Nên hay không nên tịch thu xe của tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng?


Thứ 7, 03/11/2018 | 23:57


Các luật sư đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề nên hay không nên tịch thu phương tiện của tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng?

Các luật sư đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề nên hay không nên tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây tai nạn nghiêm trọng.

Tịch thu không sai nếu tái diễn vi phạm

Trước sự việc nên hay không nên tịch thu phương tiện khi người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy trong máu có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây hậu quả nghiêm trọng, theo LS Nguyễn Việt Hùng, văn phòng luật sư Kinh Đô, việc tịch thu phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng về cơ bản là không có gì sai. Tuy nhiên, việc tịch thu đó phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, phương tiện tham gia giao thông liên tiếp tái phạm luật an toàn giao thông gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì việc tịch thu là thỏa đáng.

“Trên thực tế không phải bỗng nhiên cơ quan chức năng họ tịch thu, bởi, trong luật cũng đã quy định, trường hợp nào nên tịch thu và trường hợp nào không nên tịch thu. Không phải họ thích thì thu không thích thì không thu, trong luật đã đưa ra quy định rất rõ cho từng trường hợp”, LS Hùng nói.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng: Tịch thu không có gì là sai nếu xe liên tiếp tái phạm.

Cũng liên quan đến việc tịch thu phương tiện tham gia giao thông nhưng người điều khiển phương tiện đó lại không phải là xe chính chủ, thì bên thứ 3 họ sẽ phải chịu thiệt.

Điều này, LS Hùng cho rằng, nếu chúng ta hiểu như vậy là cơ bản đã sai. Bởi, hiện nay trong luật cũng đã có quy định việc sử dụng xe không chính chủ cũng sẽ bị xử phạt. Khi người điều khiển xe của bên thứ 3 mà gây tai nạn nghiêm trọng thì đương nhiên là người điều khiển phương tiện đó sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mình, và cá nhân người cho mượn xe đó cũng cần phải được xem xét.

“Luật cũng đã đưa ra việc sử dụng xe không chính chủ về cơ bản là sẽ bị phạt khi vi phạm. Còn bên thứ 3 cho thuê, mượn xe trong trường hợp người điều khiển xe đó đang trong tình trạng không tỉnh táo do uống nhiều rượu bia, hoặc do một nguyên nhân nào đó gây tai nạn chết người thì xét về luật, rõ ràng là bên thứ 3 đang tiếp tay cho đối tượng tham gia giao thông vi phạm luật. Vậy thì, nếu tịch thu xe, bên thứ 3 cũng phải chịu trách nhiệm về cá nhân của mình chứ. Đâu có thể quy hết tội lên người điều khiển phương tiện được”, vị luật sư thẳng thắn chia sẻ.

Luật sư Hùng cũng cho biết thêm, đối với trường hợp các công ty thực hiện hình thức kinh doanh vận tải khi tài xế vi phạm điều luật gây ra những tai nạn nghiêm trọng thì nếu xét về việc tịch thu phương tiện đối với trường hợp này về cơ bản là cũng chưa thực thi. Bởi, phần lớn vẫn là lỗi của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, trong trường hợp, nếu phương tiện đó liên tiếp tái phạm luật an toàn giao thông thì cũng cần phải bị tịch thu có thời hạn để tiến hành điều tra. Điều tra ở đây đó là về kỹ thuật có đảm bảo, người điều khiển có đủ giấy phép lái xe cũng như sức khỏe.

Vấn đề này cũng được Tiến sĩ Linh Giang – Giảng viên khoa Luật trường học viện Khoa học Xã hội cho biết: “Việc tịch thu xe nếu có được sử dụng thì phải trong các điều kiện pháp lý rất chặt chẽ, ví dụ như phải được định nghĩa rõ ràng: Thế nào là vi phạm nghiêm trọng Luật giao thông? Thế nào là gây tai nạn nghiêm trọng? Đồng thời, việc tịch thu chỉ nên được đặt ra khi người gây tai nạn là chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện và phải bồi thường cho nạn nhân, nhưng người gây tai nạn không có đủ điều kiện bồi thường thì việc tịch thu phương tiện, bán đấu giá để bồi thường cho nạn nhân là một giải pháp chấp nhận được”.

Chưa đến mức phải tịch thu

Trái với quan điểm của LS Hùng, LS Phạm Văn Phất lại cho rằng không thể muốn tịch thu xe là được, cần phải có quy định và chế tài hợp lý.

Theo LS Phất, sự việc mà gây tai nạn chết người còn có rất nhiều những hoàn cảnh khác nhau. Giữa những người say rượu và với những người bình thường mà gặp phải tai nạn không mong muốn thì cũng có những chế tài và xử phạt cụ thể. Để xử phạt theo đúng quy định của pháp luật thì cần phải căn cứ vào tình huống, và lỗi của người tham gia giao thông đang ở mức nào, để từ đó đưa ra các chế tài xử phạt cho đúng với quy định của pháp luật mà không gây thiệt thòi cho người tham gia giao thông.

Còn liên quan đến việc thu hồi phương tiện đó hay không thu hồi thì ông Phất cho rằng chưa đến mức phải đưa ra chế tài này.

“Việc gây tai nạn chết người thì do người điều khiển chứ không phải do phương tiện gây ra. Bởi, rõ ràng là, đó không phải là công cụ gây phạm tội mà chỉ là một phương tiện giúp người tham gia giao thông thuận tiện hơn, nhàn hạ hơn mà thôi.

Luật sư Văn Phất: Tịch thu xe là chiếm đoạt tài sản.

Người tham gia giao thông khi sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt quá mức quy định, họ không cố ý dùng phương tiện để gây ra án mạng mà chỉ là do không kiểm soát được tinh thần nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.

Hơn nữa, việc tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông còn vướng vào luật chiếm đoạt tài sản mà hiến pháp trước đó đã quy định.

Việc này không giống như tội phạm sử dụng vật dụng để giết người. Khi mà người sử dụng các công cụ cố ý gây thương tích như súng, dao, lựu đạn… thì chúng ta sẽ phải thu hồi nó. Vì đó chính là công cụ mà tội phạm sử dụng để phạm tội và gây nguy hiểm cực kỳ lớn cho xã hội.”, vị luật sư nhận định.

Luật sư Phất cũng cho rằng, trước khi chúng ta quyết định đưa ra một chế tài xử phạt nào đó là cần thiết thì cũng phải trải qua một khoảng thời gian nghiên cứu luật cụ thể, trưng cầu ý dân để có cái nhìn đa chiều trước khi đưa ra thực hiện.

Nhắc thêm về vấn đề, ngoài việc xử phạt ngoài hình thức bằng tiền mặt hoặc thậm chí là phạt tù đối với những người điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu (hơi thở) có nồng độ cồn vượt quá quy định gây tai nạn nghiêm trọng, thì việc chỉ cần uống rượu bia khi tham gia giao thông cũng cần cho đi lao động công ích để họ nhận thức được vấn đề.

Luật sư Phất cho rằng, điều đó cần phải xem xét kỹ lưỡng, bởi, trên thực tế nếu phạt lao động công ích thì phải như thế nào cho phù hợp, những đối tượng nào sẽ thực thi điều này, thực thi ra làm sao và đơn vị nào trực tiếp quản lý vấn đề này.

“Ở nước ngoài, câu chuyện phạt lao động công ích của họ rất rõ ràng, anh phạm tội thì anh phải thực thi theo xử phạt của luật. Còn ở Việt Nam, tôi chỉ lấy ví dụ, nếu vi phạm luật mà tận 2 năm mới có kết quả thực thi rồi mới cho đi lao động công ích thì đó chưa phải là hình thức răn đe hợp lý. Thậm chí, đối với những người có tiền, họ còn thuê người khác làm hộ, họ chỉ cần đến đó ký cái tên cái là xong xuôi”, ông Phất nói.

Ngoài ra, việc xử phạt đối với những người tham gia giao thông hiện nay “cái tình” trong công tác thực hiện luật dường như đã ăn quá sâu vào người xử phạt.

“Trên thực tế tôi biết, có những trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông trong trường hợp con ông này, cháu bà kia thì được đi, không thì chỉ cần đưa tiền tại chỗ là được tha. Đó chưa phải là hình thức thực hiện một cách triệt để mà đó là tình trạng tham ô dẫn đến người tham gia giao thông mặc nhiên trong đầu vi phạm lỗi chỉ cần có tiền là được đi. Điều đó thực sự rất nguy hiểm cho công tác thực hiện pháp luật hiện nay”, vị luật sư chia sẻ.

Việt Hoàng

Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nen-hay-khong-nen-tich-thu-xe-cua-tai-xe-su-dung-ruou-bia-gay-tai-nan-nghiem-trong-a250020.html