+Aa-
    Zalo

    Điều bí ẩn tạo nên màu sắc độc đáo của chiếc bánh chưng đen lưng gù

    ĐS&PL Thường người Kinh gói bánh chưng vuông thì người dân tộc Tày - Hà Giang lại gói những chiếc bánh chưng đen lưng gù.

    Thường người Kinh gói bánh chưng vuông thì người dân tộc Tày - Hà Giang lại gói những chiếc bánh chưng đen lưng gù. Trong mâm cơm ngày Tết của người Tày Hà Giang không thể thiếu những chiếc bánh này. Nếu như bánh chưng hình vuông của người Kinh tượng trưng cho đất thì bánh chưng lưng gù lại tượng trưng cho hình ảnh người mẹ địu con lên nương, chịu thương chịu khó, nhọc nhằn vất vả nuôi con khôn lớn...

    Không biết gói bánh lưng gù là không lấy được chồng

    Những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang để tìm hiểu về đặc trưng riêng có của bánh chưng đen lưng gù truyền thống nơi đây. Ai đã từng được thưởng thức bánh chưng đen lưng gù tại nơi này sẽ chẳng thể nào quên.

    Thời điểm này, nhà nhà tấp nập chuẩn bị cho ngày Tết. Thấy chúng tôi tò mò về màu đen tạo nên chiếc bánh lưng gù, người dân nơi đây đã giới thiệu đến gia đình bà Hoàng Thị Hương (50 tuổi), đã có truyền thống lâu đời làm loại đặc sản này.

    Bà Hương bảo, bánh chưng đen lưng gù mang một ý nghĩa rất đặc biệt, gói trọn trong ba lớp lá được ví như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Con từ khi trong lòng mẹ, đến khi con chào đời, mẹ lo lắng cho từng miếng cơm ăn, miếng nước uống. Lòng mẹ bao la không hề quản khó nhọc nuôi con, dạy dỗ cho con thành người. Chiếc bánh chưng đen lưng gù còn thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc của người vùng cao, bánh lưng gù mang ý nghĩa tượng trưng cho người mẹ địu con lên nương không quản ngại khó khăn nhọc nhằn.

    Bánh chưng đen lưng gù là món ăn không thể thiếu của người dân tộc Tày vào ngày Tết

    Mỗi dịp Tết đến chính là ngày sum họp gia đình của người Việt Nam, trong mâm cơm Tết ăn một miếng bánh chưng là nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Anh chị em đùm bọc lấy nhau, quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình đầy hạnh phúc và ấm cúng.

    Bất cứ người phụ nữ Tày nào cũng phải biết gói bánh, điều này thể hiện sự khéo léo của họ đối với gia đình nhà chồng và họ hàng, là người vợ hiền, con dâu đảm.

    "Từ khi còn bé cứ thấy ông bà, bố mẹ gói bánh là mình cũng làm theo, dịp Tết đến gia đình nào cũng làm để thắp hương cúng gia tiên. Con gái vùng cao phải biết gói bánh lưng gù, không biết gói bánh là không lấy được chồng", bà Hương vui vẻ chia sẻ.

    Nguyên liệu cầu kỳ

    Có một nét khác với bánh chưng truyền thống của người Kinh là bánh không có hình vuông hoặc dài, mà lại có hình tròn, dài hoặc bánh lưng gù. Bánh lưng gù có phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi 6 đường lạt dài chạy dọc thân bánh.

    Chia sẻ về loại bánh chưng độc đáo, lạ mắt này bà Hương cho hay: Để làm bánh chưng đen lưng gù cần phải chuẩn bị nguyên liệu rất kỳ công, đầu tiên phải lên rừng lấy cây muối về róc bỏ vỏ bên ngoài sau đó đem ra phơi khô hoặc để trên gác bếp cho khô, cây khô thì đem đốt ra làm than, chờ than nguội đem giã nhuyễn rồi sàng. Sau khi sàng xong đem bột than trộn với gạo vò tạo màu đen. Để ăn không bị sạn, sau khi vò kỹ cho bột than bám vào gạo thì đem sảy nhiều lần cho sạch. Bánh chưng đen lưng gù không ngâm lâu trong nước, sau khi vò gạo với nước cho sạch rồi trộn với bột than cây muối là mang ra gói bánh luôn. Đó mới xong công đoạn chuẩn bị gạo làm bánh.

    Bà Hương chia sẻ thêm: "Cách chọn gạo làm bánh phải thật cẩn thận vì gạo là nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh, phải chọn gạo nếp cum, loại gạo cắt từ bông lúa về đem phơi khô khi nào sử dụng thì mới đem đi tuốt, xát thành gạo làm bánh chứ không dùng gạo để lâu đã xát sẵn. Còn lá phải là lá dong rừng và không được chọn lá dong dầu, vì lá thẫm bánh sẽ không ngon, đặc biệt phải chọn những tàu lá đều, đẹp thì bánh mới đều nhau. Nhân bánh phải chọn thịt lợn đen, sử dụng phần nạc vai, có thêm một chút mỡ cho vị thêm béo ngậy, đỗ hạt tiêu nhỏ, tròn, lòng xanh và vỡ đều, không bị lép hoặc mốc".

    Khi chuẩn bị được các nguyên liệu đạt chuẩn như bà Hương chia sẻ thì không có lý do gì mà chiếc bánh lại không ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Bánh ngon phải là bánh được luộc rền, mềm, nhân bánh hòa quyện với gạo, ăn ngon mà không ngán.

    Bà Hương cho biết: "Không phải tự nhiên lại đem gạo nhuộm với than cây muối làm bánh đâu, chỉ có cây này mới làm được bánh chưng đen, các cây khác không làm được, cây này có mùi thơm, làm bánh ngon và dẻo, đặc biệt là cây muối có tác dụng như một bài thuốc chữa bệnh suy thận, kiết lỵ tốt cho sức khỏe.

    Bà Hương kể: "Theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tôi thấy rằng công đoạn cầu kỳ nhất trong quá trình làm ra được một chiếc bánh chưng đen lưng gù đó là công đoạn đốt than, xay bột than để trộn với gạo. Để đốt được than không đơn giản là lấy cây muối trên rừng về đốt mà cần phải đợi cây muối khô mới đốt thành than được, có khi trời mưa âm u phơi mãi không khô tôi phải để cây lên gác bếp đến khi khô mới có thể đốt thành than được".

    Đặt tâm huyết vào từng chiếc bánh

    Qua tìm hiểu thêm PV được biết, gia đình bà Hương có truyền thống gói bánh để bán trong dịp Tết nên trước đó vài tháng gia đình bà đã phải chuẩn bị nguyên liệu. Với số lượng bán ra một ngày khoảng 600 đến 700 chiếc nên lúc nào gia đình cũng phải có sẵn nguyên liệu.

    Ngoài nguyên liệu được lựa chọn kỹ, để có một nồi bánh đạt chuẩn người làm ra nó cần đặt cả tâm huyết và tấm lòng vào từng chiếc bánh. Việc luộc bánh cũng đòi hỏi phải hết sức cẩn thận, bởi nếu không mẻ bánh sẽ chín không đều thậm chí là hỏng. Một nồi bánh đạt chuẩn phải đảm bảo thời gian luộc từ 8 tiếng đến 10 tiếng nên khâu luộc bánh cần phải căn đúng thời gian và lửa.

    Trong cuộc trò chuyện với PV, chị Lan, con gái bà Hương nhớ về những kỷ niệm thức trông nồi bánh chưng trong ngày Tết: "Ngày còn nhỏ tôi thường được bố mẹ giao cho việc cùng các anh chị trong nhà thức canh nồi bánh. Khi ấy, bố mẹ thường cho chúng tôi kẹo để ngồi trông bánh. Giờ nhớ lại những chuyện này thấy đó là ký ức đẹp. Bây giờ, trẻ con ít có cơ hội được trải nghiệm cảm giác thức thâu đêm trông bánh như ngày xưa".

    "Hiện nay gia đình chủ yếu làm bánh để bán nên gia đình tôi và những người thợ phải phân chia nhau ngủ và thức trông bánh. Thậm chí, vào ngày cận Tết như bây giờ tôi còn chẳng kịp ngả lưng vì công việc tất bật. Dù mệt, vất vả nhưng chúng tôi không hề kêu than, cố gắng làm hết trách nhiệm để mang đến cho khách những mẻ bánh ngon và ưng ý nhất", chị Lan cho biết thêm.

    Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như chính người dân nơi đây nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh túy của đất trời và tấm lòng mà người gói bánh gửi gắm trong đó. Chiếc bánh đặc sắc này có từ khi nào, ngay cả đến các bậc cao niên trong bản cũng không nhớ được, chỉ biết rằng khi họ lớn lên đã có rồi. Năm tháng trôi qua, người đi trước truyền lại cho người đi sau và bánh chưng đen lưng gù đã trở thành một nét văn hóa, bản sắc riêng của người dân tộc Tày – Hà Giang mỗi dịp Tết đến, xuân về.

    Nguyễn Mai 

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-bi-an-tao-nen-mau-sac-doc-dao-cua-chiec-banh-chung-den-lung-gu-a261045.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan