Người dân Đà Nẵng “kêu trời” vì khan hiếm nước sinh hoạt giữa mùa mưa


Thứ 6, 09/11/2018 | 08:12


Cùng sự kiện

Liên tục nhiều ngày qua, người dân Đà Nẵng “kêu trời” vì nước sinh hoạt rất yếu, nhất là vào các khung giờ cao điểm, thậm chí có nơi mất hẳn.

Liên tục nhiều ngày qua, người dân Đà Nẵng “kêu trời” vì nước sinh hoạt rất yếu, nhất là vào các khung giờ cao điểm, thậm chí có nơi mất hẳn.

Mấy ngày nay, người dân ở các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, cuộc sống bị đảo lộn.

Hứng từng giọt nước để nấu cơm, Nguyễn Văn Xuân (sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho biết phải thức đến khuya để hứng nước tắm.

“Không có nước nên cuộc sống mọi người ở khu trọ rơi vào cảnh đảo lộn. Hai ngày nay tôi không dám giặt áo quần vì lượng nước hứng được chỉ đủ cho nấu ăn. Hơn 3 năm ở Đà Nẵng đây là lần đầu tiên tôi thấy mùa mưa mà lại thiếu nước trầm trọng như vậy”, nam sinh viên nói.

Nam sinh viên trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phải hứng từng giọt nước để sử dụng. Ảnh: Zing. 

“Đi làm cả ngày mệt mỏi, nhưng vợ chồng tôi phải gắng gượng thức đến khuya để canh nước tắm, giặt. Gia đình phải bỏ tiền mua nước đóng chai dùng. Sống giữa trung tâm thành phố mà chẳng khác gì ở miền quê mùa khô hạn”, anh Nguyễn Hữu Hiếu (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) bức xúc.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay Đà Nẵng chưa bao giờ nhiễm mặn trầm trọng như hiện nay. Độ mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ có thời điểm lên đến 4.374mg/l, gấp 17,5 lần quy chuẩn. “Những năm trước tình hình nhiễm mặn vẫn có, nhưng rơi vào mùa khô và chỉ vài ba ngày. Còn năm nay xảy ra ngay trong mùa mưa, kéo dài từ ngày 20/10 đến nay”, ông nói.

Ông Hương cho biết thêm trước tình hình này, công ty đã liên hệ với các thủy điện đầu nguồn để xả nước. Tuy nhiên, do lượng mưa ở thượng nguồn ít, nên thủy điện A Vương đã dưới mực nước chết không thể hoạt động, thủy điện Dak Mi cũng “cố gắng” để xả được 12,5m3/s. Hiện tại, mực nước thô ở đập An Trạch rất thấp không đủ cho nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay sản xuất.

“Nhu cầu cấp nước trên toàn thành phố là 270.000m3/ngày, trong khi thực tế sản xuất chỉ được 230.000m3/ngày, vì không có nguồn nước thô. Ngoài việc điều tiết, nếu tình trạng thiếu nước còn tiếp tục kéo dài thì công ty sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng, đó là cấp nước theo từng khu vực, chia ra từng khung giờ để đảm bảo quận huyện nào cũng có nước sử dụng”, ông Hương cho biết.

Lượng mưa từ thượng nguồn suy giảm, dẫn đến nước trên sông Vu Gia và sông Yên không đủ để đẩy mặn cho nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: Zing. 

Trước tình hình này, UBND Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi Bộ TNMT đề nghị chỉ đạo các chủ hồ chứa ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành xả nước với chế độ phù hợp để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân.

Phía Sở Xây dựng Đà Nẵng đã đưa ra các giải pháp cấp nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Theo đó, từ tháng 3/2019 sẽ nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ giai đoạn 1 lên 60.000 m3/ngày và dự án nhà máy nước hồ Hòa Trung là 10.000 m3/ngày. Đồng thời, Sở sẽ đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu.

Về lâu dài, Đà Nẵng xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để bổ sung nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân Bay; tiếp tục xây dựng nhà máy nước Hòa Liên có công suất 240.000 m3/ngày hoàn thành vào cuối năm 2020.

Thu Hằng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-da-nang-keu-troi-vi-khan-hiem-nuoc-sinh-hoat-giua-mua-mua-a250746.html