Đế chế bán lẻ khổng lồ của Mỹ đệ đơn phá sản sau 125 năm


Thứ 3, 16/10/2018 | 02:08


Sears Holdings - “người khổng lồ” 125 năm tuổi của ngành bán lẻ và đã từng là niềm tự hào của kinh tế Mỹ đã chính thức đệ đơn xin phá sản.

Sears Holdings - “người khổng lồ” 125 năm tuổi của ngành bán lẻ và đã từng là niềm tự hào của kinh tế Mỹ đã chính thức đệ đơn xin phá sản.

Bloomberg và tờ Thời báo New York đưa tin, ngày 15/10, tập đoàn bán lẻ lừng danh Sears đã chính thức sụp đổ trước áp lực quá lớn của các khoản nợ và khách hàng ngày một ít đi.

Sears, nổi tiếng với các thương hiệu Kenmore và DieHard, đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án Phá sản Mỹ tại thành phố New York. Giám đốc điều hành Eddie Lampert cho biết tính tới tháng 9/2018, khoản nợ của Sears đã lên tới 2,5 tỷ USD. Kể từ năm 2012, thua lỗ của tập đoàn này đã vào khoảng 10 tỷ USD.

Cổ phiếu của hãng tuần trước chỉ là 0,4 USD. Cách đây hơn 10 năm, con số này là hơn 100 USD.

Sears từng là hãng bán lẻ lớn nhất và cũng là công ty có nhiều nhân viên nhất tại Mỹ. Vào thời hoàng kim, công ty này từng là một gã khổng lồ như Walmart và Amazon hiện nay.

Sears từng một là niềm tự hào của kinh tế Mỹ nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters

Được thành lập vào năm 1886 bởi nhân viên ga tàu Richard Sears, Sears bắt đầu là một công ty đồng hồ tại North Redwood, Minnesota. Sears chuyển tới Chicago vào năm 1887 và hợp tác với đồng hồ Alvah Roebuck. Catalog đầu tiên của công ty Sears Roebuck, bán đồng hồ và trang sức, được in vào năm 1896.

Qua các tập catalog của Sears, nhiều người Mỹ bắt đầu tiếp cận và mua những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Đây là sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt đối với những người đang sống trên các trang trại và thị trấn nhỏ và từ lâu luôn tự cung tự cấp nhiều nhu yếu phẩm như quần áo, nội thất.

Các cửa hàng của Sears đã giúp định hình cả nước Mỹ, thay đổi thói quen mua sắm từ các gian hàng vỉa hè truyền thống. Sears thu hút người tiêu dùng đến các trung tâm mua sắm, dẫn đầu trong công cuộc đô thị hoá nông thôn nước Mỹ hậu Thế chiến thứ 2. Những sản phẩm gia dụng Kenmore của hãng mang đến cho người Mỹ nhiều thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động - thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các gia đình Mỹ. 

Tuy nhiên, khá lâu trước khi Amazon và thương mại điện tử trỗi dậy, Sears đã phải vật lộn để theo kịp sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người Mỹ. Các hãng bán lẻ truyền thống lớn như Walmart đã đánh bại hãng này về giá và sự tiện lợi.

Năm 1999, Sears bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones sau hơn 75 năm và Home Depot thế vào vị trí đó.

Sears và Kmart sáp nhập tạo thành Sears Holdings vào năm 2005 với tổng số 3.500 cửa hàng tại Mỹ. Đến nay, đế chế này chỉ còn chưa tới 900 cửa hàng.

Hồi tháng 7, Sears đóng cửa hàng cuối cùng tại Chicago - nơi từng là quê hương của hãng bán lẻ này.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-che-ban-le-khong-lo-cua-my-de-don-pha-san-sau-125-nam-a247775.html