+Aa-
    Zalo

    Có hay không sự khuất tất trong điều tra, giám định tâm thần ở Bà Rịa

    ĐS&PL Thời gian gần đây, dư luận tại Bà Rịa- Vũng Tàu xôn xao về việc bị can chủ mưu trong vụ án tổ chức truyền máu nhiễm HIV cho một cháu bé tại TP Vũng Tàu đã thoát

    Thời gian gần đây, dư luận tại Bà Rịa- Vũng Tàu xôn xao về việc bị can chủ mưu trong vụ án tổ chức truyền máu nhiễm HIV cho một cháu bé tại TP Vũng Tàu đã thoát tội, vì được giám định mắc bệnh tâm thần trước và trong khi gây án. Ðồng thời, chỉ sau một thời gian ngắn chữa bệnh, đối tượng này lại được tái bổ nhiệm vào vị trí công tác cũ. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Có hay không sự khuất tất trong việc giám định tâm thần? Và, có hay không một đường dây chạy án tại địa phương này?

    Tội ác tàn độc và tinh vi...

    Ðối tượng được xác định chủ mưu trong vụ án là Ðào Thị Thu Thảo (35 tuổi), Giám đốc Chi nhánh miền bắc của Tổng công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO). Theo website của công ty này, Chi nhánh miền bắc có trụ sở tại thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

    Diễn tiến vụ việc được xác định như sau: Năm 2014, Ðào Thị Thu Thảo, qua một số kênh thông tin, nghi ngờ người mình yêu là anh Hoàng Ðức Thảo, Tổng giám đốc Tổng công ty, có quan hệ tình cảm với chị N.T.L, nhân viên Tổng công ty và có với nhau một con chung. Từ Hà Nội, Ðào Thị Thu Thảo đã móc nối với Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng, có trụ sở tại quận 12, TP Hồ Chí Minh, để tổ chức theo dõi chị N.T.L. Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng là Lê Trung Linh được xác định là người trực tiếp nhận chỉ đạo của Ðào Thị Thu Thảo và tổ chức thực hiện.

    Sau hơn một tháng thuê Lê Trung Linh theo dõi, đối tượng Thảo tiếp tục thuê công ty của Linh lấy mẫu tóc, móng tay của cháu bé mà Thảo nghi ngờ với giá 20 triệu đồng và Linh đã lấy được mẫu móng tay của cháu bé để đưa cho Thảo đi xét nghiệm ADN.

    Khoảng tháng 4-2015, Thảo xác định phải sát hại cháu bé nên đã bàn bạc với Linh đưa ra các phương án: bắt cóc cháu bé bỏ vào chùa hoặc gây tai nạn giao thông hại chết cháu bé. Cả hai thống nhất phương án bắt cóc cháu bé bỏ vào chùa với giá 240 triệu đồng. Thảo đã chuyển số tiền này cho Linh. Linh rủ thêm đối tượng chưa xác minh được lai lịch cùng tham gia nhưng đã không thực hiện được.

    Với ý chí phải sát hại bằng được cháu bé, tháng 5-2015, Ðào Thị Thu Thảo trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh gặp Lê Trung Linh để lên phương án hãm hại cháu bé. Sau nhiều lần bàn bạc, Thảo quyết định chọn phương án tàn độc nhất là lấy máu của người nhiễm HIV để truyền vào cơ thể cháu bé. Mục đích của phương án này là khiến cháu bé chết từ từ và gây đau đớn, dằn vặt lâu dài cho gia đình chị N.T.L, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của "tình địch". Nhận lệnh của Ðào Thị Thu Thảo, Lê Trung Linh rủ thêm bạn là Huỳnh Văn Thế (31 tuổi, trú huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) cùng làm.

    Ngay sau đó, Thảo thông tin cho Linh biết, tối 1-6-2015, Tổng công ty BUSADCO sẽ tổ chức Tết thiếu nhi cho các cháu trong công ty tại trụ sở chính ở TP Vũng Tàu. Nhận được thông tin, Linh đã chỉ đạo Thế mua một xi-lanh máu của một người nghiện rồi cùng nhau xuống Vũng Tàu tìm cách chích máu nhiễm HIV vào người cháu bé. Tuy nhiên, rất may, tối 1-6 hôm đó, cháu bé đã không đến dự tiệc.

    Quá bực tức vì mục đích sát hại cháu bé không thành, Thảo liên tục điện thoại hối thúc Linh bằng mọi giá tổ chức truyền máu nhiễm HIV vào người cháu bé. Sáng 9-6-2015, Linh lái xe máy chở Thế đến cổng trường mầm non của bé. Khi cháu bé được mẹ đưa đến trường, Thế đã đi sát, dùng kim tiêm có máu người nhiễm HIV chích vào chân cháu bé rồi cả hai lên xe tẩu thoát. Linh điện thoại báo cáo Thảo. Thảo vui mừng chuyển số tiền 120 triệu đồng cho Linh. Cháu bé, rất may, sau một thời gian điều trị phơi nhiễm, đã có kết quả âm tính với vi-rút HIV.

    Thoát tội nhờ…giám định tâm thần

    Vụ việc chỉ được phát hiện khi đối tượng Thế, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đã dùng thông tin có người muốn sát hại cháu bé để tống tiền gia đình chị N.T.L. Tháng 4-2016, cả ba đối tượng Thảo, Linh và Thế đã bị bắt, riêng Thế còn bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.

    Tuy nhiên, đến tháng 6-2016, theo đề nghị của Trại tạm giam Công an tỉnh và của gia đình Thảo, Cơ quan Ðiều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Thảo. Ngày 3-8, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có kết luận giám định pháp y tâm thần với kết luận: Ðào Thị Thu Thảo bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần, tại thời điểm gây án đối tượng không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Chỉ một ngày sau, ngày 4-8, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Ðào Thị Thu Thảo.

    Ðồng thời, chỉ sau một thời gian ngắn được đình chỉ điều tra và chữa bệnh, bà Thảo có đơn và tiếp tục được Tổng công ty BUSADCO cho giữ vị trí công tác cũ là Giám đốc Chi nhánh miền bắc của Tổng công ty.

    Việc một đối tượng chủ mưu, lên kế hoạch thực hiện hành vi rất chi tiết và khoa học, quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng, với thủ đoạn và mức độ tàn độc tăng dần, có tính tổ chức cao, được đình chỉ điều tra và trở lại làm việc bình thường, khiến dư luận tại địa phương rất bất bình. Một bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm thần cho biết: Bệnh nhân mắc chứng trầm cảm thường hay buồn chán, âu lo và nghĩ đến việc tự sát. Việc người mắc chứng tâm thần bàn bạc, tổ chức, lên kế hoạch với những đối tượng khác để giết người là hoàn toàn phản khoa học.

    Chưa hết, qua theo dõi, trong thời gian từ đầu năm 2015 đến khi bị bắt tạm giam, là thời điểm Thảo và các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, Chi nhánh miền bắc của Tổng công ty BUSADCO liên tục tổ chức các sự kiện và đón nhận nhiều giải thưởng lớn. Ðào Thị Thu Thảo, với vai trò là người đứng đầu đơn vị, đã thể hiện tố chất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát và rất minh mẫn trong việc điều hành, xử lý công việc. Kết quả chứng minh là hầu hết nhiệm vụ được Tổng công ty giao, Thảo đều hoàn thành xuất sắc. Ðiều đó khiến dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Vì sao một người bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần và tại thời điểm gây án đối tượng không có năng lực nhận thức, điều khiển hành vi lại có thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng được giao đến vậy?

    Ðặc biệt, theo kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học và một số luật gia, một người bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần và tại thời điểm gây án đối tượng không có năng lực nhận thức, điều khiển hành vi chỉ có thể là người thực hành chứ không thể là người chủ mưu, tổ chức và chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, nhất là phạm tội trong một thời gian dài.

    Việc các cơ quan tố tụng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ điều tra bị can đối với Ðào Thị Thu Thảo, kẻ chủ mưu trong vụ án sát hại cháu bé rất tàn độc tại TP Vũng Tàu vừa qua, đang làm dấy lên dư luận có hay không sự khuất tất trong việc giám định tâm thần? Và, có hay không một đường dây chạy án tại địa phương này? Rất cần các cơ quan tố tụng cấp trên giám sát, kiểm tra, làm sáng tỏ.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-hay-khong-su-khuat-tat-trong-dieu-tra-giam-dinh-tam-than-o-ba-ria-a174575.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan