Đường sắt Việt Nam mong bán được "vốn ế” giá cao


Thứ 4, 14/02/2018 | 07:40


Tình hình kinh doanh vừa có chút khởi sắc sau thời gian dài bết bát, tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hy vọng bán được toàn bộ phần vốn đang ế ẩm tại 15 công ty...

Tình hình kinh doanh vừa có chút khởi sắc sau thời gian dài bết bát, tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hy vọng bán được toàn bộ phần vốn đang ế ẩm tại 15 công ty thành viên trong năm nay với giá.. trên trời.

Thứ trưởng bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông vừa ký văn bản số 1142/BGTVT-QLDN phê duyệt chủ trương tiến hành chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư tại 15 công ty cổ phần thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Theo đó, Thứ trưởng Đông chỉ đạo hội đồng thành viên VNR nghiên cứu ý kiến của bộ Tài chính, bộ Kế hoạch & Đầu tư và căn cứ thẩm quyền, quyết định việc chuyển nhượng số cổ phần hiện nắm giữ tại các công ty cổ phần nêu trên và có trách nhiệm triển khai, thực hiện việc chuyển nhượng vốn theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, công khai và minh bạch.

Tin tức - Đường sắt Việt Nam mong bán được 'vốn ế” giá cao

Đường sắt Việt Nam mong bán được "vốn ế" giá cao.

Được biết, hiện VNR đang có vốn góp tại 15 công ty thành viên, công ty liên kết có tổng vốn điều lệ là 680,5 tỷ đồng, trong đó VNR nắm giữ 139,1 tỷ đồng (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), được chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 9 công ty VNR đã tiến hành thoái vốn, nhưng chỉ bán được một phần. Đó là các công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT, công ty Xây dựng công trình Đà Nẵng, công ty Viễn thông - Tín hiệu đường sắt, công ty Vĩnh Nguyên, công ty In đường sắt Sài Gòn, công ty Hải Vân Nam, công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1, công ty Hạ tầng đô thị đường sắt, công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt.

Nhóm 2 gồm 4 công ty cổ phần VNR đã tiến hành thoái vốn, nhưng không có nhà đầu tư tham gia hoặc nhà đầu tư bỏ cọc toàn bộ không mua: công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT, công ty Đầu tư và xây dựng công trình 3, công ty Công trình 6, Tổng công ty Công trình đường sắt.

Nhóm 3 gồm 2 công ty VNR bắt đầu triển khai thoái vốn lần đầu là công ty Đá Đồng Mỏ và công ty Đá Mỹ Trang.

Về phương án thoái vốn, VNR mong muốn được chào bán cạnh tranh theo lô thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc tổ chức tài chính trung gian đối với 9 đơn vị thuộc nhóm 1, chào bán khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán đối với 4 công ty thuộc nhóm 2 và chào bán công khai qua HNX đối với hai đơn vị còn lại.

Một điểm đáng chú ý là mặc dù tình hình kinh doanh không có gì nổi trội, cổ phiếu hầu hết đang rơi vào tình trạng khá ế ẩm, cổ phiếu của 4 công ty dự kiến thoái trên sàn UPCoM hiện thị giá đang giao dịch trên sàn thấp hơn cả giá trị sổ sách nhưng vẫn được công ty tư vấn của VNR định giá khá cao.

Ví dụ như công ty Đá Mỹ Trang được định giá cao hơn 11,2 lần mệnh giá, Đá Đồng Mỏ 4,2 lần, Tổng công ty Công trình đường sắt 2,3 lần; Công ty cổ phần Viễn thông - Tín hiệu đường sắt 2,7 lần…

Được biết, nếu quá trình thoái vốn suôn sẻ, VNR sẽ thu được số tiền lớn hơn 139 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá. Số tiền này dự kiến sẽ giúp VNR đẩy nhanh tiến trình đầu tư mua sắm toa xe, chỉnh trang các nhà ga lớn trong năm 2018.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-sat-viet-nam-mong-ban-duoc-von-e-gia-cao-a219828.html