Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi


Thứ 3, 28/08/2018 | 04:04


Trước thực tế số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và sởi có dấu hiệu tăng Cục Quản lý Dược đã có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về vấn đề này.

Trước thực tế số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và sởi có dấu hiệu tăng Cục Quản lý Dược đã có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng và điều trị hai bệnh này.

Cung ứng thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi

Trước tình hình trên, để bảo đảm cung ứng đủ thuốc để phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị.

Đặc biệt, các địa phương phải bảo đảm cơ số thuốc, hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các loại thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh theo các hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, bệnh viện; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Sở Y tế kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, sởi và các bệnh có thể phát sinh sau mưa, bão, lũ lụt trên địa bàn.

Công văn của Cục Quản lý Dược

Các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh sởi; liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn thuốc chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần liên hệ với Cục để được giải quyết.

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi hiệu quả

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi - Ảnh: Minh họa

Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Đồng thời, hàng tuần người dân nên diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông.

Người dân nên thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Đối với bệnh sởi tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella). Do đó, các gia đình cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Quỳnh Chi

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-bao-cung-ung-du-thuoc-phong-dieu-tri-benh-sot-xuat-huyet-va-benh-soi-a250140.html