Mẹ nạn nhân bị tín dụng đen tra tấn đến chết: Quặn thắt lòng hình ảnh con trai bò lết trên mặt sàn


Thứ 2, 03/12/2018 | 03:45


Cùng sự kiện

“Cái chết của M. là một cú sốc vô cùng lớn, từ ngày nhận được tin gia đình luôn sống trong sự căm phẫn trước những hành động dã man của công ty Nam Long" mẹ nạn nhân nói.

“Cái chết của cháu M. là một cú sốc vô cùng lớn đối với gia đình tôi, từ ngày nhận được hung tin cả gia đình luôn sống trong sự căm phẫn, bức xúc trước những hành động dã man của công ty Nam Long đối với con trai tôi...", mẹ nạn nhân bị tín dụng đen tra tấn đến chết bức xúc.

"Tập đoàn Nam Long" - tổ chức tín dụng đen lớn nhất nước cho vay với lãi suất "cắt cổ" và phạt nhân viên như thời Trung cổ vừa bị Công an Thanh Hóa phối hợp với Bộ Công an triệt phá.

"Dạy dỗ" nhân viên như thời trung cổ

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, khoảng 11h30, ngày 19/7, tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam giới trong tình trạng nguy kịch và tử vong ngay sau đó. Khi biết nạn nhân tử vong, người đưa nạn nhân đi cấp cứu bỏ đi.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa xác định nạn nhân là N.V.M. (SN 1999, trú tại thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, Bắc Giang). Khám nghiêm tử thi, ghi nhận trên người nạn nhân có nhiều vết bầm tụ máu, dập lách, tổn thương một số cơ quan nội tạng...

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, M. là nhân viên “Công ty tài chính Nam Long” (Công ty Nam Long), chi nhánh tại Bắc Kạn từ tháng 4/2018. Nhiệm vụ chính của nạn nhân là đi thu tiền nợ mà khách hàng vay của công ty Nam Long.

Tháng 7/2018, M. thu tiền của khách hàng nhưng không nộp và còn cầm cố 1 chiếc xe máy của “công ty”, tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng để tiêu xài cá nhân, sau đó bỏ trốn.

Băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ - Ảnh: Công an cung cấp cho báo chí

Ngày 8/7, Nguyễn Đức Thành - Giám đốc công ty Nam Long chỉ đạo các chi nhánh tìm và đưa Minh về chi nhánh Hà Nội.

Tại đây, các đối tượng đã tổ chức họp “kỷ luật” M. Các đối tượng đưa ra 1 bát cơm và 1 bát phân bắt M. chọn 10 lần, nếu bò đến bát cơm sẽ bị đá vào lưng, ngực, bụng để “dạy dỗ cách làm người”. Cả 10 lần nạn nhân đều chọn bát cơm và đều bị đánh.

Sau đó, nạn nhân được đưa về Thanh Hóa để tiếp tục “quản lý, cải tạo, dạy dỗ lại cách làm người”. Đến ngày 19/7, do thấy sức khỏe của M. yếu nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và bác sĩ cho biết nạn nhân ngừng tim, chết lâm sàng.

Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tín dụng đen, Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an chỉ đạo xác lập chuyên án.

Sau 4 tháng tổ chức điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm trên do Nguyễn Đức Thành (SN 1988, ở phường Cầu Khi, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh), là đối tượng chủ mưu.

Các đối tượng khác, gồm: Ngô Văn Chương (SN 1988, Chương Mỹ, Hà Nội), Trần Văn Phiên (SN 1991, thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định), Đoàn Minh Cương (SN 1989, Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định), Vũ Văn Thanh (SN 1989, Uông Bí, Quảng Ninh), Bùi Văn Chung (SN 1992, Hải An, Hải Phòng), Nguyễn Thành Long (SN 1998, Uông Bí, Quảng Ninh), Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, phường 15, quận 10, TP.Hồ Chí Minh), Trần Hồng Phong (SN 1985, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh).

Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, Công ty tài chính Nam Long được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, huấn luyện nhân viên bằng hình thức cầm tay chỉ việc theo hướng "người đi trước hướng dẫn người đi sau”, tập huấn bằng các giáo án thẩm định, giáo trình xử lý nợ, sổ sách ghi chép phân loại khách hàng…

"Mặc dù quy chế công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế nhân viên của công ty thường xuyên sử dụng cách thức đe dọa bạo lực, thậm chí sẵn sàng sử dụng bạo lực như gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ khi cần thiết” – Thượng tá Lê Khắc Minh nhấn mạnh.

Để điều hành hoạt động vay nợ trôi chảy, các đối tượng cầm đầu đã lập quy trình đòi nợ - xử lý các “con nợ” cũng như đối phó với cơ quan Công an. Chúng đề ra các bước thẩm định năng lực tài chính và thu nợ chặt chẽ không kém bất cứ một ngân hàng nào. Theo đó, nhân viên thẩm định phải phân tích tình hình tài chính của khách theo tiêu chí thước đo tiền mặt bằng tổng quỹ tiền mặt cộng với tài sản hiện có phải lớn hơn tổng số nợ phải thường xuyên thanh toán.

Theo quy định thì nếu khách hàng vay “lãi đứng” tức là từ 10 đến 15 hoặc 30 ngày trả lãi 1 lần thì sẽ phải trả số lãi 1%/ngày (tức 365%/năm) hoặc lãi từ 7.000 đến 15.000đ/ngày/triệu (từ 180% đến hơn 200%/năm). Ví dụ, khách hàng vay 10 triệu thì 10 ngày phải trả thành 11 triệu; vay 100 triệu 10 ngày phải trả 110 triệu. Nếu quá hạn khách không trả được thì các đối tượng tự chuyển sang gói lãi kỳ hạn 41 ngày với số lãi “nhẹ nhàng” hơn là khoảng hơn 200%/năm.

Theo cách tính của chúng thì khách vay 100 triệu, sau 41 ngày sẽ phải trả 123 triệu. Số tiền cả gốc và lãi trên, khi đến kỳ khách hàng phải tự chuyển khoản vào tài khoản của công ty để trả nợ. Nếu đến kỳ nhưng khách hàng không trả được, lập tức, Thành và Thắng chỉ đạo cho đội xử lý nợ xấu đến để đòi.

Đội “xử lý nợ xấu” trên sẽ gọi điện cho khách hàng đe dọa, sau đó có từ 2 đến 4 đối tượng sẽ đến nhà khách hàng đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép. Nếu tất cả những việc trên vẫn không đòi được, chúng tổ chức người theo dõi người nhà của khách hàng đe dọa sẽ hành hung. Trước sự hung hãn, côn đồ của các đối tượng, đa số khách hàng đều phải bằng mọi cách trả nợ cho chúng.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định, công ty trên có 70 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Qua sao kê 30 tài khoản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá xác định có trên 200 bị hại chuyển vào với tổng số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định bước đầu có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền, trong số đó hiện còn 85 bị hại vay tiền. Cơ quan điều tra đã làm việc được với 61 bị hại ở 15 khu vực (trong đó có 3 trường hợp vay từ năm 2017), cơ quan chức năng xác định được các bị hại đã vay của đối tượng hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và gần 1 tỷ tiền “cắt phế” tức là phí cho vay.

Tận cùng nỗi đau người mẹ

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, bà Linh Thị L. – mẹ đẻ của nạn nhân N.V.M. bức xúc chia sẻ: “Cái chết của cháu M. là một cú sốc vô cùng lớn đối với gia đình tôi, từ ngày nhận được hung tin này cả gia đình luôn sống trong sự căm phẫn, bức xúc trước những hành động dã man của công ty Nam Long đối với con trai tôi. Gia đình đang làm đơn để gửi đến các cơ quan chức năng hy vọng sự thật sẽ được sáng tỏ, đưa những kẻ đã tra tấn con trai tôi ra ngoài ánh sáng.

Cứ mỗi khi nhắm mắt lại, hình ảnh đứa con trai phải chịu những trận tra tấn dã man đến mức phải bò lết trên mặt sàn nhà mà lòng tôi lại quặn thắt lại. Trong khi bố mẹ và em gái được ăn no, mặc ấm thì đứa con trai duy nhất lại phải nhịn ăn, nhịn uống và liên tục phải gánh chịu những trận tra tấn đến thập tử nhất sinh”.

Đã chục lần những tay côn đồ bắt N.V.M. lựa chọn giữa bát cơm và bát chất thải bẩn thì cả chục lần M. chọn bát cơm và ngay sau đó là liên tiếp những trận đòn khốc liệt.

Hình thức kỷ luật như thời trung cổ của tổ chức tín dụng đen - Ảnh: Dân trí

Bà L. cho biết thêm: "Con trai tôi là một đứa ngoan ngoãn, hiền lành, chịu khó và đặc biệt nó thương bố mẹ và em gái lắm, tại sao những con người kia lại ra tay ác độc như thế. Không được như đám bạn cùng trang lứa, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, vì thương bố mẹ sức khỏe đã yếu đi nhiều qua thời gian vẫn phải tối ngày bù đầu trong công việc để kiếm tiền trả nợ. Cho nên M. đã quyết định không đi học đại học để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”.

Được biết, M. được một người bạn tên Cường giới thiệu đi vào làm việc tại công ty Tài chính Nam Long (công ty Nam Long) với mức lương 30 triệu/tháng. Nếu muốn đi làm chỉ cần gửi chứng minh thư là sẽ được nhận vào làm mà không cần bất cứ giấy tờ, thủ tục gì khác.

Vào làm việc được một thời gian, Cường đã nghỉ việc để xin chuyển sang công ty khác làm việc và hứa sẽ xin cho M. sang công ty đó làm cùng. Sau gần một tháng làm việc tại công ty Nam Long, N.V.M. đã nhiều lần xin nghỉ việc nhưng đều bị từ chối.

Cũng theo bà L., tối 9/7, M, gọi điện về gia đình nói đang bị công ty cho người truy tìm vì đã tiêu mất 5 triệu đồng trong tổng số tiền 20 triệu của công ty Nam Long. Gia đình đã khuyên M. về nhà rồi sáng hôm sau cùng bố và chú lên Sóc Sơn để trả lại số tiền đó cho công ty.

Thế nhưng khi di chuyển đến TP.Bắc Ninh thì M. đã nhận được điện thoại yêu cầu ngay lập tức trở lại Sóc Sơn để trả tiền nếu không thì bố mẹ và em gái M. sẽ phải nhập viện. Vì lo lắng cho gia đình, M. đã quyết định một mình bắt xe ngược lại Sóc Sơn vì M. biết hiện tại đã có chục người của công ty Nam Long đã trực ở nhà M. ở Bắc Giang.

Khi nghe tin M. quay trở lại Sóc Sơn, thấy chuyện chẳng lành, bà L. cùng chồng đã phóng xe máy trong đêm lên Sóc Sơn để tìm con trai nhưng không liên lạc được.

Bộ máy của Công ty Nam Long gồm 26 chi nhánh (khu vực) ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn 2-5 tỉnh do một người quản lý.

Người đứng đầu chi nhánh được chi trả tiền công, số điện thoại, tiền thuê nhà làm trụ sở giao dịch, làm việc và sinh hoạt cho cả quản lý và nhân viên. Những nhân viên tham gia công ty này đa số là những người có lý lịch sạch để tránh sự theo dõi của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, bên cạnh đó đường dây tín dụng này cũng ban hành các quy định để quản lý nhân viên cực kỳ khắt khe và mang tính ràng buộc, khống chế, đe dọa bằng các hình phạt tiêu cực như thời trung cổ.

Trong trường hợp nếu nhân viên phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoai bản thân gia đình, đánh đòn sa thải, phạt cải tạo trong công ty, cho đi tù quốc pháp…

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-nan-nhan-bi-tin-dung-den-tra-tan-den-chet-quan-that-long-hinh-anh-con-trai-bo-let-tren-mat-san-a253516.html