Trung Quốc phóng thành công vệ tinh Hải Dương-1C


Chủ nhật, 09/09/2018 | 01:39


Cùng sự kiện

Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh Hải Dương-1C, nhằm tăng cường giám sát biển, ứng dụng cho nhiều ngành.

Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh Hải Dương-1C, nhằm tăng cường giám sát biển, ứng dụng cho nhiều ngành.

Thông tin từ Cục công nghiệp khoa học công nghệ quốc phòng quốc gia, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc cho biết, 11h15 ngày 7/9 (giờ địa phương), Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh Hải Dương-1C bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2C ở Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, Tân Hoa xã đưa tin.

Ngày 7/9/2018, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh giám sát biển Hải Dương-1C. Ảnh: Tân Hoa xã

Vệ tinh này sẽ tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ viễn thám biển của Trung Quốc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu tác động lẫn nhau giữa nước biển và khí quyển, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai. 

Ngoài ra, vệ tinh Hải Dương-1C cũng nhằm triển khai nghiên cứu sự thay đổi khí hậu toàn cầu, giải quyết các vấn đề loài người cùng đối mặt như khí hậu toàn cầu nóng lên, sẽ mở ra thời đại mới cho phát triển vệ tinh giám sát tài nguyên thiên nhiên theo hướng thống nhất giữa đất liền và biển.

Vệ tinh Hải Dương-1C là vệ tinh dòng Ocean Color thứ ba của Trung Quốc, là vệ tinh theo dõi biển đầu tiên của quy hoạch cơ sở hạ tầng không gian dân dụng Trung Quốc. Vệ tinh này sẽ cùng với vệ tinh Hải Dương-1D được phóng vào năm tới hợp thành “chòm sao” vệ tinh hải dương dân dụng đầu tiên của Trung Quốc, tiến hành quan trắc sáng - chiều, tăng mạnh khả năng bao quát toàn cầu của vệ tinh dòng Ocean Color.

Vệ tinh Hải Dương-1C sau khi phóng thành công sẽ cung cấp dịch vụ dữ liệu cho việc giám sát độ nóng của nước biển trên các đại dương của thế giới, khảo sát tài nguyên môi trường ở vùng biển duyên hải và hải đảo, khu vực bờ biển. Vệ tinh này còn giúp theo dõi phòng chống thiên tai trên biển, sử dụng bền vững tài nguyên biển, cảnh báo sinh thái biển và bảo vệ môi trường biển, đồng thời có thể hỗ trợ cho ứng dụng vào các ngành nghề như khí tượng, nông nghiệp, thủy lợi.

Vệ tinh Hải Dương-1C đã mang theo 5 thiết bị như thiết bị quét hình độ nóng của nước biển, thiết bị chụp ảnh khu vực ven biển, thiết bị chụp ảnh bằng tia tử ngoại, thiết bị đo quang phổ xác định tọa độ và hệ thống nhận dạng tàu thuyền tự động. So với các vệ tinh Hải Dương-1A và Hải Dương-1B, vệ tinh mới Hải Dương-1C có độ chính xác, phạm vi quan trắc, tuổi thọ sử dụng đều tăng mạnh.

Ngày 7/9/2018, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh giám sát biển Hải Dương-1C. Ảnh: Dwnews.

Theo Tân Hoa xã, Cục công nghiệp khoa học công nghệ quốc phòng quốc gia phụ trách quản lý tổ chức thực hiện chương trình Hải Dương-1C, Bộ Tài nguyên thiên nhiên là khách hàng hàng đầu, Trung tâm ứng dụng hải dương vệ tinh quốc gia của bộ này là pháp nhân của dự án.

Hiện nay, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống ứng dụng mặt đất bao gồm trạm Bắc Kinh, trạm Mẫu Đan Giang, trạm Hải Nam, trạm Hàng Châu cùng các hệ thống con tương ứng. Tiếp theo, Trung tâm ứng dụng hải dương vệ tinh quốc gia sẽ cùng các đơn vị liên quan tổ chức triển khai công tác thử nghiệm vệ tinh trên quỹ đạo, bảo đảm cho vệ tinh đi vào vận hành theo kế hoạch.

Vệ tinh Hải Dương-1C và tên lửa đẩy Trường Chinh-2C lần lượt do Công ty TNHH vệ tinh Đông Phương Hồng hàng không vũ trụ, Viện nghiên cứu công nghệ không gian Trung Quốc và Viện nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc nghiên cứu chế tạo; nhiệm vụ phóng và điều khiển tên lửa và vệ tinh do Bộ hệ thống phóng, giám sát và điều khiển vệ tinh Trung Quốc phụ trách tổ chức thực hiện. Đây là lần thứ 284 Trung Quốc phóng tên lửa đẩy dòng Trường Chinh.

ĐÔNG PHONG (Theo Tân Hoa xã)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-phong-thanh-cong-ve-tinh-hai-duong-1c-a243220.html