+Aa-
    Zalo

    Vụ hàng loạt học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới nói điều bất ngờ

    ĐS&PL Theo các bác sĩ, đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể sẽ tự thải ra, nhưng xét nghiệm vẫn dương tính.

    Theo các bác sĩ, đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể sẽ tự thải ra, nhưng xét nghiệm vẫn dương tính. Vì vậy, có khi xét nghiệm dương tính nhưng thực chất trong người không có, không còn giun sán nào cả.

    Trao đổi với PV VnExpress, Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết.

    Lý giải về nhận định trên, ông Cường cho biết, xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không triệu chứng là vô nghĩa. Nếu kết quả dương tính sán cũng chỉ khẳng định là trẻ có phơi nhiễm với trứng sán do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng (lợn gạo).

    209 trẻ dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh. Ảnh: VnExpress

    Người ăn phải thịt lợn chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Để khẳng định ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán trưởng thành thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không. Nếu có đốt sán mới khẳng định người bệnh bị bệnh sán trưởng thành, chứ không phải bị bệnh do nhiễm ấu trùng.

    Những người có nguy cơ hoặc triệu chứng như động kinh, có vấn đề về thị lực không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, xuất hiện các nốt dưới da... thì mới xét nghiệm tìm ấu trùng sán, thậm chí phải làm nhiều xét nghiệm khác để khẳng định như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết...

    Cũng theo ông Cường, xét nghiệm máu sàng lọc dương tính với sán thì chưa đủ khẳng định là có bệnh ấu trùng hay không và bác sĩ chỉ điều trị khi có triệu chứng, nếu không thì chỉ theo dõi. Ngoài ra có tỷ lệ dương tính chéo giữa sán lợn với một số loại ký sinh trùng khác.

    "Trường hợp các cháu ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, tức là chỉ phơi nhiễm với bệnh, thì không cần phải điều trị", ông Cường nói.

    Có chung quan điểm với Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật. Vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng nhưng khó tránh khỏi nhiễm sán.

    Cụ thể, đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể sẽ tự thải ra, nhưng xét nghiệm vẫn dương tính. Vì vậy, có khi xét nghiệm dương tính nhưng thực chất trong người không có, không còn giun sán nào cả. Xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm vì nhiễm giun sán này đã hết lâu rồi nhưng lại xét ra giun sán khác. Nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó, mèo, lợn.

    "Chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" lên não, da, mắt... mới chỉ định xét nghiệm. Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì không cần xét nghiệm", bác sĩ Khanh nói.

    Phụ huynh bức xúc đưa con khi xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Người Đưa Tin

    Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, tất cả giun sán khi xâm nhập vào cơ thể đều có thời gian ủ bệnh, cơ thể mới tạo ra lượng kháng thể chứ không thể hôm nay ăn mà mai có bệnh ngay. Có loại cả mấy tháng sau khi ăn phải, xét nghiệm mới có kết quả nhiễm giun sán.

    Bác sĩ khuyên định kỳ từ 3 đến 6 tháng sổ giun một lần, phải có thói quen ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm an toàn. Nếu nghi ngờ ăn phải món có thể nhiễm giun sán thì cho trẻ uống thuốc sổ giun, không nhất thiết lo lắng chạy ngược chạy xuôi để làm xét nghiệm.

    Cũng liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, đã chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Ninh vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn tới 209 học sinh bị nhiễm sán lợn.

    Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, không phải học sinh ăn thịt, rau, củ, quả… có ấu trùng nhiễm sán là nhiễm ngay bởi theo các chuyên gia ở Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương khẳng định nếu ăn chín, uống sôi thì không thể nhiễm sán.

    Hiện, Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh phải phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học; Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở chủ động thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học…

    Ngày 14/2, phụ huynh tại trường Mầm non Thanh Khương phát hiện thịt lợn đã nấu chín cho trẻ em có nhiều hạt nhỏ như gạo nghi là sán nên đã yêu cầu nhà trường làm rõ sự việc, nhiều gia đình không cho con ăn bán trú.

    Trưa 5/3, một số phụ huynh phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh nghi không đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 10kg thịt gà đông lạnh được cất giữ trong tủ lạnh của khu bếp ăn nhà trường.

    Đơn vị cung cấp thực phẩm cũ là Công ty TNHH Hương Thành bị cắt hợp đồng và nhà trường đã tìm đơn vị cung cấp thực phẩm mới.

    Chính quyền xã đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương để phục vụ công tác điều tra.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-hang-loat-hoc-sinh-nhiem-san-lon-o-bac-ninh-giam-doc-trung-tam-benh-nhiet-doi-noi-dieu-bat-ngo-a267135.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan