Lời kể gay cấn của người đặc công có nhiều lần vào “hang cọp”


Thứ 7, 11/08/2018 | 06:12


Cùng sự kiện

Nhiệm vụ này đầy khó khăn với nhiều chông gai khiến sự sống và cái chết rất mong manh song cũng đã tôi luyện nên nhiều anh hùng như Đại tá Hoàng Văn Thượng.

Công việc chính của đội đặc công hồi đó là “vào hang cọp”, tức là áp sát quân địch, lúc trên cạn, khi dưới nước, lúc ẩn lúc hiện... với những đòn đánh gây sự bất ngờ nhất. Nhiệm vụ này đầy khó khăn với nhiều chông gai khiến sự sống và cái chết rất mong manh song cũng đã tôi luyện nên nhiều anh hùng như Đại tá Hoàng Văn Thượng – người Anh hùng 131 lần vào “hang cọp”.

Xin vào bằng được... đặc công

Từng nghe kể rất nhiều về Đại tá, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Thượng – Người mà theo những cuốn sổ nhỏ ghi chép của đồng đội, từng có 131 lần đột nhập vào căn cứ địch, tham gia đánh thắng 23 trận lớn nhỏ, trong chuyến công tác vùng cao lần này, chúng tôi may mắn được gặp lại ông ngay tại thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Một phần ba thế kỷ trôi qua, cộng với cái tuổi gần thất thập cổ lai hy khiến ông không thể kể chi tiết về những lần tham gia chiến đấu và lập thành tích trong các chiến dịch. Tuy vậy, khi đã nhập tâm vào cuộc trò chuyện, những ký ức một thời máu lửa lại ùa về cùng ông. Ông bảo, kỷ niệm ấy đó như một cuốn sách về thời oanh liệt của mình và cả dân tộc.

Sinh năm 1948, ông Hoàng Văn Thượng lớn lên ở bản Răn, xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh - Cao Bằng). Gia cảnh nghèo khó, tuổi thơ của ông gắn liền với công việc nương rẫy. Năm 20 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông lên đường nhập ngũ và xung phong tham gia hoạt động tại chiến trường miền Nam. Lúc đó, dù mới cưới vợ xong nhưng ông vẫn tình nguyện xin được tham gia vào Sư đoàn 305 đặc công – một trong những đơn vị được cho là rèn luyện vất vả và đầy rẫy nguy hiểm khi tiếp cận tầm gần với kẻ địch.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng bên cháu nội.

Những ngày đầu đơn vị của ông đóng quân ở huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), nhưng công tác huấn luyện địa hình nhiều khi cũng lên tận Đồng Xương, Ba Xá (Hòa Bình). Sau 6 tháng huấn luyện, đến cuối năm 1968, ông cùng đồng đội di chuyển vào chiến trường Quảng Trị và tham gia nhiều trận chiến đấu ở đây cho đến hết năm 1969. Xuân 1970, ông vào chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ là Đông Nam Bộ. Là người lính đặc công nên công việc của ông và đơn vị chủ yếu là những người tiên phong mở đường cho những trận đánh. Công việc ấy hiểm nguy hơn những chiến sỹ chiến đấu ở vòng ngoài rất nhiều song cũng đã đem lại cho ông nhiều cảm xúc.

Trong những năm cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông đã tham gia hơn 20 trận đánh lớn nhỏ, hơn 120 lần đột nhập căn cứ địch và tiêu diệt gần 100 tên địch. Mỗi trận đánh đều để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm, đồng thời đó cũng là kinh nghiệm được đúc kết lại, là vốn quý để ông cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách.

“Mãnh hổ” lập công hiển hách

Việc chính của lính đặc công hồi đó là luồn lách áp sát quân địch, lúc trên cạn, khi dưới nước. Đó là nhiệm vụ của những chiến sỹ tiên phong. Ông bảo, kỷ niệm rất nhiều nhưng sâu sắc nhất trong cuộc đời cầm súng của ông là trận đánh vào Chiến đoàn 33 thuộc Sư đoàn 25 quân ngụy Sài Gòn năm 1971. Đó là ngày 16/9/1971, lúc này ông là Chính trị viên phó Đại đội, được giao nhiệm vụ chỉ huy một Đại đội tấn công Chiến đoàn 33 đóng ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu 1 (Bình Dương bây giờ - NV). Đây là cơ sở có hơn 2.000 quân, với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, được canh phòng cực kỳ cẩn mật. Cơ sở này cũng đã từng nhiều lần bị đặc công ta tấn công nên địch canh phòng hết sức nghiêm ngặt.

Sau hai đêm đột nhập, nắm được cách bố phòng của địch, ông chỉ huy một mũi quân tiến vào bên trong. Ông nhẹ nhàng trèo lên nóc nhà cắm cờ của ta vào rồi phát lệnh cho anh em đánh thẳng vào Sở chỉ huy và nhà ngủ của địch. Nhiều tên địch đang say sưa ngủ sau khi nhậu nhẹt đã bị ta diệt gọn. Hoàn thành nhiệm vụ, quân ta rút ra ngoài nhưng ông Thượng đang trên đường rút, bất ngờ bị trúng lựu đạn nổ và ngất lịm. Khi tỉnh lại, bốn bề là khói lửa, quân ta đã rút hết, ông gắng gượng bò dậy, khắp người đau ê ẩm, nhưng ông đã cố gắng vượt qua 12 tường rào thép gai để thoát ra ngoài.

Sau này, ông mới biết mình và đồng đội đánh gây thiệt hại nặng Chiến đoàn 33 của ngụy, diệt 300 tên, riêng mũi do ông chỉ huy diệt được 120 tên. Sau đó, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt nữa và làm chính trị viên Tiểu đoàn 26 rồi Tiểu đoàn 13 và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Thượng được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 tiểu đoàn từ Long An, bí mật lên Sài Gòn đánh vào Trung tâm thông tin của địch ở quận 6 nhằm cắt đứt thông tin liên lạc, làm tê liệt chỉ huy của địch. Đây là trung tâm thông tin lớn nhất, hiện đại nhất châu Á lúc đó, có nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc khắp trong và nước ngoài. Trung tâm này có 800 nhân viên quân sự hoạt động, được đầu tư xây dựng 4 tỷ USD, hết sức kiên cố.

Nhiệm vụ được giao rất khó khăn vì phải đưa cả tiểu đoàn gần 120 người vào giữa Sài Gòn khi quân địch đang kiểm soát gắt gao. Ông đã chỉ huy tiểu đoàn hành quân bí mật, đưa đội hình áp sát mục tiêu vào 0h đêm 29/4, đặc công ta phải lội xuống ao để cắt dây thép gai mở đường tiến vào trong. Lúc quân ta đang cắt rào thép gai thì bị địch phát hiện, chúng nã súng như mưa xuống hào khiến gần chục chiến sỹ của ta hy sinh.

Bị phát hiện, ông Thượng buộc phải gọi lực lượng chi viện nã pháo vào trong, nhưng căn cứ của địch quá kiên cố, đánh 1 ngày đêm vẫn chưa chiếm được. 9h ngày 30/4, ông Thượng đề ra kế hoạch táo bạo, tổ chức một nhóm 20 chiến sỹ cảm tử dũng mãnh đánh thẳng vào cổng chính, xông vào Sở Chỉ huy, bắt sống chỉ huy địch, chiếm toàn bộ Trung tâm thông tin. Vừa lúc đó, trên Đài phát thanh thông báo Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng.

Biết được phong Anh hùng khi trên đường về nước

Ngoài những chiến công hiển hách đã được ông Thượng lưu giữ như những kỷ niệm. Khi đất nước sạch bóng thù, hòa bình, thống nhất, năm 1976 ông tham gia bảo vệ Sài Gòn, năm 1977, ông Thượng lại sang Campuchia giúp nhân dân nước bạn đánh giặc. Với những thành tích xuất sắc, vào tháng 11 năm 1978 khi đang trên đường trở về quê hương thì ông nhận tin được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đó, trong chiến trận, ghi nhận những thành tích xuất sắc của ông, nhà nước còn trao tặng hàng chục Huân, Huy chương chiến công khác.

Sau đó, vào những năm 1978, 1979, ông tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở Quảng Hòa (Cao Bằng). Cùng những năm đó ông tham gia học tại Học viện chính trị quân sự đóng trên địa bàn Hà Đông (Hà Tây cũ). Kết thúc khóa học ông Thượng trở về quê hương tỉnh Cao Bằng góp sức xây dựng quê hương.

Những tưởng khi về hưu ông sẽ trở về quê hương Trùng Khánh vui hưởng cuộc sống an nhàn nhưng ông vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho đất nước. Biết ông nghỉ hưu, nhiều bạn bè cựu chiến binh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lại động viên và mong muốn ông làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng. Thế là ông lại tiếp tục ra gánh vác công việc chung và phát triển công tác Hội lên một tầm cao mới. Trong thời gian qua, Hội CCB do ông lãnh đạo đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các nhà hảo tâm xóa 657 nhà dột nát cho hội viên, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%, không còn hội viên bị đói. Không chỉ vậy, ông Thượng còn là đại biểu quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2015).

Những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt và chiến đấu luôn được ông Thượng giữ gìn cẩn thận. Đó là chiếc võng nilon, la bàn, đèn nghéo... đã gắn liền với ông và đội đặc công “mãnh hổ”. “Tôi giữ lại những vật dụng là để răn mình không được phép quên quá khứ, không bao giờ quên những đồng đội đã hi sinh. Hơn thế nữa tôi mong muốn sẽ tặng những kỷ vật này cho bảo tàng để thế hệ trẻ mai sau khi nhìn thấy những kỷ vật này thì đừng bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc”, ông Hoàng Văn Thượng tâm sự.

Nhật Tân

Bài đăng trên ấn phầm Hôn nhân & Pháp luật giấy số 94

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-ke-gay-can-cua-nguoi-dac-cong-co-nhieu-lan-vao-hang-cop-a239776.html