Khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV cần xử lý như thế nào?


Chủ nhật, 19/08/2018 | 02:09


Cùng sự kiện

Khi bị phơi nhiễm HIV cần nhanh chóng xác định mình bị phơi nhiễm qua con đường nào để có được phương án xử lý kịp thời.

Khi bị phơi nhiễm HIV cần nhanh chóng xác định mình bị phơi nhiễm qua con đường nào để có được phương án xử lý kịp thời.

Khi bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV, cần phải tiến hành xét nghiệm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. - Ảnh: Minh họa

Xử trí thế nào khi nghi vấn bị phơi nhiễm HIV?

Theo TS. BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khi bị phơi nhiễm với HIV, những người có nguy cơ cần bình tĩnh xứ lý ngay như sau:

- Xử lý vết thương tại chỗ: Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần.

- Đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần. Hiện nay tất cả các trường hợp điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV trong môi trường nghề nghiệp đều được nhà nước đảm bảo miễn phí.

Xử lý vết thương tại chỗ khi nghi phơi nhiễm HIV. - Ảnh: Minh họa

Nguy cơ nhiễm HIV của những người bị phơi nhiễm thế nào?

TS.BS Hoàng Đình Cảnh cho biết thêm, Nguy cơ nhiễm HIV của những người bị phơi nhiễm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất phụ thuộc vào tình trạng HIV của người gây phơi nhiễm tức là máu hay dịch của nạn nhân hay bệnh nhân đó có HIV hay không? Nhiều trường hợp chúng ta không thể biết được họ có nhiễm HIV hay không vì không có điều kiện xét nghiệm máu của họ. Ngay cả khi xác định máu đó nhiễm HIV rồi thì nguy cơ cũng còn phụ thuộc vào người nhiễm HIV ở giai đoạn nào? Nếu họ ở giai đoạn AIDS thì nguy cơ cao hơn. Người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc ARV chưa? Thông thường nếu họ đã được điều trị ARV trên 6 tháng thì lượng HIV trong máu rất thấp nên nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác cũng thấp.

Thứ hai, là tình trạng phơi nhiễm như thế nào? Ví dụ tổn thương do kim có chứa máu đâm xuyên qua da gây chảy máu; nếu là kim nòng rỗng cỡ to, chứa nhiều máu, đâm sâu thì nguy cơ cao hơn là kim nòng nhỏ, chứa ít máu và đâm xuyên nông. Tổn thương da sâu do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải hoặc máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc xây sát từ trước cũng có nguy cơ cao. Nếu chỗ tiếp xúc với máu bị viêm loét hoặc xây sát rộng thì nguy cơ cao hơn. Nếu máu và dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành thì lại không có nguy cơ hoặc nguy cơ rất thấp.

Hiện nay, khi phơi nhiễm HIV, bệnh nhân sẽ được khám, tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng virus). Nếu được sử dụng thuốc trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm và tuân thủ quy trình điều trị thì hầu như bệnh nhân sẽ không có nguy cơ nhiễm HIV.

Quỳnh Chi  (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-nghi-ngo-bi-phoi-nhiem-hiv-can-xu-ly-nhu-the-nao-a240183.html