Chuyên gia luật: Hình thức “tù tại gia” làm giảm tính răn đe của pháp luật


Thứ 4, 14/11/2018 | 00:45


Cùng sự kiện

Theo các chuyên gia luật, thực tế mức độ vi phạm pháp luật hiện ngày một gia tăng, vô hình trung hình thức "tù tại gia" làm giảm đi tính răn đe của pháp luật.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" đưa vào luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật, thực tế mức độ vi phạm pháp luật hiện ngày một gia tăng, vô hình trung đề xuất này làm giảm đi tính răn đe của pháp luật.

“Tù tại gia” làm giảm tính răn đe của pháp luật

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Trung - Phó Viện trưởng VKSND huyện Kỳ Sơn - Hòa Bình cho rằng, người phạm tội phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của mình, pháp luật sẽ nghiêm minh trừng trị những sai lầm mà những người phạm tội gây ra. Bên cạnh đó, ông Trung chia sẻ đề xuất hình thức “tù tại gia” sẽ có những hạn chế khó có thể thực thi được.

“Hạn chế rất lớn của hình thức “tù tại gia” đó là tính cải tạo để phạm nhân trở thành một con người có ích hơn cho xã hội sẽ không hiệu quả, bởi vì bản thân họ sẽ không thấy được tính nghiêm minh, răn đe khắc nghiệt của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Đồng quan điểm, luật sư Vũ Văn Lợi (công ty Luật TNHH Hòa Lợi) nhận định: “Đối với hình thức này, nước ta chưa đủ điều kiện để áp dụng cho phạm nhân cải tạo tại gia. Một phần, do các điều kiện quản lý xã hội còn thấp, công tác quản lý an ninh xã hội của các địa phương còn hạn chế về cả lực lượng và cơ sở vật chất. Điều này sẽ thêm khó khăn trong khâu quản lý, theo dõi các đối tượng vi phạm”.

Luật sư Vũ Văn Lợi.

“Nhận thức của xã hội nói chung về vấn đề trên còn hạn chế, vì vậy, nếu áp dụng hình thức này vào luật Thi hành án hình sự sửa đổi sẽ gây thêm hoang mang cho quần chúng nhân dân”, luật sư Lợi cho hay.

Hình thức “tù tại gia” không khả thi trên thực tế

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Huy - Trợ lý viên pháp lý thuộc trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình đã có ý kiến phản đối về việc đưa hình thức "tù tại gia" vào luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Ông Huy cho rằng, nếu đưa hình thức luật này vào sẽ khiến các văn bản và luật bị chồng chéo và đặc biệt tính khả thi trên thực tế không hề có.

"Hình thức tù tại gia nếu đưa vào luật Thi hành án hình sự sửa đổi là không phù hợp. Hình thức tù tại gia không có gì khác biệt quá lớn so với hình thức cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo. Ngoài ra, các biện pháp khác có tính chất răn đe và giảm nhẹ đã có quy định. Còn án tại gia là không khả thi, không thực tế trong việc xử lý tội phạm", ông Huy nói.

Theo ông Huy, hình thức này được thêm vào chủ yếu nhằm hạn chế kinh phí Nhà nước phải chi trả cho những trường hợp phải ngồi tù, nhưng để xử lý hình sự có tính chất răn đe là không phù hợp.

Chỉ nên áp dụng với đối tượng ở khung hình phạt ít nghiêm trọng

Ông Bùi Văn Minh - Trưởng phòng Kiểm sát Thi hành án dân sự VKSND tỉnh Lai Châu cho biết, “tù tại gia” khác với “án treo” ở phạm vi quản thúc hẹp hơn, thậm chí chỉ trong nhà của phạm nhân. Nếu đưa hình thức “tù tại gia” vào luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) thì chỉ nên áp dụng với đối tượng vi phạm lần đầu ở khung ít nghiêm trọng.

“Nếu sử dụng hình thức này thì đối tượng áp dụng là loại tội phạm vi phạm lần đầu và ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như tội phạm về ma tuý, tham nhũng, giết người, hiếp dâm, tội phạm an ninh quốc gia mà áp dụng hình thức tù tại gia thì tính nghiêm minh sẽ không cao, tính răn đe giáo dục để làm gương cho người khác là không có. Để áp dụng được hình thức tù tại gia thì luật phải được quy định chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan trực tiếp quản lý tội phạm”, ông Minh chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Minh khẳng định, người được áp dụng “tù tại gia” là người phải có nhân thân tốt, là trường hợp phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng và không thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Nguyễn Mai - Thu Huyền
Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-luat-hinh-thuc-tu-tai-gia-lam-giam-tinh-ran-de-cua-phap-luat-a251211.html