+Aa-
    Zalo

    Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Phương án nào khả thi?

    ĐS&PL Bộ LĐ-TB&XH vừa có dự thảo trình Chính phủ 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu bởi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

    Bộ LĐ-TB&XH vừa có dự thảo trình Chính phủ 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu bởi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Vậy phương án giữ nguyên độ tuổi hay tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khả thi.

    Việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nam là 62, nữ là 60 đang tiếp tục là chủ đề có nhiều ý kiến tranh cãi. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên ủy ban về các vấn đề xã hội của QH.

    Ông Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Người đưa tin 

    PV: Trước việc tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến lo ngại nó sẽ giúp việc “tham quyền cố vị” với đối tượng quản lý. Ông có chung quan điểm như vậy không, thưa ông?

    ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh là mục đích tăng tuổi nghỉ hưu không phải để “tham quyền cố vị” như nhiều người lo ngại.

    Mục đích chính của việc sửa đổi điểm về quy định tuổi nghỉ hưu trong luật Lao động sửa đổi là để chống vỡ quỹ trong tương lai. Bởi vì, tuổi thọ con người đang dần được nâng lên và thời kỳ dân số vàng của VN sắp qua, việc nâng tuổi hưu là chuẩn bị cho tương lai.

    Lãnh đạo chỉ có một vài người chứ đâu phải tất cả đều là lãnh đạo. Tôi cho rằng, tư tưởng lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu để “tham quyền cố vị” xuất phát từ việc số người muốn về hưu sớm đông hơn số người muốn về hưu muộn. Việc lo ngại này theo tôi là không đúng, không hợp lý.

    PV: Thực tế, chúng ta đang có số lượng cử nhân thất nghiệp rất lớn, nếu tăng tuổi hưu có thể sẽ tiếp tục làm mất đi cơ hội của những người này?

    ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Việc cử nhân thất nghiệp là lỗi của quy hoạch và cũng không thể giải quyết bằng tuổi hưu. Số người học ra thất nghiệp là lỗi do quy hoạch đào tạo. Nhu cầu về lao động vẫn rất lớn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn các tỉnh cần lao động nhưng không có đủ. Quan trọng nhất là chất lượng lao động.

    PV: Như ông trao đổi, mục đích chính của việc tăng tuổi hưu là chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là chống vỡ quỹ. Tuy nhiên, vấn đề này đã từng được đề xuất nhưng vấp phải sự không đồng thuận. Vậy làm sao để tránh "vết xe đổ" này, thưa ông?

    ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đúng như vậy. Thực tế, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải đến nhiệm kỳ QH này mới bàn. Tuy nhiên, số đông người lao động là trong các nhà máy, xí nghiệp, y tế, giáo dục không đồng tình nên không được thông qua ở nhiệm kỳ trước.

    Như vậy, câu chuyện tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu vẫn còn là vấn đề nhiều tranh cãi. Nếu năm 2017 Quốc hội thông qua phương án này thì bắt đầu thực hiện từ năm 2020 để có quá trình đánh giá tất cả các tác động về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, năng suất lao động cũng như tâm lý của người lao động và doanh nghiệp.

    Dự kiến, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ phương án vào tháng 1/2017, trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2017 và tháng 4/2017 sẽ trình Quốc hội dự án luật.

    Kiều Trang(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-phuong-an-nao-kha-thi-a217118.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan