. Nó hoạt động dưới sự chỉ đạo chính thức của Ủy ban Tình báo chung (Joint Intelligence Committee-JIC), cùng với Cơ quan An ninh (MI5), Trụ sở chính phủ truyền thông (GCHQ) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DI).

    Trong lịch sử, SIS đã tham gia nhiều sự kiện lớn trong đó có Thế chiến thứ II, Chiến tranh Lạnh và các tranh chấp khu vực khác trên toàn thế giới.

    3. Mossad (Israel)

    Mossad là cơ quan tình báo nổi tiếng với phương pháp chống khủng bố dữ dội. Ảnh: Getty

    Được thành lập từ năm 1949, Mossad là cơ quan tình báo nước ngoài quan trọng nhất của Israel, chịu trách nhiệm về các hoạt động bí mật bao gồm thu thập dữ liệu. Mossad nổi tiếng với các biện pháp chống khủng bố dữ dội, mà họ đã nhiều lần sử dụng, chứng minh trong suốt quá trình hoạt động.

    Một trong những hoạt động chống khủng bố nổi tiếng nhất của Mossad là Chiến dịch Entebbe ở Uganda năm 1976. Cơ quan này chịu trách nhiệm thu thập thông tin về nơi ở chính xác của các con tin, số lượng kẻ xâm lược và các chi tiết khác. Mossad cũng điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư và mua lại các kỹ thuật gián điệp đầy hứa hẹn mới. Số lượng nhân viên ước tính của Mossad hiện nay là khoảng 1.200 người.

    4. Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga (SVR)

    SVR là cơ quan nối tiếp của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB). Ảnh: Getty

    Sau khi Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) dừng hoạt động vào năm 1991, Nga cần một cơ quan chuyên môn để quản lý an ninh nội bộ và tình báo bên ngoài quốc gia. SVR được thành lập từ 2 cơ quan tình báo bao gồm Cơ quan Tình báo nước ngoài và Cơ quan An ninh Liên bang.

    Nhiệm vụ chính của SVR là tiến hành tình báo, chiến lược, gián điệp kinh tế ở các quốc gia khác và bảo vệ cho các quan chức Nga ở nước ngoài. Từ năm 1991, SVR đã thực hiện nhiều chiến dịch gián điệp ở nước ngoài, đáng chú ý nhất ở Mỹ. Theo thống kê, hiện SVR có khoảng 15.000 nhân viên.

    5. Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS)

    Ông Trần Văn Thành - Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Getty

    Có trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh, Bộ An ninh Quốc gia hay còn gọi là Bộ Quốc an, được thành lập từ năm 1983. Đây là cơ quan tình báo của Trung Quốc, chịu trách nhiệm về an ninh chính trị, phản gián và tình báo nước ngoài.

    MSS là một trong những cơ quan quyền lực nhất trong nước với quyền hạn giam giữ công dân và thực hiện tất cả các loại hoạt động bí mật nội bộ hoặc bên ngoài. Trong những năm qua, các điệp viên MSS đã tăng cường hoạt động của họ tại Mỹ, khiến CIA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ lo ngại và liên tục tìm cách đối phó.

    MSS được tổ chức thành nhiều cục, mỗi đơn vị được giao phó các nhiệm vụ khác nhau từ an ninh chính trị, tình báo nước ngoài đến tình báo phản gián.

    Theo một sơ đồ hệ thống hóa hoạt động của MSS được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu và tư vấn chiến lược quốc tế Stratfor vào năm 2010, cơ quan tình báo đầu não của Trung Quốc có 11 cơ quan trực thuộc cấp cục và một số tổng cục chuyên môn.

    Ngoài ra, MSS còn có 2 cơ sở nghiên cứu gồm Viện Quan hệ quốc tế đương đại, ĐH Quan hệ quốc tế Bắc Kinh và một trường dạy ngoại ngữ.

    6. Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND)

    BND là cơ quan tình báo nước ngoài duy nhất của Đức. Ảnh: Getty

    Bundesnachrichtendienst hoặc BND được thành lập từ năm 1956, chịu trách nhiệm về thông tin tình báo nước ngoài, và là 1 trong 3 cơ quan tình báo chính của Cộng hòa Liên bang Đức.

    Trong Chiến tranh Lạnh, BND hoạt động như một cơ quan thay thế Tổ chức Gehlen trước đó, phối hợp chặt chẽ với CIA của Mỹ để giám sát các phong trào ở các nước Đông Âu. Hiện BND phụ thuộc trực tiếp Văn phòng Thủ tướng và trong suốt vài thập kỷ qua, BND chủ yếu tập trung vào Nga và các nước Trung Đông.

    Tới thời điểm này, BND là cơ quan tình báo nước ngoài duy nhất của Đức, thu thập cả tình báo dân sự và quân sự bằng cách sử dụng kỹ thuật nghe trộm và các loại kỹ thuật giám sát khác.

    Năm 2005, một báo cáo cho thấy BND đã theo dõi một nhóm tạp chí Đức từ những năm 1990, để điều tra các nguồn rò rỉ thông tin có thể xảy ra. Cơ quan này cũng có một vai trò quan trọng trong vụ thuế Liechtenstein năm 2008.

    7. Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp (DGSE)

    DGSE là cơ quan tình báo của Pháp. Ảnh: Getty

    DGSE có lịch sử non trẻ so với các tổ chức tình báo lâu đời khác trên thế giới, mới chỉ thành lập ngày 2/4/1982. Cơ quan này chịu sự điều hành của Bộ Quốc Phòng Pháp cùng với Tổng quản lý An ninh Quốc nội (DCRI), làm nhiệm vụ cung cấp tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia bằng các hoạt động bán quân sự và công tác phản gián ở nước ngoài.

    Một trong những thành công quan trọng của cơ quan này là ngăn chặn hơn 15 vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp từ sau vụ 11/9 ở Mỹ. Cũng chính cơ quan này đã đóng vai trò chủ đạo trong vụ giải cứu hai nhà báo Pháp bị bắt làm con tin suốt 124 ngày ở Iraq.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Rankred)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-co-quan-tinh-bao-lung-danh-nhat-the-gioi-a240009.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan