Ngắm "chảo lửa" Chi Lăng mà Đà Nẵng quyết lấy lại


Thứ 2, 16/07/2018 | 03:26


Sau khi bị bán cho tập đoàn Thiên Thanh với giá 1.400 tỷ đồng, số phận "chảo lửa" Chi Lăng trải qua lắm bi trầm. Hiện, TP.Đà Nẵng xem xét đòi lại dự án này.

Sau khi bị bán cho tập đoàn Thiên Thanh với giá 1.400 tỷ đồng, số phận "chảo lửa" Chi Lăng trải qua lắm bi trầm. Hiện, TP.Đà Nẵng xem xét đòi lại dự án này.

Trong tiềm thức của mình, anh Phan Duy Lợi (45 tuổi) trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng vẫn còn nhớ in về một Chi Lăng rực rỡ sắc lam mỗi lần SHB Đà Nẵng ra trận các dịp cuối tuần. Với anh, với hàng triệu người Đà Nẵng, "chảo lửa" Chi Lăng là niềm kiêu hãnh của đội bóng sông Hàn.

Thế rồi, năm 2010, UBND TP.Đà Nẵng đã bán "thần tốc" sân Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Tập đoàn này đã “vẽ” ra 1 dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng với các giai đoạn: Khu trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, hội nghị và tiếp đến là khu bệnh viện và trường học quốc tế. Giai đoạn 3 xây dựng 6 block căn hộ,... Tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ USD.

Đà Nẵng sau đó đã hối hả di dân quanh sân, đập bỏ một phần diện tích đất của ngôi trường cổ kính Phan Châu Trinh, trụ sở công ty cấp nước… để bố trí tái định cư. Ngoài hàng trăm tỷ đồng phục vụ cho việc này, Đà Nẵng dốc 280 tỷ đồng xây dựng sân Hòa Xuân thay thế. Đáp lại "ân tình" ấy, tập đoàn Thiên Thanh "xé" sân phân lô cầm cố ngân hàng vay 4.000 tỷ đồng. Năm 2014, Phạm Công Danh bị bắt, dự án cũng im lìm. Từ đó đến nay, "chảo lửa" chìm vào dĩ vẵng. Nhìn tấm ảnh này, nhiều bậc cao niên ứa nước mắt. Chi Lăng với họ không đơn thuần là một sân bóng nó còn là một di tích khi vào ngày 28/8/1945 UBND Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng đã ra mắt hàng vạn đồng bào tại đây.

Chẳng còn ai đến Chi Lăng nữa ngoài một vài cao niên hoài niệm, một vài cổ động viên trăn trở... Cuộc sống xô bồ, 4 mặt tiền sân Chi Lăng cũng được cho thuê làm nơi rửa xe, thay nhớt, phòng gym, bãi đỗ xe, đủ thứ bát nháo... Thi thoảng, một vài đội bóng "phủi" có đến sân tập tành.

Khán đài vắng bóng người, hoen rỉ. Sắc lam của hàng vạn cổ động viên sông Hàn ngày ấy giờ thay bằng sắc xanh của rêu phong. Xót xa, chua chát...

Sau khi rời đi, đội bóng SHB Đà Nẵng đến sân Hòa Xuân mới. Tuy nhiên, dẫu khang trang hơn, đẹp đẽ hơn nhưng Hòa Xuân vẫn chưa thể xóa đi cái "vang bóng một thời" của Chi Lăng bởi lượng khán giả đến với sân Hòa Xuân là quá ít. Ngày đó, chính quyền bán sân Chi Lăng, dư luận đã phản ứng gay gắt nhưng vẫn không thay đổi quyết sách ấy. Ngày nay, nhiều người tặc lưỡi: "Giá như người ta biết nghe lời góp ý...".

Chi Lăng thuộc vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn và Chi Lăng. Sân này nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Những cánh cổng nay đóng cửa im lìm. Cũng 1 phần vì những vi phạm trong bán sân Chi Lăng mà cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đương thời Trần Văn Minh bị khởi tố, nhiều cựu cán bộ TP.Đà Nẵng bị kỷ luật...

Mới đây, trong kỳ họp HĐND tháng 7/2018, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thể hiện quyết tâm "đòi" lại sân Chi Lăng. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, "mơ ước" này vô cùng khó khăn. Hiện, Chi Lăng đã là tang vật trong đại án Phạm Công Danh. Hàng loạt sổ đỏ bị xé lẻ cầm cố ngân hàng đã bị phong tỏa. Ngoài những thủ tục pháp lý, ngân hàng Nhà nước..., Đà Nẵng cũng cần hàng ngàn tỷ đồng để trả cho "mơ ước" này.

Video: Sân vận động Chi Lăng

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngam-chao-lua-chi-lang-ma-da-nang-quyet-lay-lai-a236530.html