Những bí quyết giúp cha, mẹ khắc phục chứng biếng ăn ngày hè cho trẻ


Thứ 6, 06/07/2018 | 00:00


Cùng sự kiện

Với những bé biếng ăn bình thường đã vất vả, đến mùa hè cha mẹ lại càng mệt hơn. Nhiều phụ huynh than phiền con mình đến mùa hè thường bỏ ăn, sụt cân khiến họ sốt ruột.

Với những bé biếng ăn bình thường đã vất vả, đến mùa hè cha mẹ lại càng mệt hơn. Nhiều phụ huynh than phiền con mình đến mùa hè thường bỏ ăn, sụt cân khiến gia đình sốt ruột.

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi và khoảng 40% trẻ trong độ tuổi này có dấu hiệu biếng ăn trước 3 tuổi. Nguy cơ biếng ăn diễn ra cao nhất và có thể kéo dài hoặc trầm trọng hơn ở 3 giai đoạn: 4-6 tháng (trẻ bắt đầu ăn dặm), 12-24 tháng (trẻ chuyển từ chế độ ăn loãng sang ăn đặc) và 24-26 tháng (trẻ chuyển từ chế độ được đút sang thời kỳ tự ăn bằng muỗng).

Không ít bậc phụ huynh tận dụng thời gian con nghỉ hè để tích cực bồi bổ, cho ăn “thả ga” mong con được tăng cân. Phần lớn mọi người đều có tâm lý, trẻ ăn càng nhiều sẽ càng khỏe mạnh, nhanh lớn nên cố “ép” con bằng mọi cách vượt quá khả năng tiếp nhận dạ dày trẻ. Đặc biệt, thời tiết ngày hè nóng nực trẻ hay ốm sốt dễ bị biếng ăn, vì sợ con giảm cân cha mẹ lại càng thúc ép ăn. Từ đó, trẻ dẫn tới tình trạng sợ ăn.

Bên cạnh đó, nhiều người lại bồi bổ quá mức cho trẻ làm mất cân bằng về chất. Nếu các con bị nhồi nhét và quá nhiều chất bổ sẽ nhanh chóng tích lũy lượng mỡ dẫn tới thừa cân, béo phì. Hoặc bé sẽ không hấp thu, tiêu hóa được hết lượng thức ăn. Như ăn quá nhiều thịt có thể khiến cho trẻ bị thừa protein làm canxi trong cơ thể bị hạ thấp. Khi cơ thể có sự mất cân đối về chất sẽ làm cho chất này kìm hãm chất kia. Tình trạng ăn uống này kéo dài sẽ dẫn tới trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng.

Để giải quyết tình trạng này, các bậc phụ huynh phải ghi nhớ những điểm sau:

Đa dạng hóa thực phẩm

Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng giúp trẻ ăn uống tốt hơn. Ảnh: XT.

Khi bồi bổ cho trẻ nhỏ cần phải cân bằng về chất và lượng. Điều tra cho thấy bữa ăn của trẻ thường bị thiếu các vitamin A, sắt, đặc biệt là kẽm. Thiếu kẽm khiến sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác.

Cha mẹ có thể thay đổi chế biến ở dạng nước, dạng súp. Trẻ lớn hơn sợ ăn cháo thì có thể thay đổi bằng mỳ, bún, phở cắt vụn. Tăng cường cho con ăn rau củ quả, trái cây tươi… Hãy cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn thay vì kiểu hỗn hợp truyền thống và chia nhỏ bữa ăn.

Nhiều người đã phải công nhận, việc xay lẫn nhiều loại thực phẩm vào đồ ăn cho trẻ, tuy là chất thật nhưng ăn chẳng ngon lành gì. Nếu bạn còn không ăn được thì trẻ càng khó ăn hơn.

Không ép con ăn

Đa số các trường hợp biếng ăn ở trẻ em là thuộc loại này. Trẻ mất đi sự thèm ăn là do trẻ có cảm giác bị ép buộc, bị bỏ rơi hay bị đánh lừa. Do đó, để xử trí loại biếng ăn này, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn tìm hiểu lý do trẻ không chịu ăn, cần tránh những hành vi ép buộc trẻ, cố gắng thay đổi hành vi thái độ, dành nhiều thời gian chơi với trẻ, tạo không khí vui vẻ thoải mái khi trẻ ăn, cho trẻ tự do chọn thức ăn.

Luôn tỏ thái độ tôn trọng quyết định của trẻ trong vấn đề ăn uống. Nếu trẻ có dấu hiệu không muốn ăn thì phải dừng ngay không ép để tránh tình trạng trẻ “sợ” khi nhìn thấy đồ ăn lúc sau. Bạn có thể dùng cách bổ sung bữa phụ để trẻ không bị suy kiệt.

Ngẫm lại, trời nắng nóng, ngay cả người lớn đôi khi cũng không muốn ăn thì trẻ em cũng vậy. Một bữa không ăn không đại biểu điều gì hết, bạn hãy cho trẻ uống sữa hoặc ăn món khoái khẩu mà chúng thích để bù vào.

Không kéo dài bữa ăn

Cho trẻ đi ăn rong là cách làm kéo dài thời gian không khôn ngoan.

Khi cho trẻ ăn, một bữa không nên kéo dài quá 30 phút. Bởi khi ăn quá lâu, thức ăn bị vữa có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Thay vì cho trẻ ăn cùng một lúc, bố mẹ nên chia nhỏ bữa trong ngày. Điều này sẽ giúp trẻ dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.

Tránh tình trạng vì muốn cho con ăn nhiều hơn mà cho con đi ăn rong, hoặc dùng đồ chơi, TV để phân tán sự chú ý của chúng nhằm đút thêm được vài miếng. Càng đừng bao giờ lén pha các loại thuốc kích thích ăn uống vào thức ăn của trẻ.

Nhiều gia đình mỗi khi đến bữa ăn, cả nhà "ra trận" bày trò để thúc trẻ ăn... Nhưng chính điều này lại khiến trẻ càng khó ăn do mỗi người một ý, nói nhao nhao làm chúng phân tâm. Khi trẻ ăn chỉ nên có một người đút ăn để trẻ tập trung.

Để trẻ tự ăn khi chúng có khả năng

Hãy để trẻ tự ăn và tạo cảm giác thoải mái cho chúng.

Nhiều em bé khi đi nhà trẻ mẫu giáo đều có thể tự ăn khá tốt. Vậy nhưng khi về nhà nếu bố mẹ không đút thì không tự ăn.

Điều này là do cha mẹ thường sốt ruột, thấy con chậm, rơi vãi thì lập tức đút "cho nhanh". Nhưng như thế trẻ thường cảm thấy bị ép buộc (bắt mở miệng, bắt nhai, bắt nuốt...). Do vậy bạn nên tập cho trẻ tự ăn khi bé có thể cầm được chiếc thìa.

Bạn cứ yên tâm, trừ khi bé của bạn bị bệnh, còn bình thường trẻ cũng khó mà nhịn đói được lâu, chúng sẽ tuân theo bản năng và tự giác ăn uống không cần bạn thúc giục.

Cho trẻ vận động để chúng nhanh có cảm giác đói bụng

Hãy để trẻ làm nhiều vận động phù hợp với lứa tuổi của chúng. Năng lượng tiêu hao nhanh sẽ khiến chúng mau có cảm giác đói bụng và thèm ăn. Việc vận động hợp lý còn giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt, tránh tình trạng trướng bụng, đầy hơi khiến chúng mất hết ham muốn ăn uống.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-bi-quyet-giup-cha-me-khac-phuc-chung-bieng-an-ngay-he-cho-tre-a235292.html