+Aa-
    Zalo

    Nước Mỹ thấy gì sau 40 năm can thiệp vào Trung Đông?

    ĐS&PL National Interest dẫn nhận xét của các chuyên gia quân sự cho rằng, sau 40 năm triển khai quân đến các quốc gia Trung Đông, nước Mỹ “mất” nhiều hơn “được”.

    National Interest dẫn nhận xét của các chuyên gia quân sự cho rằng, sau 40 năm triển khai quân đến các quốc gia Trung Đông, nước Mỹ “mất” nhiều hơn “được”.

    Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ vì các cuộc chiến ở Trung Đông. Ảnh: Getty

    Quyết định bất ngờ về việc rút toàn bộ lính Mỹ (2.000 người) ở Syria khỏi Afghanistan của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải nhiều lời chỉ trích.

    Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã nhấn mạnh rằng ông chủ Nhà Trắng đã ký sắc lệnh, buộc Lầu Năm Góc rút quân theo tuyên bố trước đó.

    Chính sách chính quyền Tổng thống Trump ở Syria dường như đã trở lại trạng thái chính trị mơ hồ và chiến lược bình thường. Trong khi Mỹ đã bắt đầu vận chuyển một số thiết bị khỏi miền Bắc Syria, ông Bolton nói với các quan chức Israel rằng việc rút quân hoàn toàn sẽ chỉ được thực hiện với một số điều kiện nhất định, như việc Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo không tàn sát người Kurd – đồng minh của Mỹ và việc Israel tiếp tục duy trì liên minh chống lại lực lượng Iran.

    Nhiều nhà phê bình cho rằng việc rút khỏi Syria sẽ là sai lầm, tạo lợi thế lớn cho Iran và Nga. Tuy nhiên, những lập luận này dường như được đưa ra chỉ để kích động những đối tượng ủng hộ chủ nghĩa phiêu lưu quân sự, dễ dàng chấp nhận mệnh lệnh dù không có căn cứ. Rõ ràng, nước Mỹ không thể đưa ra chính sách đối ngoại dựa trên “tâm trạng” của đối thủ hoặc kẻ địch.

    Theo các chuyên gia, người Mỹ cần phải nhận thức được bài học sau 40 năm triển khai quân ở khu vực Trung Đông. Sự hiện diện của quân đội Mỹ không thực sự có tác dụng định hướng chính trị và cấu trúc xã hội của các quốc gia khác. Iraq và Afghanistan là những ví dụ rõ ràng. Sức mạnh quân sự của Mỹ đã thất bại trong việc đưa ra quyết định thay đổi thế cục. Mỹ cũng không thể tác động đến chính sách đối ngoại của Iran sau nhiều thập kỷ bao vây quân sự kết hợp trừng phạt kinh tế.

    Quan điểm cho rằng Mỹ có thể sử dụng quyền kiểm soát ở phía Bắc để định hình nhà nước Syria sau khi chiến tranh và “tống cổ” Iran ra khỏi lãnh thổ Syria là điều vô cùng khó thực hiện.

    Trên thực tế, nhiều lực lượng được coi là hậu thuẫn của Iran có rất nhiều công dân Syria. Họ sẽ bị trục xuất đến đâu? Nhiều khả năng, chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh sẽ tiếp tục hợp tác để chờ Mỹ rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến. Một thực tế đơn giản đã được xác định cho phần lớn cuộc xung đột là các quốc gia như Iran và Nga đạt được nhiều lợi ích quan trọng ở Syria hơn là một siêu cường ở xa như Mỹ.

    Những người khác lập luận rằng chiến lược rút quân khỏi Syria sẽ dẫn đến sự hỗn loạn cũng như sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố như việc Mỹ rút khỏi Iraq. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp của Mỹ và các đồng minh không đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố. Một loạt các nhóm khủng bố bao gồm Hezbollah, Taliban và al-Qaeda ở Iraq đã tăng cường hoạt động hoặc thậm chí được thành lập ngay trước mắt của lính Mỹ và thủy quân lục chiến. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria đã bị đánh bại bởi chính ảo tưởng xây dựng nhà nước độc lập của chúng - kế hoạch lộn xộn, không có chiến lược linh hoạt chứ không hoàn toàn là vì các cuộc không kích.

    Theo tính toán của báo cáo "Chi phí chiến tranh" của Viện Watson thuộc Đại học Brown công bố ngày 14/11/2018, Mỹ đã chi 5.900 tỷ cho các cuộc chiến tranh chống khủng bố, bao gồm cả chi phí cho các cuộc chiến tranh hoặc các hoạt động liên quan đến chiến tranh và các chi phí trong tương lai cho các thương binh từ sau cuộc khủng bố 11/9. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính khoảng 480.000 - 507.000 người đã thiệt mạng ở Mỹ trong các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và Pakistan kể từ sau vụ tấn công 11/9.

    Nhìn chung, sau nhiều năm “sa lầy” vào những cuộc chiến ở Trung Đông, chính phủ Mỹ cần nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng tình hình và đưa ra những lựa chọn chiến lược để đảm bảo những lợi ích thiết thực cho đất nước.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nuoc-my-thay-gi-sau-40-nam-can-thiep-vao-trung-dong-a259524.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan