+Aa-
    Zalo

    Nỗi niềm của nam phạm nhân bênh vợ trở thành kẻ tội đồ

    ĐS&PL Can vợ và hàng xóm cãi nhau, Nhường không ngờ bị cuốn vào vụ ẩu đả để rồi tỉnh ngộ thì đã muộn.

    Can vợ và hàng xóm cãi nhau, Nhường không ngờ bị cuốn vào vụ ẩu đả để rồi tỉnh ngộ thì đã muộn. Hàng xóm chết, còn Nhường mang tội giết người, phải trả giá bằng bản án chung thân. Những ngày trong trại cải tạo, nhắc đến vợ là Nhường lại vô cùng ân hận.

    “Vợ tôi gầy gò ốm yếu quanh năm, bây giờ một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con lại còn thăm nuôi chồng nữa. Nghĩ lại tôi thấy hận mình quá. Giá như lúc đó tôi kiềm chế được, chịu nhịn đi một tí”, Nguyễn Văn Nhường, SN 1975 ở Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, chia sẻ. Hiện nam phạm nhân này đang cải tạo bản án chung thân ở trại giam Nam Hà.

    Ảnh minh họa

    Bênh vợ thành giết người

    Đôi mắt trũng sâu cho thấy đã nhiều đêm mất ngủ, Nhường kể về cuộc đời mình bằng một giọng trầm buồn. Anh ta bảo, kể từ ngày vào trại giam đến nay có đến già nửa thời gian anh ta mất ngủ.

    “Tôi hay nhớ lại buổi chiều hôm ấy. Rõ ràng tôi đã nói với nạn nhân là chuyện đàn bà kệ họ, đừng tham gia. Ấy mà thế nào tôi lại cầm dao xông vào”, Nhường bộc bạch suy nghĩ của mình.

    Theo lời kể của Nhường thì quê anh ta ở Quế Võ, Bắc Ninh. Mảnh đất mà Nhường sinh sống là quê vợ. Văn hóa thấp, vợ chồng lại không có nghề nghiệp ổn định nên kiếm sống nhì nhằng bằng thúng xôi quà sáng. Sau này Nhường đi học thêm nghề bún hải sản nên quán hàng của vợ chồng Nhường có vẻ sầm uất hơn. Chẳng biết có phải vì thấy cuộc sống của gia đình Nhường từng bước khá giả hay vì mến cái tính mau mồm miệng của vợ Nhường mà người dân trong khu dân phố đã bầu vợ Nhường làm người quản lý, trông coi nhà văn hóa của tổ.

    Và khi thấy vợ chồng Nhường làm việc rất có trách nhiệm thì người dân trong khu vực đã tin tưởng, giao cho trông coi cả 3 nhà văn hóa của khu phố. Mặt trái của sự “được việc ấy” của vợ chồng Nhường là vô hình trung trở thành cái gai trong mắt những người trước đây được thuê bảo vệ nơi này. Một trong những người “không ưa” vợ Nhường ra mặt ấy là gia đình ông hàng xóm. Vì không ưa nên những người này thường kiếm cớ để buông những câu bóng gió. Nghĩ thân phận mình là người nơi khác đến nên Nhường thường động viên vợ nhẫn nhịn, bỏ qua để còn bán hàng.

    “Hôm đó tôi chở nước khoáng đi giao cho khách, lúc quay về gặp ông Chắn (người hàng xóm có mâu thuẫn- PV). Lúc này trời mưa, ông ấy đi giày thể thao nên tôi mới hỏi: Mưa thế này mà ông vẫn đi tập thể dục à. Ông Chắn liền chửi tôi. Thấy vậy tôi bảo: Cháu ở đây bao năm có việc gì không mà ông lại chửi cháu. Có thế thôi mà bà vợ từ trong nhà chạy ra chửi tôi. Vợ tôi thấy thế cũng xông ra, thế là hai người đàn bà lời qua tiếng lại”, phạm nhân Nguyễn Văn Nhường nhớ lại.

    Điều mà Nhường không ngờ tới là trong lúc anh đi tìm người tới can ngăn thì vợ chồng ông Chắn và cả cậu con trai đã xông vào đánh vợ Nhường. Và khi Nhường nhảy vào can ngăn thì con trai ông Chắn đã hô người bạn đi cùng rằng “đập chết thằng này đi” rồi cùng bố xông vào đánh Nhường. Trong lúc ẩu đả, Nhường đã nhặt được con dao và sự giận dữ không kiểm soát đã biến anh ta thành kẻ giết người. Nạn nhân thiệt mạng chính là con trai ông Chắn.

    “Không bao giờ tôi muốn điều đó xảy ra. Anh ấy cũng có gia đình, có vợ và hai đứa con còn rất nhỏ. Chúng nó cũng như con tôi, đều non nớt, ngây thơ lắm”, Nhường nói rồi khẽ thở dài.

    Theo bản án, ngoài hình phạt tù chung thân, Nguyễn Văn Nhường còn phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng tiền nuôi hai con nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi. Số tiền mỗi tháng 600 ngàn đồng/cháu chẳng đáng là bao nhưng với Nhường đó là một nỗi đau, là niềm ân hận.

    Phạm nhân Nguyễn Văn Nhường ân hận mỗi khi nhắc đến vợ.

    Thương hai đứa trẻ vô tội

    Về trại giam Nam Hà cải tạo ở đội mây tre đan, công việc của Nhường là đan những chiếc giỏ, lẵng hoa theo mẫu. Theo Nhường thì công việc không vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn. Mỗi chiếc giỏ, Nhường hoàn thành trong khoảng nửa tiếng đồng hồ.

    “Chỉ những lúc có mẫu mới phải học thì cần chú ý thôi chứ khi đã quen việc rồi thì vừa làm vừa nói chuyện cũng không sợ nhầm đâu”, Nhường khoe. Anh ta bảo, ngày đầu nghe cán bộ bảo về đội mây tre đan, Nhường đã sợ không làm được nên cứ khẩn khoản xin “đi tưới cây” nhưng khi bắt tay vào việc làm thì thấy không khó như tưởng tượng.

    “Tôi về trại từ năm 2016, đến nay vợ đã lên thăm được 3 lần rồi. Tôi bảo cô ấy tiện thì mỗi năm vào thăm một lần thôi còn bận quá thì không cần vào vì đằng nào mỗi tháng tôi cũng có 5 phút gọi điện về nhà”, Nhường kể.

    Vợ gầy bé, quanh năm lại đau yếu nên Nhường hiểu rằng kể từ lúc anh ta bước chân vào tù, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên vai người vợ ốm yếu. Rồi chuyện con cái học hành, chuyện quan hệ láng giềng,... cứ nghĩ đến đó thôi là Nhường lại thấy tâm tư nặng trĩu.

    “Án nặng hay nhẹ với tôi không quan trọng vì dù thế nào thì vào đây, tôi cũng chỉ có một con đường là cải tạo lao động. Người chịu tai tiếng và áp lực chính là vợ con tôi ở bên ngoài. Cô ấy không chỉ lo cho cuộc sống của mấy mẹ con mà còn phải thay tôi làm tròn trách nhiệm cấp dưỡng cho hai đứa trẻ kia. Cứ nghĩ đến điều đó, tôi thực sự khổ tâm”, nam phạm nhân này bộc bạch.

    Theo lời Nhường thì điều khiến anh ta cảm thấy được an ủi chính là ba đứa con biết bảo ban nhau học hành. Đứa con lớn đã vào THPT, ngoài giờ đi học đã biết đỡ đần mẹ những việc lặt vặt trong nhà và đưa đón hai em đi học để vợ Nhường yên tâm bán hàng. Vài tháng một lần, Nhường lại nhận được thư của con thông báo tình hình gia đình.

    “Tôi nghe con nói là ngoài việc bán hàng quà sáng, vợ tôi còn đi làm giúp việc thuê theo giờ, tối đến lại trông coi nhà văn hóa, chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Thật tội cho cô ấy. Giá như hôm đó tôi chịu nhịn đi một tí thì đã không xảy ra cơ sự như ngày hôm nay. Càng nghĩ tôi càng ân hận”, Nhường tâm sự.

    Hỏi anh ta có khi nào nghĩ đến hai đứa con nạn nhân, Nhường bảo mỗi buổi chiều đi lao động về là lúc anh ta nhớ nhà nhất. Và những khi ấy những hình ảnh gia đình quây quần, vui đùa bên các con lại hiện về khiến Nhường day dứt. Nhường bảo mỗi khi nghĩ đến các con, anh ta lại chạnh lòng nghĩ đến hai đứa con nạn nhân và thấy có lỗi với chúng.

    “Tôi chẳng biết nói gì, hứa gì bởi thời gian cải tạo của tôi còn rất dài. Chỉ biết rằng trong lòng tôi lúc nào cũng có cảm giác có lỗi với bọn trẻ. Con tôi hay con của nạn nhân, chúng đều là những đứa trẻ ngây thơ và vô tội cả”, Nhường nói. Chúng tôi cảm giác giọng anh ta như nghẹn lại bởi nói xong câu đó, anh ta im lặng rất lâu, không nói thêm câu gì nữa.

    Đức Hùng

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 12

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-niem-cua-nam-pham-nhan-benh-vo-tro-thanh-ke-toi-do-a266736.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan