Ngoại giao vẫn đóng vai trò đầu tàu trên mặt trận đối ngoại


Thứ 6, 17/08/2018 | 07:53


Cùng sự kiện

Hội nghị Ngoại giao với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12”, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Hội nghị Ngoại giao (HNNG) lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12”, vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (từ 13-17/8).

Tham dự Hội nghị có hơn 700 đại biểu, bao gồm các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; Cán bộ lão thành của bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; Các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của bộ Ngoại giao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị. Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Ngoại giao chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng... Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; Tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; Ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, ngành ngoại giao đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra.

"Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. Những thành tựu quan trọng đạt được trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực của công tác đối ngoại trong hai năm qua đã góp phần tạo nên không khí phấn khởi, tự hào, tin tưởng và đồng thuận của nhân dân, các cấp, các ngành vào thế đi lên của đất nước và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta", Phó Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận 2 phiên toàn thể. Phiên I “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” diễn ra vào ngày 15/8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu ý kiến; Phiên II với chủ đề “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch nước đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục đổi mới tư duy trước tình hình thế giới mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, những kết quả, thành tích to lớn của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong đó bộ Ngoại giao giữ vai trò nòng cốt, có sự đóng góp rất quan trọng của các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước. Các nước bạn bè, đối tác đều đánh giá cao vị thế mới của đất nước nói chung và ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Hội nghị Ngoại giao lần này có nhiệm vụ đề ra các biện pháp cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XII trong tình hình mới; Đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đối ngoại nổi lên hiện nay và trong những năm tới; Chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; Chủ động và tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thế giới, khu vực từ hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, các vấn đề đối ngoại có tác động lớn đến môi trường an ninh-phát triển của đất nước; Tổng kết, kiểm điểm việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XII và Chương trình hành động hội nghị Ngoại giao 29; định hướng công tác đối ngoại trong 3 năm tới.

PV

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoai-giao-van-dong-vai-tro-dau-tau-tren-mat-tran-doi-ngoai-a240602.html