PGS.TS Bùi Thị An: Không thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, nhưng phải làm minh bạch


Thứ 6, 03/08/2018 | 03:24


Cùng sự kiện

Theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An, thi tốt nghiệp THPT không thể bỏ nhưng cần làm minh bạch, xây dựng con người trong môi trường giáo dục, đào tạo chuẩn về trình độ chuyên môn.

Theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An, thi tốt nghiệp THPT không thể bỏ nhưng cần làm minh bạch, xây dựng con người trong môi trường giáo dục, đào tạo chuẩn về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức.

Liên quan đến vụ sửa điểm thi THPT 2018 ở Sơn La và Hà Giang, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Vụ tiêu cực chấm điểm thi xảy ra ở Sơn La, Hà Giang rất đáng tiếc, đáng buồn. Nếu một số con người như thế vẫn nằm trong bộ máy coi thi, chấm thi thì kể cả có thi 2 trong 1, 3 trong 1 cũng không giải quyết được vấn đề.

Do đó, tôi cho rằng, cần đề đạt mục tiêu xây dựng con người trong môi trường giáo dục đào tạo thật chuẩn về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức.

Muốn như thế lại phải “lọc” từ đầu. Tôi kiến nghị, tuyển sinh viên sư phạm phải điểm cao và chính sách đãi ngộ với sinh viên sư phạm phải khác các ngành khác. Khi ra trường cũng phải tạo cho sinh viên sư phạm có chỗ làm việc, lương bổng tốt, để thầy ra thầy, trò ra trò”.

Về một số ý kiến cho rằng, nên đơn giản thi tốt nghiệp THPT và tập trung cho 1 kỳ thi đại học, bà Bùi Thị An nêu quan điểm: “Tôi nghĩ đã học là phải thi. Các em học hết 12 năm thì phải thi để đánh giá kiến thức, tổng kết lại quá trình học tập. Còn tổ chức thi như thế nào thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là bộ GD&ĐT, làm sao để bảo mật, công bằng, minh bạch, ra đề thi phải đúng mức độ.

Bộ GD&ĐT phân cấp cho ai là việc của Bộ, nhưng Bộ phải chịu trách nhiệm chính trước Đảng, trước Chính phủ, trước nhân dân.

Quan điểm của tôi là không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và nếu làm tốt việc này thì vẫn có thể xem xét lấy điểm vào đại học. Còn chuyện các trường đại học muốn chọn lọc thêm thì có thể tổ chức thi cụm. Nhưng tôi vẫn nghĩ, bây giờ công nghệ 4.0, nếu chúng ta lựa chọn con người tốt và sử dụng camera giám sát coi thi, chấm thi thì có thể hạn chế được rất nhiều tiêu cực”.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An khi còn đang công tác.

Vị nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nêu quan điểm: “Các vụ sửa điểm thi ở Hà Giang và Sơn La vừa qua là rất nghiêm trọng. Đặc biệt, trong vụ Sơn La còn thể hiện sự tinh vi, chuyên nghiệp.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây không hẳn là về vật chất, tính cụ thể bao nhiêu tiền mà nó đánh vào tâm lý của mọi người, trong đó có học sinh. Lứa tuổi của các cháu rất trong sáng, một bước ngoặt lớn của cuộc đời lại tiếp nhận, chứng kiến những thông tin tiêu cực sẽ có thể mất lòng tin”.

Bà An nhấn mạnh: “Việc sửa điểm thi chỉ rơi vào một số cháu, còn những cháu học hành nghiêm túc, thi nghiêm túc sẽ suy nghĩ như thế nào? Chắc chắn các cháu sẽ cảm thấy không công bằng. Vụ tiêu cực điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra ở Hà Giang và Sơn La làm ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ các cơ quan chức năng cần làm rõ thêm trách nhiệm của những người khác nữa, ngoài những trường hợp đã bị khởi tố. Bởi vì sở GD&ĐT có những người trực tiếp tham gia trong hội đồng thi THPT ở Hà Giang, Sơn La, còn những người không trực tiếp tham gia thì sao, kể cả ngành ngoài giáo dục vẫn có thể liên quan. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người đó và xử lý thật nghiêm, triệt tiêu đến cùng các sai phạm, tiêu cực”.

Nguyễn Hường

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pgsts-bui-thi-an-khong-the-bo-thi-tot-nghiep-thpt-nhung-phai-lam-minh-bach-a238735.html