Bí thuật “độ thần kê” của người từng luyện gà chọi cho tướng râu kẽm Nguyễn Cao


Thứ 2, 30/01/2017 | 03:02


(ĐSPL) - Khi hơi gió chướng thổi nhẹ trên những cánh đồng vàng óng lúa chín, “vua gà” Ba Cồ lại đem hết bí thuật luyện “chiến kê” để cáp độ, bói lộc đầu năm.

(ĐSPL) - Khi hơi gió chướng thổi nhẹ trên những cánh đồng vàng óng lúa chín, “vua gà” Ba Cồ lại đem hết bí thuật luyện “chiến kê” để cáp độ, bói lộc đầu năm.

Như sinh ra để nâng tầm thú vui gà chọi, ngay từ nhỏ cụ đã sở hữu vô vàn kỹ nghệ luyện gà, có mặt trong mọi trường gà khắp Nam kỳ lục tỉnh. Niềm đam mê vượt khỏi cám dỗ từ tiền bạc, danh vọng giúp cụ trở thành “vua gà chọi”, nắm giữ trong tay hàng tá “thần kê” mà nhiều người thích.

Chuyện có thật là một thời, ông Nguyễn Cao Kỳ (hay còn gọi là tướng râu kẽm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngày trước) cũng phải “đáp” máy bay xuống tìm cụ mua gà, nhờ luyện “chiến kê” để “chinh phạt” thú chơi ngày Tết.


Chuyện “tranh hùng” của những người chuyên luyện “Thần Kê”

[poll3]938[/poll3]

Những tháng ngày ôm gà, quần thảo khắp Nam kỳ lục tỉnh lại ùa về trong cụ. Cụ nhớ lại: “Với tôi, đá gà vẫn vẹn nguyên nét đẹp văn hóa của một trò chơi dân gian. Đến mùa gió chướng, lúa chín vàng là cận Tết. Lúc này, ai cũng ra sức chăm gà rồi đem đá với nhau xem gà ai hay hơn, đẹp hơn. Ngày đó, mục đích chính của trò đá gà là để giải trí, gắn kết tình làng nghĩa xóm”.

Thời của cụ Ba Cồ, niềm sung sướng và cũng là niềm tự hào lớn nhất của người luyện gà là khi gà của mình ra “chiến trường”, đá thắng một con “gà có tên tuổi khác”. Sau những trận đấu như vậy, không chỉ người luyện gà mà cả “chiến kê” vừa thắng giải cũng hết sức nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Thế nên, dịp cận Tết, những bậc thầy nuôi, luyện gà đá đều thi nhau trổ tài nuôi dưỡng, huấn luyện cho các “chiến kê”.

“Khi còn rất nhỏ, tôi đã theo cha ôm gà đi so tài cao thấp mỗi khi Tết đến. Thường thì, gà nhà tôi luôn thắng. Mỗi khi cha tôi đến trường gà nào, ai cũng muốn cáp độ vì chỉ cần thắng gà của cha tôi, họ sẽ nổi tiếng”, cụ Ba Cồ cho biết.

Sớm được “danh sư” truyền đạt kinh nghiệm luyện gà, năm 20 tuổi, chàng thanh niên Ba Cồ tự tin đưa “chiến kê” do chính tay mình huấn luyện xuất chiến. Giữa lúc Nam kỳ lục tỉnh có vô vàn dòng gà hay với những bậc thầy luyện gà nổi tiếng, cái tên Ba Cồ nổi lên. Gà của cậu thanh niên tên Bô đi đến đâu thắng đến đó.

Những người cùng thời với cụ nói rằng, Ba Cồ có phong thái chơi gà chọi “rất công tử”. Không như người khác, mỗi khi đem gà đi cáp độ, cụ luôn mặc vest, di chuyển bằng xe hơi, xe Vespa đến trường gà. Tuy nhiên, dù xuất hiện trong hoàn cảnh nào, gà của Ba Cồ vẫn luôn thuyết phục người xem bởi có đòn đá hiểm, đá giao chân đẹp mắt. Liên tục bất bại trên các sàn đấu, luôn sở hữu hàng tá “chiến kê” dũng mãnh, Ba Cồ nhanh chóng trở thành “vua gà” chọi xứ dừa, danh tiếng vang xa tận Sài Gòn.

Cụ nhớ lại: “Năm tôi 30 tuổi, gia đình làm ăn khá giả. Mỗi khi tết đến, nghe đâu có gà hay, gà dữ là tôi ôm gà đến so tài. Tôi nhớ nhất là con gà điều đá chục độ không thua độ nào. Con gà này nặng 1,8kg, chân trắng, lông đuôi dài 7 tấc, mặt nhỏ, mắt tinh.

Khi đá, nó biết lựa thế tung đòn hiểm. Khi đuối sức, nó biết thế thủ. Đặc biệt, dù bị trúng đòn đau, gãy chân, xệ cánh, nó không chạy mà vẫn đối đầu khiến gà đối phương phải sợ. Cái uy này ít gà có được. Năm đó, tôi đem gà đi cáp độ tại trường Võ Văn Vân (Bến Tre) và thắng lớn.

Lúc này, có ông Tỉnh trưởng nhìn thấy gà hay nên báo cho ông Nguyễn Cao Kỳ (Thủ tướng chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó) biết. Ông Kỳ cũng là người mê gà đá, nghe tôi có gà hay liền “phi” máy bay xuống nhà hỏi mua. Cha tôi nhất quyết không bán. Mãi sau này, khi nghe người Tỉnh trưởng nói, nếu bán cho ông Kỳ, một người thân của tôi sẽ được miễn quân dịch, cha tôi mới đồng ý”.

Bí thuật luyện “chiến Kê”

“Vua gà” Ba Cồ phân tích cách tuyển lựa “chiến kê” (Ảnh: Hà Nguyễn).

Theo cụ Ba Cồ, để có được “chiến kê” dũng mãnh, người chơi phải có những bí thuật nhất định. Công việc luyện gà được cụ tiến hành từ lúc lấy giống đến khi gà trưởng thành và trải qua vô vàn công đoạn. “Vua gà” bật mí: “Có người phải đi lấy giống về luyện.

Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian thì mua gà đã trưởng thành cũng được. Nhưng, muốn có gà hay phải biết “xem tướng gà”. Cái này nói ra thì nhiều lắm nhưng cơ bản là ôm phải chặt tay, vảy chân đều, lông mịn, óng ả, mặt nhỏ, mắt tinh,... ngoài ra còn phải xem tướng đứng, tướng đi, tiếng gáy, ...của nó nữa”.

Hơn thế, để chen chân trong thế giới luyện gà, các bậc thầy cũng phải dày công nghiên cứu, đúc kết vô vàn kinh nghiệm về các loại gà. Theo “vua gà” Ba Cồ, việc nắm bắt tên tuổi, đặc điểm các giống gà cho phép người luyện biết được “sở trường, sở đoản” của “chiến kê”. Qua đó, có thể tìm ra “đấu pháp” thích hợp mỗi khi cho gà “lâm trận”.

Cụ kể: “Người xưa có câu: Gà que gà vàng đâm nhiều, Sáng gà điều chiều gà xám là để cho mình biết cách nhận dạng gà, biết đặc điểm của nó để phát huy hết sở trường và tránh đi sở đoản của nó. Ví như, nếu “cầm” gà xám thì nên cáp độ, đá từ 15h hàng ngày trở đi.

Ngược lại, gà điều dù rất dữ nhưng nếu cho nó “so chân” với gà ô chân trắng, mỏ ngà là thua ngay. Nó kỵ nhau mà”. Cũng theo cụ Ba Cồ, sau khi đã chọn được “thần kê”, các bậc thầy luyện gà còn phải “lên giáo án” luyện tập cùng một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đặc biệt.

Cụ bật mí, thức ăn sơ đẳng của “chiến kê” là thóc sạch, không mối mọt, được phơi thật khô. Chế độ ăn cũng phải hết sức khoa học, nếu không gà mập, tích mỡ thì coi như bỏ. “Ngoài ăn thóc, tôi còn bắt ếch, cào cào, xắt nhỏ thịt bò cho gà ăn.

Muốn gà có lông đẹp, mượt, óng thì trộn lòng đỏ trứng gà với thóc. Chuyện ăn uống của gà cũng có những điều kiêng kỵ. Ví như có thể cho nó ăn thịt ếch nhái nhưng không được cho ăn thằn lằn. Lỡ ăn phải con này thì gà gom thịt, khi xung trận mau xuống sức”, cụ Ba Cồ bật mí.

Cụ Ba Cồ kể một mẹo: “Muốn gà khỏe, phải nhốt cách biệt với nhau. Hằng ngày phải tắm nước nóng, lau mặt, lau cánh cho gà mát. Mỗi buổi sáng, đúng 5h, đem gà ra hứng sương. Đêm, 12h thức cho gà uống nước, kiểm tra lồng úp xem phân gà có gì thay đổi, khác thường không, sờ bầu diều xem cứng hay xẹp,...

Khi gà đủ tuổi, hằng ngày sau khi tắm, lau mình, ngâm chân bằng nước gừng,... thì đem gà ra “quần” với nhau để xem chân, xem giò. Lúc này, mình phải để ý tính khí từng con xem con nào đá hay nhưng chịu đòn kém; con nào gan lỳ; con nào có miếng đánh hiểm,... để tuyển lựa, tìm cách phát huy sở trường, khắc phục sở đoản”. Trong giới luyện gà chọi xứ dừa, cụ Ba Cồ nổi tiếng với bí thuật “vô ngải”.

Bật mí bí thuật trên, cụ chia sẻ: “Loại ngải này là một loại củ như nghệ, gừng nhưng có sức mạnh đặc biệt với gà đá. Người ta bảo ngải Tàu tốt, nhưng tôi thấy ngải mình tốt hơn. Khi lấy ngải, ta đào củ to, đem về nấu trong nồi đất với rượu, phèn chua, muối,... đến khi củ ngải teo lại, nắm được trong lòng bàn tay là được. Đem nước ngải tắm cho gà rồi đem gà đi phơi nắng. Sau đó, tắm lại gà bằng nước sạch. Vô ngải, gà rất sung. Đặc biệt, ngải này đưa hương theo mùa gió chướng. Khi đem gà cáp độ, đã vào ngải này rồi, chỉ cần có gió là gà sẽ rất sung và dũng mãnh. Thế nên, khi Tết đến, xuân về, gió chướng nổi lên là gà tôi lại thắng”.

Nói về thú chơi gà đá ngày nay, cụ Ba Cồ ngậm ngùi: “Ngày nay, thú vui đá gà phai nhạt dần cái tinh hoa, lý thú của nó. Họ không còn xem trò này như một thú vui lành mạnh, gắn liền với văn hóa dân gian nữa mà biến nó thành trò cờ bạc, sát phạt. Trước đây, mỗi độ đá gà kéo dài cả tiếng, người xem được chiêm ngưỡng những đòn đánh đẹp, người thắng được vinh danh biết xem, luyện gà. Ngày nay, gà gắn cựa sắt, mỗi độ chưa tròn vài phút, người xem đâu có biết môn này đẹp, hay ở chỗ nào nữa”

HÀ NGUYỄN-NGỌC LÀI

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-thuat-do-than-ke-cua-nguoi-tung-luyen-ga-choi-cho-tuong-rau-kem-nguyen-cao-a179294.html