Đánh giá đúng để sử dụng cán bộ hiệu quả


Thứ 7, 05/05/2018 | 01:56


Cùng sự kiện

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng đã xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”; đây là công tác đối với con người nên rất hệ trọng và nhạy cảm,... xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức và xây dựng con người nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Tại Đại hội XII, Đảng nhìn nhận: "Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát triển."

Trong các khâu của công tác cán bộ, thì đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới việc sắp xếp, sử dụng cán bộ hiệu quả. Tuy nhiên văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng nêu tình trạng: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”. Việc đánh giá chưa đúng dẫn đến bố trí cán bộ có lúc, có nơi chưa đúng.

Thực tế cho thấy một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, bầu cử; không ít trường hợp cán bộ ở các cấp mới được bầu vào cấp ủy hoặc được bổ nhiệm đã bộc lộ yếu kém cả về phẩm chất, năng lực và uy tín, một số vi phạm khuyết điểm, thậm chí bị xử lý kỷ luật. Một số nơi bổ nhiệm cán bộ không trong quy hoạch và chưa coi trọng cơ cấu 3 độ tuổi; chưa mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Vụ việc Trịnh Xuân Thanh gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vẫn được khen thưởng, được cất nhắc ở vị trí cao hơn là một trong những minh chứng về thực trạng yếu kém của khâu đánh giá cán bộ.

Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017 đã từng nhận định: “Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm. Còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội, như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh... Tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự; còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm”?.

Nhìn nhận tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ, để từ đó sử dụng đúng, sát với yêu cầu công việc, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ... trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp...”.

Quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã được xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là: Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất... Tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên là chương trình hành động của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Gần đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Theo quy định, các cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; mẫu mực về phẩm chất đạo đức; đồng thời phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, cơ hội, không để người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi.

Ngoài quy định chung, lần này Bộ Chính trị cũng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với 20 chức danh lãnh đạo cao cấp của hệ thống chính trị từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến các cán bộ cấp Bộ trưởng và tương đương. Quy định này cũng đã thống nhất bộ khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện thành 2 nhóm tiêu chí gắn với công việc lãnh đạo, quản lý theo chức danh. Quy định cũng giao các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng, cụ thể hóa và ban hành bộ tiêu chí để đánh giá cán bộ cấp mình quản lý.

Có thể nói đây là lần đầu tiên, Đảng đã có những quy định đầy đủ và cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; quy định mang tính định lượng để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, từ đó đánh giá cán bộ một cách khách quan và gắn với nhiệm vụ chính trị.

Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã ban hành “Khung năng lực” làm căn cứ đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Cụ thể như UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành “Khung năng lực dành cho công chức thành phố Đà Nẵng”; Bộ Y tế ban hành “Chuẩn năng lực cán bộ lãnh đạo quản lý cơ bản của viện trưởng các viện thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật...

Việc ban hành các quy định về đánh giá cán bộ đã cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh công tác này. Cùng với đối chiếu theo các tiêu chuẩn, tiêu chí gắn với kết quả công tác sẽ là bộ lọc, giúp ngăn chặn những trường hợp chạy chức, chạy quyền, nâng đỡ cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất vào sâu hơn trong bộ máy công quyền.

Quỳnh Hoa

Theo TTXVN

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-gia-dung-de-su-dung-can-bo-hieu-qua-a228578.html