Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng "đắp chiếu": Các đơn vị chỉ lo "đấu đá"


Thứ 4, 10/10/2018 | 00:30


Trước việc dự án chống ngập 10.000 tỷ nằm "bất động", một số chuyên gia cho rằng, các đơn vị chỉ lo "đấu đá", trong khi đó, chính quyền lại nhùng nhằng, không giải quyết

Trước việc dự án chống ngập 10.000 tỷ nằm "bất động", một số chuyên gia cho rằng, các đơn vị chỉ lo "đấu đá", trong khi đó, chính quyền lại nhùng nhằng, không giải quyết dứt điểm.

Tổn thất lớn

Như Báo Người Đưa Tin đã phản ánh, hiện dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng bị ngưng trệ gần 5 tháng qua đang gây bức xúc dư luận.

Đánh giá về sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hồng, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Cần phải thanh, kiểm tra để tìm nguyên nhân sâu xa, từ có cái nhìn đa chiều và kết luận một cách khách quan, công tâm hướng tới mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra dự án có hiệu quả, xứng đáng với nguồn vốn bỏ ra, qua đó tạo sự yên tâm cho người dân. Bởi, đây là vấn đề dân sinh gây bức xúc trong thời gian dài vừa qua”.

“Tuy nhiên, thời gian tới đây, nếu UBND TP.HCM vẫn chưa xác định được đơn vị nào đúng, đơn vị nào sai trong việc để chậm trễ dự án trong thời gian qua, đồng thời doanh nghiệp thực hiện (công ty Trung Nam) cho rằng, mình bị thiệt hại thì hoàn toàn có quyền kiện đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGS) ra tòa, thậm chí kiện cả cơ quan chức năng để đòi bồi thường thiệt hại”, luật sư Hồng cho biết thêm.

Một góc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang ngừng thi công.

TS Trần Mạnh Hùng, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho biết: “Việc để chậm trễ dẫn tới dự án “đắp chiếu” là lỗi của các cơ quan chức năng trong đó, trách nhiệm của UBND TP.HCM là trước hết. Lẽ ra họ phải can thiệp sớm, đặc biệt là lãnh đạo UBND TP.HCM phải sớm có chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan vào cuộc và có biện pháp để chấn chỉnh, xem ai đúng, ai sai, sai mức độ nào để có phương án khắc phục, nhằm đưa dự án tiếp tục triển khai”.

Nhìn nhận về sự việc này, một số chuyên gia lại cho rằng, các đơn vị chỉ lo “đấu đá”, trong khi đó, chính quyền lại nhùng nhằng, không giải quyết dứt điểm. Việc này đã khiến TP tổn thất về nguồn lực, ảnh hưởng tới uy tín, môi trường đầu tư và tiến độ thực hiện các công trình mang tính đột phá (chống ngập là 1 trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM được đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X).

“Nó không đơn thuần chỉ là quyền lợi của doanh nghiệp mà nó tác động tới chương trình dân sinh mang tính đột phá mà chính quyền thành phố đã vật lộn nhiều năm qua. Thêm vào đó, nếu xác định đơn vị thực hiện dự án hay TVGS có lỗi thì UBND TP.HCM sẽ có phương án, chứ không thể làm ngơ dẫn tới hệ quả như ngày hôm nay”, ông Nguyễn Trí Cường, kiến trúc sư, giám đốc một doanh nghiệp về tư vấn giải pháp đô thị thông minh tại TP.HCM nói.

Tránh lặp lại

Theo tìm hiểu của PV, ngoài dự án nêu trên, hiện nay, dự án thuê máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng đang “đắp chiếu”. Lý do được xác định là chưa thống nhất được giá thuê máy bơm với công ty CP tập đoàn Công nghiệp Quang Trung. Tuy nhiên, chưa bàn đến hiệu quả của máy bơm này như thế nào nhưng 2 trong số nhiều dự án chống ngập tại TP.HCM đang bị tê liệt.

“Rõ ràng, chính quyền thành phố cần phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm chấn chỉnh tình hình, tránh để người dân thêm bức xúc, vì ngập nước là một trong những vấn đề dân sinh vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài. Hiện nay, người dân vẫn phải rất vất vả để chống chọi với ngập nước, đặc biệt là mưa kết hợp triều cường. Lãnh đạo phải đến các điểm ngập mới cảm nhận hết được những nỗi khổ, vất vả của người dân. Do đó, không thể chống ngập kiểu như thế này được”, ông Nguyễn Hoà Bình, một cán bộ hưu trí tại phường 7 (quận 3) chia sẻ.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) như sông như biển mỗi khi mưa lớn.

Đồng quan điểm, TS Trần Mạnh Hùng cho biết thêm: “Đây là bài học mang ý nghĩa thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước cho TP.HCM - một đô thị lớn của cả nước với nhiều dự án trọng điểm. Ngoài ảnh hưởng tới uy tín, môi trường đầu tư thì dư luận còn đánh giá về sự quyết liệt, năng lực quản trị Nhà nước tại địa phương. Tôi cho rằng, chính quyền TP cần sớm vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý dứt điểm và tránh lặp lại các tình huống tương tự”.

Yêu cầu làm rõ việc công ty tư vấn nợ thuế kéo dài

Liên quan đến đơn vị TVGS là công ty Meinhard, vào giữa tháng Chín vừa qua, văn phòng Thành ủy đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu sở Tư pháp TP.HCM chủ trì phối hợp với cục Thuế TP.HCM làm rõ về việc đơn vị này nợ thuế kéo dài. Đồng thời xem xét có tư cách để thực hiện các hợp đồng tư vấn hay không?

Dương Thanh Tùng

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-chong-ngap-10000-ty-dong-dap-chieu-cac-don-vi-chi-lo-dau-da-a247085.html