Nhọc nhằn nghề bồng heo “đón vía” ở xứ Quảng


Thứ 3, 05/02/2019 | 04:15


Cùng sự kiện

Bồng được một con heo, các chị được trả từ 2.000 - 5.000 đồng, tùy cân nặng, vào “vía may” của người bồng và cả vào sự quen thân.

Bồng được một con heo, các chị được trả từ 2.000 - 5.000 đồng, tùy cân nặng, vào “vía may” của người bồng và cả vào sự quen thân. Mùa nắng thì nóng bức, khét lẹt, những hôm mưa dầm dề thì trơn tuột, hôi thối. Ấy vậy mà các chị đã gắn bó với nghề này hơn nửa đời người.

Từ trả ơn mà thành nghề

5h sáng, mặt trời chưa tỏ, tiếng nói cười đã râm ran bên hông chợ heo Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Một nhóm phụ nữ trên dưới 50 tuổi đang chờ thương lái mang heo về.

“Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/Heo ré, người xung vung bao chuyện/Trưa tàn buổi chợ đã lèo nhèo...”, giọng hò khản đặc của bà Phan Thị Liễu (59 tuổi, trú xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) nghe sao nặng lòng. Bà Liễu là một trong những người gắn bó với chợ Bà Rén từ lâu. Mọi thăng trầm, biến cố liên quan đến chợ, bà đều tường tận.

“Hồi xưa, khi chưa có cầu, đây là một bãi đất bằng phẳng nên người ta lập ra bến đò. Bà lái đò tên là Rén. Lâu dần người ta dùng tên bà đặt cho những vùng lân cận. Cũng nhờ triền đất bằng phẳng này mà người ta lập nên chợ vào năm 1960. Mùa nước lũ lên thì dời, nước rút chợ lại họp. Cũng chẳng rõ vì sao mà từ lúc lập chợ người ta mang heo về bán rất nhiều. Thế là những người buôn thúng bán mẹt khác thấy heo hôi quá nên bỏ đi lên phía cao. Chợ chỉ còn lại những người bán heo. Riết thành chợ heo Bà Rén”, bà Liễu kể về lịch sử ngôi chợ.

Trời tỏ hơn một chút. Tiếng xe “min khờ” nổ giòn từ phía mờ xa đi tới. Một người đàn ông chở heo phi thẳng vào chợ. Một xe, hai xe, ba xe... những chiếc xe cà tàng chở theo hàng tá rọ heo, chẳng mấy chốc đã kín chợ. Tiếng kêu eng éc, tiếng người ra rả náo động cả một vùng. Lúc này, công việc của nhóm người bà Liễu bắt đầu.

Các bà, các chị tỏa ra các hướng đến với thương lái quen thuộc của mình. Sau khi thương lái trả giá xong, họ bồng những chú heo từ rọ người bán sang rọ người mua một cách thuần thục. Sở dĩ có nghề bồng heo thuê không phải vì thương lái chê heo hôi. Thực chất, việc chuyên chở heo khắp nơi cũng khiến người họ xộc lên thứ mùi khủng khiếp.

Nghề bồng heo nơi đây bắt nguồn từ một câu chuyện đẫm tình người. Khoảng mấy chục năm trước, lúc chợ heo mới lập, người ta mang heo về buôn bán náo nhiệt. Gần chợ này có gia đình ông Lưu Quơn. Nhà ông rất nghèo, thuộc dạng đặc biệt ở bến Bà Rén, vì cả 8 người đều cao chưa đến 1m. Vì quá nhỏ bé, gia đình “người lùn” này chẳng thể làm được gì.

Ngày ngày, ông Quơn dắt díu mấy đứa con ra chợ heo này để xin sự giúp đỡ. Người cho 5 cắc, 3 hào. Như để tỏ lòng cảm ơn, hễ có ai cho tiền là ông Quơn lại giúp bồng heo. Khi thì bồng heo lên để giúp cân đếm, khi lại bồng từ rọ này sang rọ kia. Lúc nhàn nhã hơn, ông Quơn dọn dẹp vệ sinh cho ngôi chợ. Quanh đi quẩn lại cứ thế mà cả gia đình ông thành người bế heo thuê lúc nào không hay. Có gia đình ông Quơn, thương lái cũng rảnh rang đôi tay mà tính toán tiền nong chính xác, còn gia đình nghèo này cũng có thêm bữa cháo bữa rau.

Chợ ngày càng phát triển, có thời điểm hàng chục ngàn con heo được đưa về đây buôn bán. Gia đình ông Quơn làm không hết việc. Từ đó, nhiều phụ nữ trong vùng không có công ăn việc làm ổn định cũng tìm đến chợ bồng heo.

“Tui chẳng nhớ nổi mình đã bồng bao nhiêu con heo. Từ cái thời mỗi con heo chỉ được 500 đồng đến 1.000 đồng và giờ là 5.000 đồng. Mình bồng heo sang rọ của các lái buôn, hoặc bồng heo cân cho lái. Hồi xưa vui lắm. Bồng heo rồi lái cân luôn cả người cả heo, trừ cân nặng người là ra heo. Bà này nặng mấy, tui nặng mấy, cả chợ biết. Lạ lùng rứa đó. Sau này lái buôn ít dùng cách này nữa”, chị Nguyễn Thị Phi (trú xã Quế Xuân 1) chia sẻ.

Nhọc nhằn nẻo mưu sinh

40 tuổi, chị Nguyễn Thị Thu đã tham gia bồng heo ở chợ Bà Rén được gần 10 năm. Cái duyên cái nợ đưa chị đến với nghề này cũng mặn chát. Ngày đó, chồng chị đổ bệnh rồi qua đời khi còn rất trẻ. Một mình chị phải ra chợ bươn chải, bồng heo để nuôi 3 đứa con đang tuổi khôn lớn.

“Ở chợ, nhiều người hoàn cảnh khó khăn như mình. Họ đều là người nghèo của các địa phương quanh đây thôi. Cuộc sống rất khó khăn, mình phải làm đủ mọi việc để có thể nuôi sống gia đình”, chị Thu kể.

Theo lời chị, bồng heo kiếm tiền cũng có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Vui nhất là khi heo về nhiều. Tiếng heo eng éc khi bị bồng đi, tiếng người mua bán, cười nói xốn xang cả chợ. Cuối ngày, chị em nào chăm chỉ cũng bỏ túi được cả trăm ngàn. Cũng có lắm ngày chợ heo ế ẩm, những gương mặt gầy hóp này chỉ biết nhìn nhau...

Nghe nghề bồng heo, tưởng như đơn giản và chỉ dành cho người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng thực sự thì nghề này rất vất vả, nguy hiểm. Những người phụ nữ bồng heo nơi đây đa phần nghèo khó, gầy guộc nhưng phải bồng những chú heo cân nặng gấp đôi. Bồng không quen, heo quậy là xổng ngay. Lỡ mất thì lấy tiền đâu mà đền, còn lỡ bắt được thì cũng bị thương lái la rầy, mất mối về sau.

Mồ hôi đôi khi có cả nước mắt của những người phụ nữ đã gắn bó với ngôi chợ này. Ngày nắng thì mùi heo khét lẹt đến mức phải nín thở, những hôm mưa thì heo trơn tuột, phân heo dính khắp người. Nghĩ đến thôi cũng thấy ám ảnh rồi.

“Sau này thì quen hơn, biết cách bắt, cách bồng nên ngày có thể bồng cả trăm con heo”, bà Xuyến nói thêm. Có một đặc biệt là dù cuộc sống cũng như nghề khổ cực là vậy nhưng ở chợ heo này chưa bao giờ có chuyện các bà, các chị tranh giành hay cãi vã nhau. Có lẽ, hơn ai hết, họ là những người hiểu và đồng cảm cho nhau nhất. Giữa cái khó khăn, họ nương tựa vào nhau để sống. Nhường nhau những lần bồng để khi xế chiều, tan chợ, ai cũng có tiền còn lo cho gia đình.

NHÂM THÂN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhoc-nhan-nghe-bong-heo-don-via-o-xu-quang-a260784.html