Mua 50% dự án 2,5 tỷ USD: "Canh bạc" của madam Vietjet


Thứ 6, 09/02/2018 | 08:09


Cùng sự kiện

Những ngày đầu năm 2018, thị trường địa ốc phía Tây Hà Nội bất ngờ nóng lên sau thông tin siêu dự án 2,5 tỷ USD bất ngờ đổi chủ. Đặc biệt, góp mặt vào "canh bạc" lớn bị đ

Những ngày đầu năm 2018, thị trường địa ốc phía Tây Hà Nội bất ngờ nóng lên sau thông tin siêu dự án 2,5 tỷ USD bất ngờ đổi chủ. Đặc biệt, góp mặt vào "canh bạc" lớn bị đình trệ nhiều năm qua lại là nữ đại gia khá quen mặt trong lĩnh vực ngân hàng và hàng không dân dụng - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietjetAir.

Nhân tố bất ngờ

Ngày 5/1/2018, công ty Liên danh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh đã gửi cho Tổng công ty Cổ phần Vinaconex bản thay đổi thành viên góp vốn và danh sách ban lãnh đạo mới. Cụ thể, thành viên của liên danh là Posco E&C - tập đoàn bất động sản đến từ Hàn Quốc đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long từ ngày 28/12/2017.

Giá trị phần vốn góp được sang tay là hơn 340 tỷ đồng - chiếm 50% vốn điều lệ của liên danh. 50% còn lại vẫn thuộc sở hữu của Vinaconex.

Doanh nghiệp này là thành viên của tập đoàn Sovico do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT. Địa ốc Phú Long được thành lập năm 2005 với vốn điều lệ 75 tỷ đồng. Trước khi mua lại cổ phần của dự án này, tháng 12/2017, công ty đã tăng vốn 2 lần liên tiếp từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 3.000 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Splendora là dự án được quy hoạch bài bản, có phần hơi "nổ" như "hình mẫu phát triển của những trung tâm kinh tế như New York, trung tâm thời trang và văn hoá Paris, trung tâm du lịch và giải trí như Dubai hay Sydney, biểu tượng cho cuộc sống toàn cầu", là "nơi ước đến, chốn mong về".

Thế nhưng, với tình hình thực tế triển khai gần tròn một thập kỷ qua, đến cả chủ đầu tư là ông lớn xây dựng Hàn Quốc uy tín trên thị trường địa ốc cũng phải "tháo chạy" khỏi dự án này. Sau 10 năm triển khai xây dựng, đến nay Splendora mới chỉ hoàn thành một phần nhỏ khoảng trên 50ha vào 2013 (giai đoạn 1) với 1.049 căn hộ liền kề, nhà thấp tầng và 2 khối nhà chung cư. Phần lớn nhà chung cư tại dự án này trước đó được bán theo hình thức “bán bia kèm lạc”, với giá ưu đãi cho các khách hàng mua biệt thự tại dự án.

Do các khách hàng mua căn hộ không xuất phát từ nhu cầu thực nên khi dự án hoàn thiện, các căn hộ đã không được chủ sở hữu sử dụng. Việc cho thuê lại căn hộ cũng rất khó khăn vì dự án chưa hoàn thiện, thiếu vắng hầu hết các tiện ích thiết yếu nên đa số căn hộ đến nay vẫn bị bỏ hoang.

Các báo cáo của bên liên quan là Vinaconex cho thấy, công ty An Khánh thua lỗ triền miên nhiều năm qua, con số luỹ kế lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Trong 4 năm đầu hoạt động (2008 - 2011) lỗ 220 tỷ, năm 2012 lỗ 13 tỷ và năm 2013 giảm lỗ còn 4 tỷ đồng. Tuy vậy sang đến năm 2015 - 2016, số lỗ mỗi năm tiếp tục đội lên 341 tỷ đồng và 334 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính mới nhất của Vinaconex cho thấy, tổng công ty đã phải trích lập toàn bộ số tiền góp vốn là 340 tỷ đồng tại liên danh An Khánh. Đó là chưa kể khoản phải thu liên danh 773 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2017).

Chạy khỏi nơi "ước đến, mong về"

Trước đó, từ năm 2012, do tình trạng liên doanh này thua lỗ kéo dài, Vinaconex đã nhiều lần chào bán cổ phần của mình nhưng không thành công. Một trong những nguyên nhân được cho là Posco E&C có quyền ưu tiên mua trước số cổ phần này trước khi Vinaconex bán cho bên thứ 3, trong khi tỷ lệ sở hữu 50% mỗi bên dẫn đến không bên nào có quyền quyết định trong liên danh. 

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, liên danh An Khánh là ví dụ kinh điển của cấu trúc tỷ lệ bất hợp lý 50 - 50 khiến không bên nào có quyền phủ quyết. Vinaconex là một doanh nghiệp Nhà nước, đối tác Hàn Quốc luôn đề cao uy tín và sự minh bạch tài chính, việc thua lỗ ở siêu dự án 2,5 tỷ USD là điều khiến cả hai bên đều dè chừng. 

Tại Đại hội cổ đông năm 2017, ban lãnh đạo Vinaconex cho biết đang thuê đơn vị tư vấn để thương thảo phương án phân chia dự án 50/50 với đối tác Hàn Quốc hoặc Vinaconex mua lại cổ phần của Posco E&C để thực hiện dự án. Tuy nhiên, với việc Posco E&C thoái vốn khỏi liên doanh, Phú Long sẽ có cơ hội sở hữu 100% cổ phần của dự án nếu Vinaconex tiếp tục chủ trương thoái vốn.

Trong một diễn biến liên quan, tại buổi Roadshow thoái vốn nhà nước tại Vinaconex mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ dự án Splendora có khả năng đem về khoản doanh thu khoảng 1.200 tỷ trong năm 2018 và lãi khoảng 430 tỷ. Sau khi trừ các chi phí thì Vinaconex lãi khoảng 200 tỷ. Và theo kế hoạch đến 2020 thì dự án có thể đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận 500 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ giá trị của thương vụ chuyển nhượng 50% vốn góp của Posco E&C cho Phú Long là bao nhiêu nhưng chắc chắn, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ phải rót tiền tấn nếu muốn hồi sinh dự án này.  

Hoa Liên

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-50-du-an-25-ty-usd-canh-bac-cua-madam-vietjet-a219415.html