Cần thiết làm rõ bản chất vụ "Phó chủ tịch quận đỗ xe ăn bún"


Thứ 6, 21/07/2017 | 11:29


Liên quan tới vụ việc "Phó Chủ tịch quận đỗ xe đi ăn bún", vừa qua, cơ quan chức năng đã chính thức thông tin tới báo chí và dư luận.

Liên quan tới vụ việc "Phó Chủ tịch quận đỗ xe đi ăn bún", vừa qua, thông tin công bố chính thức của cơ quan chức năng tưởng như có thể tạm khép lại vụ việc gây ồn ào dư luận, nhưng thực tế lại gợi ra khá nhiều tranh cãi.

Liên quan vụ việc xe chở Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân - bà Lê Mai Trang đi ăn trưa tại khu vực đường Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân; thành phố Hà Nội) gây lùm xùm dư luận, vừa qua, lãnh đạo quận Thanh Xuân khẳng định, chiếc xe chở bà Trang đi ăn đã đỗ sai quy định và nữ cán bộ lái chiếc xe này đã tự động đi nộp phạt. Cùng với đó, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc - ông Vũ Minh Lộ cũng bị xử phạt hành chính 150.000 đồng vì lỗi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo quan điểm của độc giả, mặc dù cơ quan chức năng đã có thông tin chính thức, song vụ việc vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong đó, các ý kiến cho rằng, vụ việc chưa được xử lý, giải quyết một cách triệt để mà vẫn còn một số tình tiết "khúc mắc" cần phải làm sáng tỏ.

Bà Trang có gọi điện cho Chủ tịch phường?

Theo phản ánh trước đó, tại thời điểm xảy ra vụ việc, bà Trang bị cho là đã gọi điện cho Chủ tịch phường và Công an phường ra trông xe để bà ăn trưa. Tuy nhiên, theo xác nhận của bà Trang với báo chí, thông tin trên là không chính xác, và thực tế, bà chỉ gọi cho Phó Chủ tịch phường để hỏi về việc đỗ xe tại khu vực là đúng hay sai.

Bà Lê Mai Trang - Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: Báo Chất lượng Việt Nam

Về vấn đề này, có ý kiến đều cho rằng, nếu những lời bà Trang thông tin là chính xác thì cũng cần đặt dấu hỏi về việc tại sao cán bộ lãnh đạo của một quận lại không rõ về việc nhận diện điểm đỗ xe khi tham gia giao thông? Và thay vì hỏi nữ cán bộ - người trực tiếp lái xe chở bà đi, tại sao bà lại phải gọi điện cho Phó Chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc? Còn nếu đúng là bà đích thân gọi điện thoại cho lãnh bộ phường ra giải quyết vụ việc, thì đây có thể được coi như một động thái "thị uy" của cán bộ công quyền. Nếu vậy thì vụ việc có tính chất khá nghiêm trọng, và theo đó, tới thời điểm hiện tại, bà Trang vẫn chưa nhận lỗi một cách triệt để. Do vậy, trường hợp này cần phải xử lý nghiêm.

Trên thực tế, để kiểm tra việc có hay không cuộc gọi của bà Trang với Chủ tịch phường không phải là quá khó, vì chỉ cần thực hiện thao tác truy xuất lịch sử cuộc gọi từ máy di động của bà Trang hoặc thuê bao cá nhân hoặc máy điện thoại văn phòng của Chủ tịch phường là có thể có ngay câu trả lời.

"Phản ứng nhanh" của Chủ tịch phường khi nhận tin từ đường dây nóng?

Theo thông tin từ ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, khi xảy ra sự việc, Chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc - ông Vũ Minh Lộ nhận được phản ánh qua đường dây nóng nên đã tới hiện trường để nắm tình hình, nhắc nhở chỗ đỗ xe và trao đổi với công dân.

Trong trường hợp này, "sự phản ứng" của Chủ tịch phường về một vụ việc xảy ra trên địa bàn được đánh giá là khá kịp thời, mau lẹ. Và theo như những gì được trích xuất từ camera, Chủ tịch phường đã có mặt nhanh tới mức Phó Chủ tịch quận còn chưa kịp ăn xong bữa trưa.

Sự có mặt của Chủ tịch phường Vũ Minh Lộ - một mặt thể hiện sự nhạy bén, phản ứng nhanh, thậm chí có thể nói là mẫn cán của cán bộ lãnh đạo sở tại nhận được tin báo qua đường dây nóng; nhưng mặt khác lại khiến độc giả đặt dấu hỏi là: từ trước tới nơi, có biết bao vụ việc liên quan tới an ninh, trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn mà đích thân lãnh đạo phường phải ra tận nơi để giải quyết? Và nếu chỉ đơn thuần là một vụ "cãi vã" liên quan tới việc đỗ xe không đúng nơi quy định, thì đây liệu có phải là chuyện nghiêm trọng tới mức đích thân lãnh đạo phường phải "thần tốc" điều khiển xe máy tới hiện trường mà quên mang cả mũ bảo hiểm, để rồi xảy ra hệ quả là Phó Chủ tịch quận đi ăn trưa mà khiến cả Chủ tịch phường lại bị "phạt lây"?

Vu khống cán bộ lãnh đạo, phạt thật nặng!

Thông tin trên báo chí, lãnh đạo quận Thanh Xuân khẳng định không có chuyện như thông tin trên mạng xã hội là “Chủ tịch phường và Trưởng công an phường Thanh Xuân Bắc trông xe cho Phó Chủ tịch quận ăn trưa". Cùng với đó, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cũng thông tin, "không có căn cứ, cơ sở để khẳng định bà Lê Mai Trang điều động Chủ tịch phường và Trưởng công an phường ra trông xe cho bà".

Như vậy, theo quy định, người phát tán thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của lãnh đạo của cả hai cấp quận, phường. Và để có tính chất răn đe, các ý kiến đều cho rằng cần phải phạt thật nặng người phát tán nguồn tin được cho là "thiếu chính xác" này. Và theo đó, trong kết luận chính thức của cơ quan chức năng về vụ việc, cũng cần "truy tìm" và "luận tội" người đã vu khống lãnh đạo quận, lãnh đạo phường trên mạng xã hội, vì đã khiến cho một bộ phận không nhỏ dư luận hiểu sai bản chất của vụ việc.

Xin nhắc lại, trước đó, theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, quan điểm của quận trong vụ việc là "xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, sai đến đâu xử lý đến đó. Do vậy, nguyện vọng của độc giả là quận giữ đúng tinh thần của quan điểm trên, đảm bảo xử lý vụ việc một cách khách quan, triệt để, tránh để dư luận có những ý kiến, quan điểm tranh luận mang tính chất "xới xáo" bên lề, gây ảnh hưởng tới hình ảnh của cán bộ lãnh đạo trong bộ máy công quyền nói chung.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-thiet-lam-ro-ban-chat-vu-pho-chu-tich-quan-do-xe-an-bun-a196775.html