+Aa-
    Zalo

    Vụ MC Minh Tiệp bị em vợ 'tố' bạo hành: Các chuyên gia đồng loạt lên tiếng

    ĐS&PL Liên quan đến vụ MC Minh Tiệp bị em vợ 'tố' bạo hành, nhiều chuyên gia đã lên tiếng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn chưa được sáng tỏ.

    Liên quan đến vụ MC Minh Tiệp bị em vợ 'tố' bạo hành, nhiều chuyên gia đã lên tiếng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn chưa được sáng tỏ, thậm chí còn đang bị dư luận đẩy đi quá xa.

    Vụ MC/BTV bóng đá Minh Tiệp bị em vợ 'tố' bạo hành đang trở thành tâm điểm của dư luận. Những ý kiến trái chiều liên tục được đưa ra, thậm chí cư dân mạng dù chưa hay thực hư thế nào nhưng cũng đồng loạt 'biểu quyết' tẩy chay nam BTV vì cho rằng không thể chấp nhận việc bạo hành.

    Câu chuyện dường như đang được đẩy lên cao trào bởi các tình tiết bất ngờ ngày một nhiều, sự thật lại chưa được sáng tỏ.

    Trước vấn đề này, không ít người đã lên tiếng, từ những người trong cuộc đến bạn bè, người thân của các nhân vật chính, cũng như đông đảo người dùng mạng. Mới đây, chia sẻ với báo chí nhiều chuyên gia tâm lý cũng không thể lặng im đã lên tiếng.

    Cư dân mạng xôn xao trước thông tin bị anh rể bạo hành được chính em vợ BTV Minh Tiệp chia sẻ.

    Trong một bài phỏng vấn trả lời báo Dân Trí, T.S Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, người đã theo dõi câu chuyện em vợ BTV Minh Tiệp tố anh rể bạo hành ngay từ đầu chia sẻ, bản thân không trực tiếp được nói chuyện với bất kỳ bên liên quan nào khi câu chuyện xảy ra.

    Nhưng qua một vài người quen biết em Thùy D. và gia đình của em thì TS Thu Hồng nghĩ câu chuyện thực tế không phức tạp như câu chuyện lan truyền trên mạng mấy hôm nay. Câu chuyện trên mạng có một số tình tiết không chính xác hoặc bị cường điệu quá mức khiến mọi người sôi sục giận dữ. Bà Hồng lo ngại sự việc có thể bị đẩy đi xa hơn bản chất của nó khiến cho những người liên quan sẽ chịu thiệt thòi, kể cả bé Thùy D.

    TS Khuất Thu Hồng cho rằng, hiện nay gia đình đang cố gắng giải quyết theo hướng tích cực hơn. Chúng ta hãy bình tĩnh, không nên quá nóng giận và can thiệp không phù hợp khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn.

    Câu chuyện liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của nhiều người trong một gia đình. Nếu chúng ta quá nóng vội tạo áp lực có thể khiến tất cả mọi người, kể cả Thuỳ D. sẽ bị tổn thương, thậm chí ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài và tương lai của họ.

    T.S Khuất Thu Hồng.

    Chia sẻ thên với Vietnamnet, TS Khuất Thu Hồng cho hay: "Tôi nghĩ em gái đó đang ở trong lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà tâm sinh lý có nhiều thay đổi, dễ buồn, dễ vui, tâm hồn nhạy cảm, tính khí thất thường. Nếu người lớn trong gia đình không hiểu rằng em đang trong giai đoạn như vậy hai bên sẽ dẫn đến va chạm, mâu thuẫn".

    Bà cho rằng nếu người lớn không biết giải quyết, các mâu thuẫn đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi có sự tham gia của mạng xã hội. Chính mạng xã hội làm sự việc trở nên nghiêm trọng hơn bản chất của nó.

    TS Khuất Thu Hồng cho rằng tác động của mạng xã hội là cái chúng ta đáng bàn nhất trong câu chuyện này chứ không phải bản chất của sự việc. Mặc dù chúng ta không ai tán thành việc bạo hành trẻ em và đều mong những áp lực, mâu thuẫn gia đình phải được giải quyết, để trẻ em có môi trường phát triển tốt đẹp nhất.

    "Câu chuyện của Thùy.D có nhiều phức tạp hơn ở chỗ tất cả những người trong cuộc có thể bị tổn thương hơn so với những mâu thuẫn ở trong gia đình. Những tổn thương này là chính là do mạng xã hội mang đến.

    Ở đây tôi thấy câu chuyện đang bị nghiêm trọng hóa, bị đẩy đi quá xa. Người trong cuộc cũng không lường trước được những hệ lụy.

    Nguy cơ ai cũng bị tổn thương. Nếu trong gia đình không thực sự vượt lên, ngồi với nhau, giải quyết trao đổi thì sự việc có thể đi xa hơn", TS Khuất Thu Hồng nói.

    Cũng về vấn đề này, nhà báo Hoàng Anh Tú trao đổi với báo Vietnamnet: “Tôi cũng như nhiều người vẫn đang theo dõi sát sao vụ việc này. Tôi nghĩ các nhà báo, đồng nghiệp của tôi hẳn đang ráo riết tìm kiếm thông tin nhằm làm rõ chân tướng của sự việc".

    Nhà báo Hoàng Anh Tú.

    Anh cho rằng, kể cả chân tướng sự việc này có thế nào thì quan điểm của anh vẫn là nói không với hành vi bạo hành trẻ em.

    “Bạo hành trẻ em không chỉ là bạo lực, bạo hành thân thể mà còn là bạo hành tinh thần (nhiếc mắng, thoá mạ, doạ nạt, quát tháo…), bỏ bê (không quan tâm, không có trách nhiệm, thờ ơ với nhu cầu chính đáng và cần thiết của trẻ em…).

    Trong vụ việc này, tôi vẫn tin rằng cô bé 15 tuổi kia đang gặp những vấn đề nghiêm trọng cần, rất cần các cơ quan, tổ chức bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải vào cuộc tìm hiểu” - anh nói.

    Thời gian gần đây, không ít các vụ bạo hành trẻ (bao gồn trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên...) xảy ra, khiến dư luận trở nên gay gắt.

    Trước đó, những vụ bạo hành trẻ mầm non xảy đến, nhiều chuyên gia tâm lý đã lên tiếng.

    PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã có những chia sẻ về vấn đề trẻ bị bạo hành, xâm hại nói chung với VOV.

    PGS. TS Trần Thu Hương cho rằng, rõ ràng, bạo hành, xâm hại không chỉ gây ra những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, thân thể của trẻ, mà còn để lại những sang chấn về mặt tâm lý.

    Điển hình như trường hợp người giúp việc tại Hà Nam đánh vào đầu, tung trẻ lên cao. Hiện tại như tôi theo dõi, bố mẹ đã cho cháu đi chụp CT, kiểm tra não bộ thì chưa thấy có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi trẻ còn quá bé, chưa thể phát hiện ra vấn đề do não của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, nếu có vấn đề thì sẽ có thể xảy ra rất nhiều năm sau đó.

    Với trẻ bị xâm hại, ngay cả khi không gặp phải những vấn đề thực thể, nhưng những hình ảnh về bạo lực sẽ được ghi dấu trong đầu chúng. Sau này, khi chứng kiến lại những cảnh tương tự hoặc chẳng may trẻ bị lặp lại những vấn đề này, những dấu vết đã hằn sâu sẽ khiến đứa trẻ lo lắng, hoảng sợ. Việc thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác cũng khó khăn hơn rất nhiều, trẻ có thể gặp phải những rối loạn, có xu hướng gây hấn, bạo lực với những người xung quanh bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

    Hơn nữa, việc trẻ bị bạo hành cũng có thể khiến trẻ bị tách biệt khỏi bạn bè. Những đứa trẻ thấy các bạn bị đánh khi không hiểu lý do, chỉ nghĩ rằng hư sẽ bị đánh, từ đó tạo ra sự tẩy chay giữa các trẻ với nhau. Dần dần bạn bị bạo hành sẽ cảm thấy bị cô độc, bản thân có vấn đề, tự đổi lỗi cho bản thân…

    Nếu tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn về mặt cảm xúc. Những điều này cũng ảnh hưởng đến hành vi sau này của trẻ.

    PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Ảnh VOV.

    PGS cho biết thêm, những người gây ra hành vi bạo hành với trẻ em, có 2 nhóm, một là có ý đồ, có kế hoạch từ trước, vì một mục đích nào đó. Hai là do không kiểm soát được những cơn tức giận, những căng thẳng bùng phát hay do gia đình, công việc có vấn đề khiến họ cảm thấy khó chịu, muốn gây hấn, trả thù, giải tỏa, từ đó có những hành vi bạo lực với trẻ. Cũng có khi do giận cá chém thớt và trẻ em là người phải chịu trận oan.

    Trước khi tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, nên có những can thiệp tâm lý dựa trên nguyên nhân gây ra hành vi xâm hại với các đối tượng này. Để sau khi chịu những hình phạt pháp luật, quay trở lại cuộc sống bình thường, họ không gặp phải những khó khăn về tâm lý. Nếu không can thiệp, rất có thể, đến một lúc nào đó họ sẽ lặp lại những hành động sai lầm này.

    Theo VOV, tối 27/5, nữ sinh tố cáo anh rể là BTV truyền hình bạo hành đã chính thức lên tiếng bằng việc livestream trên trang cá nhân.

    Trong phần livestream, Thùy.D. khẳng định việc làm này là do bản thân thực hiện hoàn toàn không có bất cứ sự tác động hay ép buộc từ gia đình.

    Thùy.D cho biết hiện tại, mọi vấn đề đã được giải quyết sau cuộc nói chuyện giữa cô và bố mẹ.

    “Tất cả hành động của bố mẹ lúc đó là để kìm hãm mình, tránh dẫn đến việc mình nổi nóng mất kiểm soát. Bố mẹ không cho mình dùng điện thoại, ipad để tránh mình đọc phải những thông tin không hay, nhưng có cho mình liên lạc với bạn bè”, Thùy D. thông tin.

    Nữ sinh này cũng cho biết, hiện tại em đã mất quyền quản trị tài khoản facebook cũ và tiếp tục khẳng định: “Những ý kiến mà mình vừa nói trên là tự nguyện của bản thân mình, không hề có một sự bắt ép nào của bố mẹ hay bất kì thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, mình mong mọi người sẽ không dùng những từ ngữ ác ý để comment hay nói gì về gia đình mình nữa. Hiện tại mình ổn, mình rất cảm ơn ý tốt của các anh chị từ những trung tâm bảo vệ trẻ em nhưng mình/em xin phép từ chối anh chị vì em hoàn toàn bình thường".

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-mc-minh-tiep-bi-em-vo-to-bao-hanh-cac-chuyen-gia-dong-loat-len-tieng-a230987.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan