"Điểm tên" những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019


Thứ 3, 01/01/2019 | 04:06


Cùng sự kiện

Tăng lương tối thiểu vùng; Luật Tố cáo; Luật An ninh mạng, ... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Tăng lương tối thiểu vùng; Luật Tố cáo; Luật An ninh mạng, ... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng

Hình minh họa

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Một trong những nội dung của Luật An ninh mạng nằm ở Chương II quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nội dung của chương này thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này. Trong đó, nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như: thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Nghiêm cấm làm lộ danh tính của người tố cáo

Với 9 chương, 67 điều, Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Luật quy định nguyên tắc là việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật là: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo; không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo;..

Lương tối thiểu vùng tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng

Hình minh họa

Theo Nghị định số 157/2018 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.

Người được áp dụng mức lương này làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Trêu ghẹo nhân viên hàng không bị phạt 5 triệu đồng

Nghị định 162 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/1 quy đinh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, các hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng với một trong các hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Thi công chức bằng hình thức trắc nghiệm

Nghị định 161/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/1 đã sửa đổi nhiều quy định về thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, người thi tuyển công chức phải trải qua hai vòng thi trắc nghiệm và nghiệp vụ chuyên ngành. Phần thi trắc nghiệm thực hiện trên máy vi tính. Nếu cơ quan tuyển dụng không có điều kiện thì làm trên giấy.

Nội dung thi trắc nghiệm gồm ba phần với 120 câu hỏi. Kiến thức chung có 60 câu về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức. Thời gian thi 60 phút.

Ngoại ngữ gồm 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Thời gian thi 30 phút.

Tin học gồm 30 câu hỏi theo với thời gian thi 30 phút. Nếu phần thi trắc nghiệm thực hiện trên máy vi tính thì thí sinh được miễn phần thi này....

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-ten-nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-12019-a257372.html