+Aa-
    Zalo

    Thu phí BOT kéo dài: “Thóc để dành” làm lợi cho doanh nghiệp

    ĐS&PL Sau lùm xùm xung quanh dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang), điều mà dư luận quan tâm là ai chịu trách nhiệm trước bức xúc của người dân?

    Sau lùm xùm xung quanh dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang), điều mà dư luận quan tâm là ai chịu trách nhiệm trước bức xúc của người dân?

    Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT nhận định: “Thực tế, để thực hiện được một dự án đường BOT phải có ý kiến của 3 Bộ: GTVT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính. Bộ GTVT đứng ra triển khai thực hiện. Theo quan điểm của tôi, cần xem xét trách nhiệm của cả 3 Bộ trong việc này.

    Điều đáng nói, hiện đang có thực trạng “tận thu”, các Bộ chỉ quan tâm đến nguồn thu, cứ cái gì thu được là thu, điển hình chuyện thu phí đường BOT cũng thể hiện sự tận thu, gây bức xúc trong dư luận”.

    Cũng theo quan điểm của ông Phạm Thế Minh, việc triển khai xã hội hóa dưới hình thức BOT vừa qua có vấn đề, thiếu công khai minh bạch. Thế nên, với những dự án gây bức xúc trong dư luận cần phải thanh tra. “Dư luận đặt dấu hỏi về việc chủ đầu tư có vấn đề và có sự bắt tay của bộ GTVT. Điều này cần sự vào cuộc của bộ Công an để làm rõ”, ông Minh nêu quan điểm.

    Chính trị - Xã hội - Thu phí BOT kéo dài: “Thóc để dành” làm lợi cho doanh nghiệp

    Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang.

    Theo vị nguyên Thứ trưởng bộ GTVT, dự án BOT phải minh bạch trong tổ chức thực hiện, đấu thầu, đấu giá và quản lý thu phí. Đặc biệt, cần làm rõ lưu lượng xe, các nhà đầu tư phải đặt thu phí tự động kiểm soát lưu lượng xe thực tế để làm rõ khả năng hoàn vốn của các nhà đầu tư, tránh tình trạng lợi dụng thu phí của dân cho vào túi nhà đầu tư. Việc tận thu, thu phí kéo dài trong nhiều năm được dân giao thông gọi là “thóc để dành” và làm lợi cho doanh nghiệp.

    Liên quan đến dự án BOT Cai Lậy, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng còn thiếu tính minh bạch. Một chuyên gia giao thông đô thị đánh giá: “Bản chất hình thức đầu tư thu phí BOT giao thông không có gì sai. Nhưng đừng để một số người lợi dụng sơ hở của các văn bản pháp luật, thậm chí cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện các hợp đồng BOT thiếu trách nhiệm, thiếu giám sát kiểm tra... thu vén cá nhân bè phái, thu lợi bất chính từ công sức người dân, làm thiệt hại ngấm ngầm kinh tế đất nước”.

    “Theo tôi, còn một vấn đề bất thường nữa nhưng báo đài và dư luận chưa để ý, đó là con số quyết toán thực tế phần khối lượng đầu tư xây dựng là bao nhiêu, để từ đó còn điều chỉnh mức phí và thời gian thu phí. Không ai chưa nghiệm thu quyết toán mà lại cho thu phí.

    Đề nghị bộ GTVT và bộ Tài chính xem lại các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Chưa có hợp đồng BOT nào lộn xộn như tuyến tránh Cai Lậy. Theo tôi, để rút kinh nghiệm cho nhiều dự án BOT về sau, đề nghị Quốc hội giám sát và Chính phủ nên thanh tra dự án này”, vị này nêu quan điểm.

    Hương Lan

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-phi-bot-keo-dai-thoc-de-danh-lam-loi-cho-doanh-nghiep-a199737.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan