+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/2: Ngã khi dọn nhà đón Tết, người đàn ông bị chấn thương cột sống nghiêm trọng

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 9/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Ngã khi dọn nhà đón Tết, người đàn ông bị chấn thương cột sống nghiêm trọng

    VietNamNet dẫn thông tin từ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ tại đây vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị chấn thương cột sống nghiêm trọng sau tai nạn ngã cao khi dọn nhà đón Tết.

    Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra với người đàn ông 49 tuổi (quê Nghệ An) vào đêm 27 Tết. Người bệnh được đưa tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào rạng sáng 28 Tết.  Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn hai chân và mất cảm giác phần thân dưới.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 922024 nga khi don nha don tet nguoi dan ong bi chan thuong cot song nghiem trong
    Bệnh nhân dần hồi phục sau khi được can thiệp. Ảnh: VietNamNet

    ThS.BS Trần Quang Dũng - khoa Ngoại Thần kinh chia sẻ, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương cột sống vỡ trật T12 mất vững, liệt tủy hoàn toàn. Bệnh nhân được bác sĩ giải ép, cố định cột sống bằng nẹp vít qua cuống. Sau can thiệp, bệnh nhân dần hồi phục.   

    Té ngã là tai nạn sinh hoạt thường gặp ngày Tết. Các bác sĩ cảnh báo, tình huống xảy ra tai nạn này có thể xảy ra, đặc biệt với trẻ em, như: chạy vào khu vực trơn, ướt khi người lớn vệ sinh nhà cửa; chạy nhảy vui chơi với bạn bè, anh chị em; trèo cây, leo hàng rào, cầu thang, ban công khi người lớn không để ý. Ngay cả những đồ vật thông dụng tại gia đình cũng có thể là mối nguy hiểm với trẻ em như bàn ghế, dao kéo, thớt.

    Ngoài ra, ngày Tết, một số tai nạn thường gặp ở trẻ cũng được bác sĩ lưu ý như: Đuối nước; điện giật; bỏng, pháo nổ; hóc dị vật; ngộ độc hóa chất, thực phẩm; ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than; tai nạn giao thông…

    Cấp cứu bé 12 tuổi bị viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim cấp

    VTV Times đưa tin, các bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa cấp cứu điều trị thành công cho trẻ bị viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim cấp thoát nguy cơ tử vong.

    Theo đó, bệnh  nhi V.T.T. (12 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị sốt nhẹ kèm đau ngực khoảng 3-4 ngày. Đến Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhi được thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu. Kết quả siêu âm tim có tràn dịch màng ngoài tim số lượng vừa.

    Các bác sĩ khoa Nhi đã hội chẩn cùng khoa Tim mạch kết luận tình trạng viêm màng ngoài tim, theo dõi viêm cơ tim cấp, tiên lượng nặng nề. Các bác sĩ đã theo dõi sát tình trạng, điều trị tích cực theo phác đồ bằng kháng sinh, chống viêm. Sau 7 ngày, bệnh nhi đáp ứng với điều trị, sức khỏe phục hồi tốt.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 922024 nga khi don nha don tet nguoi dan ong bi chan thuong cot song nghiem trong1
    Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: VTV Times

    Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm cấp của màng ngoài tim, thường có ứ dịch trong khoang màng ngoài tim do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc các bệnh lý viêm, hội chứng ure máu, chấn thương, nhồi máu cơ tim, chấn thương, u, rối loạn chuyển hóa, thường mang tính chất tự phát.

    Viêm cơ tim là tình trạng viêm khu trú hay lan tỏa ở thành cơ tim phá hủy tế bào cơ tim gây rối loạn chức năng tim dẫn đến suy tim, biểu hiện ở trẻ em thường cấp tính hoặc tối cấp, do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, nhiễm độc, bệnh hệ thống...

    Bác sĩ CKI. Vũ Thị Bầu - khoa Nhi cho biết, triệu chứng viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim ở trẻ em có những trường hợp không điển hình, chỉ xuất hiện sốt nhẹ, đau ngực, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi ngồi nghiêng, rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ thất) và kèm mệt.

    XEM THÊM: Những mẹo ăn uống tránh hại thận dịp Tết Nguyên đán

    Nếu phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn như tràn dịch màng tim mức độ nhiều gây chèn ép tim cấp hoặc viêm cơ tim tiến triển gây shock tim, nguy cơ tử vong cao đe dọa tính mạng của trẻ. Khi đó, trẻ có thể phải được điều trị bằng chọc hút và dẫn lưu dịch màng ngoài tim, phẫu thuật loại bỏ màng ngoài tim, thậm chí điều trị bằng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ tuần hoàn - tim phổi nhân tạo (ECMO) nếu không đáp ứng điều trị nội khoa.

    Triệu chứng của viêm màng ngoài tim phụ thuộc vào loại viêm, thời gian diễn ra bệnh và có thể có một hoặc tất cả các dấu hiệu sau: đau ngực âm ỉ hoặc đau nhói, khó thở, sốt nhẹ (nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên một chút), cảm giác mệt mỏi, ốm yếu, ho…

    Cứu thành công trẻ 10 tháng tuổi mắc chân tay miệng cấp độ 4

    Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi bị tay chân miệng cấp độ 4.

    Cụ thể, bé N.A.T (10 tháng tuổi, ngụ thụ xã Phú Thọ) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, ý thức lơ mơ, tím quanh môi và gốc mũi, da niêm mạc tái nhợt, mạch quay bắt yếu, chi lạnh. Khi đặt ống nội khí quản thở máy, bệnh nhi có trào bọt hồng máu từ phổi.

    Gia đình kể, hai ngày trước khi nhập viện, trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, có xuất hiện nốt trong miệng. Gia đình có đưa bé đến cơ sở y tế tư nhân truyền dịch 2 lần nhưng tình trạng trẻ không cải thiện. Đến trưa hôm nhập viện, trẻ lên cơn co giật, tím tái nên gia đình vội đưa bé đi cấp cứu.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 922024 nga khi don nha don tet nguoi dan ong bi chan thuong cot song nghiem trong2
    Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 4. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

    Tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định trẻ có dấu hiệu tổn thương thần kinh, phù phổi cấp, suy tuần hoàn do tổn thương cơ tim. Sau khi xét nghiệm tìm căn nguyên E71 dương tính, trẻ được chẩn đoán bệnh tay chân miệng cấp độ 4.

    Bệnh nhi được tiến hành hồi sức tích cực, an thần, thở máy bảo vệ phổi, sử dụng tới 3 loại thuốc vận mạch liều cao, điều chỉnh rối loạn toan kiềm điện giải và có chỉ định dùng IVIG. Sau 5 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã dừng thuốc vận mạch, rút được ống nội khí quản, tự thở tốt, chức năng tim cải thiện, ăn uống khá hơn.

    ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ cho biết, bệnh tay chân miệng do virus EV71 rất nguy hiểm do các biểu hiện bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện.

    Ngoài các biểu hiện ngoài da như lên mụn nước, bọng nước ở miệng, bàn chân, bàn tay…, khi thấy trẻ sốt cao liên tục, nôn, quấy khóc, thở nhanh, da tái, bố mẹ cần phải đưa trẻ đi khám tại các cơ sở ý tế để điều trị kịp thời.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-9-2-2024-nga-khi-don-nha-don-tet-nguoi-dan-ong-bi-chan-thuong-cot-song-nghiem-trong-a610298.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan