Tiết lộ thủ đoạn "rửa tiền" của 2 ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỉ


Thứ 3, 13/11/2018 | 02:54


Cùng sự kiện

Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ đồng do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau.

Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ đồng do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau.

Chiều 12/11, tại phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và 90 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ công bố bản cáo trạng dài 235 trang, truy tố các bị cáo trong vụ án.

Chiêu thức rửa tiền của kẻ cầm đầu

Theo cáo trạng, để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ đồng do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau.

Trong đó, Nguyễn Văn Dương rửa hơn 329 tỉ đồng thông qua việc nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn. Bị cáo Dương ngoài là chủ tịch HĐQT Công ty CNC còn là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC (Công ty UDIC).

Để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu Dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, ngày 19/1/2015, Nguyễn Văn Dương đã họp HĐQT và thống nhất ra nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 36 tỉ lên 500 tỉ đồng, trong đó anh ta cam kết góp 85,5% vốn điều lệ.

Năm 2016, Dương tiếp tục chủ trì 2 cuộc họp Hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ Công ty UDIC từ 500 tỉ lên hơn 925 tỉ đồng. Trong đó, cơ quan chức năng xác định sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài Rikvip giai đoạn một, Nguyễn Văn Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỉ đồng để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ hơn 893 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên xử vụ án đánh bạc nghìn tỉ - Ảnh: Dân trí

Nếu chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của Công ty UDIC thì tới thời điểm 12/4/2016, Dương đã có số tài sản trị giá hơn 893 tỉ đồng. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy mà do Dương đã sử dụng số tiền do tổ chức đánh bạc có được sau này để hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó.

Cụ thể, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty UDIC rồi mượn tên người khác mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC.

Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội mà có, Dương tiếp tục chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà và nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân, đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch.

Cơ quan chức năng xác định, có đủ căn cứ quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền với số tiền hơn 329 tỉ đồng nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.

Trong đó, Nguyễn Văn Dương nộp 5 lần số tiền hơn 23 tỉ đồng, còn lại hơn 306 tỉ đồng được lấy trong tổng số tiền hơn 474 tỉ đồng do anh ta chỉ đạo nhân viên dưới quyền đem nộp tiền mặt vào Công ty UDIC dưới danh nghĩa hoàn tạm ứng cho Dương, các công ty, cá nhân ký hợp đồng khác trả lại tiền vì thanh lý hợp đồng.

Cũng theo cáo trạng, Phan Sào Nam là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty VTC online, có trình độ và am hiểu về công nghệ thông tin. Nhưng vì mục đích cá nhân, Nam đã nhận đề nghị của Hoàng Thành Trung - giám đốc Trung tâm phần mềm Công ty VTC Intercom - về việc tìm đối tác phát hành phần mềm đánh bạc bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club mà Trung có sẵn.

Nam chỉ đạo các thành viên trong công ty thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài Rikvip/Tip.Club. Bên cạnh đó, Nam còn chỉ đạo đối soát, tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc để phục vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Nam thu lời bất chính số tiền hơn 1.475 tỉ đồng. Sau khi có tiền thu lời bất chính, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền cho phạm tội tổ chức đánh bạc mà có.

Trong đó, Nam đưa cho Phan Thu Hương (dì ruột) hơn 236 tỉ đồng để gửi tiết kiệm và kinh doanh mua nhà. Khi được cơ quan điều tra triệu tập hỏi về nội dung trên, bà Hương không thừa nhận đang giữ số tiền mà Phan Sào Nam do phạm tội mà có.

Bà Hương khai đó là tiền Nam trả nợ cho mình nhưng không đưa ra được căn cứ nào để chứng minh. Chỉ đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam về tội rửa tiền, người phụ nữ này mới khai báo bản thân đã có hành vi che giấu cho Phan Sào Nam vì tình cảm dì cháu. Hơn nữa, bản thân bà nuôi Nam từ nhỏ nên không muốn cháu vào vòng lao lý.

Ngoài ra, Nam còn chuyển tiền vào 4 công ty khác để góp vốn, đầu tư biến thành "tiền sạch".

Ông Phan Văn Vĩnh đề nghị không công bố bản án lên mạng

Bị cáo Phan Văn Vĩnh không đồng ý việc công bố bản án lên mạng - Ảnh: Tri thức trực tuyến

Tại phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ sáng 12/11, trước khi kết thúc phần thủ tục, chủ tọa cho biết theo quy định của TAND Tối cao, bản án sau khi công bố sẽ được công khai lên cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Tuy nhiên, bị cáo có quyền được từ chối việc đưa bản án công khai. "Có bị cáo nào đề nghị không đưa bản án lên cổng thông tin điện tử của Tòa án không?", chủ tọa hỏi.

Ngay lập tức, ông Phan Văn Vĩnh giơ tay và đề nghị Tòa không công bố bản án lên cổng thông tin điện tử Tòa án.

Cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã cáo buộc, bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017. Bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam bị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền”.

88 bị can còn lại trong vụ án bị truy tố về các tội: Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền.

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-thu-doan-rua-tien-cua-2-ong-trum-duong-day-danh-bac-nghin-ti-a251101.html