“Bộ GTVT nên trả lại tên “Trạm thu phí” để không làm méo mó tiếng Việt”


Thứ 6, 25/05/2018 | 06:59


Đó là những lời chia sẻ thẳng thắn của PGS.TS Mai Xuân Huy (nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học) khi được hỏi về trạm thu phí BOT biến thành trạm “thu giá BOT”.

Đó là những lời chia sẻ thẳng thắn của PGS.TS Mai Xuân Huy (nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học) khi được hỏi về trạm thu phí BOT biến thành trạm “thu giá BOT” thời gian gần đây.

Ngay sau khi cái tên trạm “thu giá BOT” xuất hiện, sự việc đã và đang khiến không chỉ người dân, lái xe thắc mắc, mà ngay cả những người có chuyên môn về ngôn ngữ học cũng bất ngờ và hỏi: “Thu giá là gì?”, “Thu giá có  gì khác với thu phí?”.

Trước những thắc mắc này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Xuân Huy (nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học), người đã có nhiều năm nghiên cứu cũng như giảng dạy Ngôn ngữ học và tiếng Việt.

PV: Thưa ông, việc sáng tạo ra các từ mới trong ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng là tốt hay xấu?

PGS.TS Mai Xuân Huy: Việc tạo ra các từ mới và phát triển vốn từ trong ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng là quy luật hoàn toàn tự nhiên của ngôn ngữ. Nó xảy ra liên tục theo dòng chảy của cuộc sống và đem lại cho ngôn ngữ sự giàu có, phong phú. Dễ thấy nhất là việc vay mượn từ ngữ của các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Pháp ngày xưa và tiếng Anh ngày nay.

Trong tiếng Việt thời Đổi mới có rất nhiều các từ  mới như: Giảm thiểu, gia tăng, cơm bụi, quán cóc, siêu thị, tiếp thị, không tặc, tin tặc… hay các từ khẩu ngữ như: Chặt chém, chém gió, quậy, v.v... Cho nên, chúng ta cũng không nên thấy lạ quá khi gặp các từ mới như vậy.

Thu phí BOT được đổi thành "thu giá BOT" khiến nhiều người hoang mang.

PV: Những ngày qua, dư luận xôn xao trước nhiều tấm biển chuyển đổi tên, từ trạm “thu phí BOT” thành trạm “thu giá BOT” trên các đường giao thông chính. Ông thấy thế nào khi đọc thông tin này?

PGS.TS Mai Xuân Huy: Mấy ngày gần đây, tôi đọc báo, nghe tin thấy ngoài xã hội đang xôn xao chuyện đổi tên các trạm "thu phí BOT" trên các tuyến giao thông thành trạm “thu giá BOT”. Tôi thật sự thấy khá bất ngờ và không biết gì về thuật ngữ này. Trong tiếng Việt có nhiều kiểu tạo từ mới nhưng kiểu này thì hết sức lạ lùng. Theo trải nghiệm của tôi, cụm từ “thu giá” chưa bao giờ xuất hiện trong tiếng Việt cũng như trong các văn bản tiếng Việt chuẩn mực.

Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2000) thì “phí” là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó." (tr.778). Ví dụ: Phí giường bệnh, phí vận chuyển, phí cầu phà, phí môi trường, phí vệ sinh, phí chợ, phí môi giới, viện phí, án phí, công tác phí, phụ phí, v.v...

Cũng theo từ điển trên, từ "giá", trong trường hợp chúng ta đang bàn ở đây, được định nghĩa như sau: 1. Biểu hiện giá trị bằng tiền. Cái áo giá năm mươi nghìn đồng; Hạ giá hàng; Giá vé xem kịch.

Theo đó, "phí" là tiền, là hữu hình; còn "giá" là giá trị, là vô hình. Cho nên, nói "thu giá" là hoàn toàn vô nghĩa với tiếng Việt.

PV: Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói việc đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm “thu giá BOT” căn cứ quy định của Chính phủ. Vậy, giải thích này có hợp lý không thưa ông?

PGS.TS Mai Xuân Huy: Tôi đã tìm hiểu lý do bộ GTVT đổi tên gọi và được biết, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá của bộ GTVT được thực hiện theo quy định của luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Theo đó, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định. Trước đây, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói: “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, do quy định của Nghị định thôi”. Theo người đứng đầu bộ GTVT, việc điều chỉnh phí cần sự cho phép của HĐND, Quốc hội, còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình.

Chúng ta hiểu là bộ GTVT đổi tên như trên là để hợp lý hóa việc thu tiền và tránh sự thắc mắc của người tham gia giao thông.

PGS.T. Mai Xuân Huy (nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học).

PV: Việc gọi tên “trạm thu giá” đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Theo ông, nguyên nhân chính gây nên sự bức xúc này là gì?

PGS.TS Mai Xuân Huy: Theo tôi, bộ GTVT đã quá lệ thuộc vào các văn bản mà đổi tên "trạm thu phí " thành "trạm thu giá" gây bức xúc cho dân chúng. Bức xúc ở đây có thể là do 3 nguyên nhân: Thứ nhất, thu gì cũng là thu tiền của dân cả.

Thứ hai: Đây có thể là cách "chơi chữ" của bộ GTVT để giảm nhẹ cảm giác bị thu phí của người tham gia giao thông. Ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã bình luận: ""Thu giá" thật ra là một "sáng tạo" để lách qua những quy định rất chặt chẽ của luật Phí và Lệ phí.”.

Thứ ba, tưởng đây là nguyên nhân phụ nhưng lại gây phản cảm cho hầu hết người dân Việt quan tâm đến vấn đề này là: Tiếng Việt bị làm méo mó.

Tôi cho rằng gọi tên mới như thế hoàn toàn không đúng và sẽ làm hỏng đi ngữ nghĩa vốn có của tiếng Việt ngàn năm. Vì "phí" nghĩa là tiền và chúng ta nói "thu phí" là hoàn toàn chuẩn mực; còn “giá” ở đây là "giá trị, giá cả" thì làm sao có thể thu”.

Tôi nhớ, ở thời bao cấp, chính xác là giữa những năm 80, đã có cụm từ “bù giá vào lương” nghe rất hay và có lý. Nguyên do là, khi đó, giá cả ngoài thị trường tăng nhưng người ta không tăng lương mà bù cái chênh lệch giá đó vào lương của cán bộ CNV và người lao động hưởng lương. Nhưng bây giờ, bộ GTVT sáng tạo ra từ “thu giá” thì không ai có thể chấp nhận được và nó hoàn toàn là vô nghĩa.

PV: Theo ông, vì duyên cớ nào mà bộ GTVT lại đổi chữ như vậy? Nó có gây nên hệ lụy gì không?

PGS.TS Mai Xuân Huy: Có hai khả năng xảy ra: Một là, họ muốn "chơi chữ" thật; Hai là, họ không hiểu rõ về ngữ nghĩa của tiếng Việt, lại quá máy móc để thực hiện theo văn bản Luật phí và lệ phí, nên mới đổi cụm từ "thu phí" thành “thu giá” như vậy. Vô hình trung, việc này đã làm mất đi sự chuẩn mực và trong sáng của tiếng Việt. Khi đó, hậu quả sẽ không tốt đối với ngôn ngữ quốc gia.

PV: Với cụm từ “thu giá” đang gây xôn xao dư luận, theo ông, bộ GTVT có nên tiếp tục sử dụng?

PGS.TS Mai Xuân Huy: Tôi cho rằng, bộ GTVT nên trả lại cụm từ "Trạm thu phí" như cũ hoặc một cái tên gì tương tự sẽ tốt hơn là đổi tên nó thành “Trạm thu giá” như hiện nay. Có thể dùng tên ban đầu là "Trạm thu phí BOT" + Tên địa danh cụ thể, chẳng hạn như: Cai Lậy, Tiền Giang, Hà Nam, v.v. chứ không nên giữ cái tên như hiện nay.

Đó là phí dịch vụ do các doanh nghiệp BOT ở từng địa phương đặt ra để hoàn vốn làm đường. Điều này hoàn toàn chính đáng. Xin lưu ý rằng, theo định nghĩa ở Từ điển tiếng Việt viện Ngôn ngữ học đã dẫn ở trên, phí không hẳn là do Nhà nước quy định mà có thể do một cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân hay chủ thể cung cấp dịch vụ nào đó đặt ra mức thu cụ thể. Có điều, nó phải tuân thủ mức giá trần tối đa do Nhà nước quy định, tránh hiện tượng "chặt chém" khách hàng, như hiện tượng giá gửi xe trong các ngày lễ ở các thành phố lớn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gtvt-nen-tra-lai-ten-tram-thu-phi-de-khong-lam-meo-mo-tieng-viet-a230747.html