+Aa-
    Zalo

    Khắc khoải nơi trời Tây, nhớ nao lòng nồi bánh chưng xanh

    ĐS&PL Với người Việt xa xứ Tết họ vẫn phải bận rộn lo toan với công việc, không có điều kiện trở về Việt Nam đón xuân, lòng họ lại khắc khoải nhớ về “vị” Tết trên quê hương.

    Với người Việt xa xứ Tết họ vẫn phải bận rộn lo toan với công việc, không có điều kiện trở về Việt Nam đón xuân, lòng họ lại khắc khoải nhớ về “vị” Tết trên quê hương.

    Ngậm ngùi phút Giao thừa

    Chị Ái My (tên tiếng Anh là AI My Moen, SN 1976) sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Sài Gòn, hiện đang sinh sống và làm việc tại Minnesota, phía Bắc nước Mỹ. Chị cùng chồng là Doug (gia đình hay gọi tên tiếng Việt là Đức) gặp nhau, quen nhau và yêu nhau tại Việt Nam khi anh sang Việt Nam làm việc. Thế nhưng, khi có hai con nhỏ thì hai vợ chồng đã quyết định quay về Minnesota. Đến nay đã 5 năm chị xa quê hương và cũng ngần ấy thời gian chị chưa được đón một cái Tết Nguyên đán trọn vẹn bên bố mẹ, người thân.

    Gia đình chị Ái My vẫn luôn nhớ về Tết cổ truyền của dân tộc.

    “Cứ mỗi khi tới Giao thừa, tôi lại nhớ nồi bánh chưng mẹ nấu. Ngày còn ở nhà, cả ba chị em gái tôi cùng về, cùng lăn xả ra sàn gói bánh chưng với mẹ, các con, cháu lăng xăng giúp ngoại cắt lá dong, còn anh Đức chồng tôi và anh rể thì giúp đun củi và cho thêm nước vào nồi bánh đặt trước ngõ. Tôi cũng nhớ những chén chè đậu xanh của mẹ, nhớ những chiếc bánh chưng nhỏ xíu ngoại làm cho các cháu, nhớ những khoảnh khắc chờ chuông đồng hồ điểm 00h00, rồi ngủ quên mẹ phải đánh thức con gái dậy đốt nhang cúng Giao thừa”.

    Với chị Ái My, Tết cổ truyền trong trái tim chị có thêm cả những món ăn đặc trưng: “Tôi nhớ vị canh gà hầm măng khô, những chiếc bánh chưng xanh của mẹ, củ kiệu muối... Dù đi bất cứ nơi đâu thì những món ăn đó mãi in sâu trong tâm trí tôi”.

    Du học sinh Canada Trần Khả Tú (tên thường gọi Katu Trần) cũng chung nỗi nhớ nhà da diết. Khả Tú bộc bạch: “Đã 3 năm rồi tôi ăn Tết xa quê hương, có những đêm Giao thừa, thấy cảnh gia đình bày biện cỗ bàn mà khóc vì tủi thân. Ở Canada, Tết lại đúng vào mùa đông lạnh giá, ngoài đường vắng tanh nên cảm giác của ngày Tết Nguyên đán với tôi chưa bao giờ trọn vẹn. Ngày Tết tôi vẫn đi học, không có gì đặc biệt hơn ngày thường ở đây cả, chủ yếu là bản thân mình có cảm nhận đặc biệt vào ngày này”.

    Nhắc về những điều khó phai trong đêm Giao thừa, anh Thành Chung (hiện đang sinh sống tại Nhật Bản) bày tỏ: “Đã 5 năm tôi xa Hà Nội sang Nhật Bản định cư cùng vợ và con, ở Hà Nội giờ chỉ còn bố mẹ. Tôi biết, họ cũng nhớ con cháu lắm, nhưng vì hoàn cảnh nên chúng tôi đành tạm xa nhau. Thường, đến đêm Giao thừa, tôi hay gọi điện về chúc Tết bố mẹ, đang nói chuyện vui vẻ rồi cả hai đầu dây đều chùng xuống vì nhớ, khoảnh khắc giao thời tôi đã lén lau những giọt nước mắt. Tôi mong một ngày gần nhất, mình sẽ được trở về quê hương để cùng người thân yêu đón một cái Tết đầm ấm theo đúng nghĩa”.

    Lưu giữ phong tục Tết Việt

    Dù xa quê hương lâu năm, thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến là anh Thành Chung, chị Ái My hay nữ du học sinh Trần Khả Tú đều chia sẻ họ vẫn luôn cố gắng lưu giữ phong tục đón Tết.

    Anh Thành Chung chia sẻ thêm: “Cứ thành thông lệ, cứ mỗi khi đến Tết là vợ chồng tôi cũng tranh thủ đặt mua bánh chưng ở chợ của người Việt tại Nhật Bản, rồi nấu những món ăn đặc trưng ngày Tết như hành muối, giò lụa, bánh tét, củ kiệu, thịt kho... Tôi cùng vợ và con bày biện trang trí mâm ngũ quả, cúng Giao thừa như khi ở Việt Nam. Khi thời khắc Giao thừa điểm, vợ chồng tôi cùng mở sâm panh chúc mừng nhau, cùng gọi điện về cho bố mẹ ở Việt Nam và tôi thường lì xì cho vợ và các con lấy may. Khi nhận được phong bao lì xì, các con tôi đều rất thích thú và chúng cũng thường chúc tụng bố mẹ, ông bà những lời chúc mừng năm mới an lành nhất”.

    Ăn Tết xa quê, nhưng nữ du học sinh Khả Tú luôn gìn giữ các phong tục tập quán của người Việt trong ngày Tết. Vào ngày Tết, Khả Tú cho biết ở Canada có cộng đồng người Việt tổ chức một buổi liên hoan, mọi người tụ họp lại đón Tết cổ truyền để không quên nguồn cội.

    “Vào ngày mùng Một hoặc mùng hai Tết hàng năm, sau một ngày dài đi học và đi làm thì các chị đồng hương thường mời tôi đến ăn tiệc. Mọi người chọn một địa điểm (nhà hàng hay quán ăn nào đó), mời tất cả người Việt Nam trong thành phố đến chung vui. Mọi người thường nấu một số món đặc trưng mang đậm mùi vị Tết như: Bánh tét, heo quay, thịt kho... Tôi thì thích nhất là bánh tét các chị làm, mỗi năm chỉ có ngày Tết mới được ăn chứ ngày thường hiếm khi có chỗ bán”, Khả Tú chia sẻ về ngày Tết của mình trên đất Canada.

    Các con của chị Ái My đến tham dự lễ tất niên do cộng đồng người Việt ở Mỹ tổ chức.

    Còn với chị Ái My, Tết trên đất Mỹ chị cũng không quên mua bánh chưng, bánh chưng do người Việt gói, chuẩn bị thêm cả củ kiệu, hành muối, chả lụa... để cùng đón Tết với gia đình trên đất Mỹ.

    “Mỗi năm chỉ một lần được ăn bánh chưng đấy là vào dịp Tết đến, nên đây cũng là món tôi thích ăn nhất, kiệu ngâm chua, các con ra vào ăn những miếng chả lụa nóng khi đói, đấy chính là Tết, những cái Tết được giản tiện cho phù hợp với hoàn cảnh xa quê”, chị Ái My bộc bạch.

    Dù ở xa quê, nhưng chị Ái My bảo cả chồng và các con chị đều thích gìn giữ phong tục truyền thống và đặc biệt là nói tiếng Việt, thậm chí gia đình chị còn hát những bài hát mùa xuân bằng tiếng Việt.

    “Chồng tôi rất thích tìm hiểu về văn hóa người Việt, anh thích cùng vợ và con gái mặc áo dài tham gia các tiết mục ca hát cho cộng đồng người Việt ở Minnesota mỗi năm, với chất giọng Mỹ hát Tiếng Việt dù chưa tròn tiếng như người Việt mình, nhưng anh luôn được mọi người đón nhận nhiệt tình và năm nào cũng thế, cộng đồng luôn mời anh hát. Bài “Xuân này con không về” và “Thương Ca Tiếng Việt” mà anh thể hiện nhận được nhiều sự ủng hộ, rồi sau đó, vợ chồng tôi cùng đi lễ chùa, cùng các con trở về nhà cắt bánh chưng, gỡ hủ kiệu cùng ăn bát canh măng nóng hổi... và cùng nhớ về những năm tháng lớn lên ở Việt Nam. Đây chính là giây phút lắng đọng nhất đối với tôi trong ngày xuân bên trời Tây”, chị Ái My tâm sự.

    Trong không khí của ngày xuân, tin chắc rằng không chỉ có anh Thành Chung, chị Ái My, du học sinh Khả Tú mà còn bao người con đất Việt khác đang sinh sống trên khắp năm châu đều có chung một mong ước lớn nhất đó là mong bố mẹ, người thân yêu đều khỏe mạnh, an lành. Từ sâu trong trái tim những người Việt xa quê hương, họ còn mong mỏi một ngày gần nhất được trở về quây quần bên vòng tay của bố mẹ, người thân trên đất nước Việt Nam mến thương.

    Hoàng Bích
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số Tết
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khac-khoai-noi-troi-tay-nho-nao-long-noi-banh-chung-xanh-a260607.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Niềm đau chôn giấu của người mẹ xa xứ

    Niềm đau chôn giấu của người mẹ xa xứ

    Nghe con gái từ Việt Nam thông báo đã nghỉ học để về Bình Thuận trồng thanh long cùng bố, người phụ nữ tên Sarah Nguyễn mang quốc tịch Na Uy vội vã gọi điện về công ty th