Tình người chốn công đường


Thứ 2, 12/02/2018 | 03:09


Cùng sự kiện

Đã ra tới chốn pháp đình thì chẳng thể nào vui cho được. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn nhiều vụ án đẫm tình người.

Đã ra tới chốn pháp đình thì chẳng thể nào vui cho được. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn nhiều vụ án đẫm tình người.

Bài học ứng xử trong giao thông

Ông Hoàng Tiến V. (SN 1954, trú tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), thương binh hạng 2/4, khó nhọc lê chiếc chân giả vào phòng xử án để dự phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý gây thương tích mà ông là bị hại.

Ít phút sau, 3 con người khác lầm lũi đến đứng trước vành móng ngựa, họ là bị cáo trong vụ án này mà cụ thể là Nguyễn Bá Tài (SN 1992), Bùi Bá Hùng (SN 1994) và Nguyễn Bá Nhu (Sinh năm 1966), cùng trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Với hành vi gây ra thương tích 15% cho ông V., các bị cáo bị TAND huyện Chương Mỹ tuyên phạt các mức án từ 15–27 tháng tù giam. Nguyên nhân dẫn đến vụ án xuất phát từ một vụ va chạm giao thông xảy ra trên địa bàn huyện.

Khoảng 17h30 ngày 25/1/2017, Nhu điều khiển xe ô tô chở Tài và con dâu xuôi theo hướng Quốc lộ 6A về hướng chợ Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Tại khu vực Hòa Sơn, thị trấn Chúc Sơn, ô tô của bị cáo Nhu va chạm với xe ba bánh của thương binh Hoàng Tiến V. Hậu quả, ô tô bị gãy vỡ gương chiếu hậu, vỡ kính chắn gió cánh cửa xe phía trước, xây xước phía sau xe.

Người lái xe 3 bánh không dừng lại mà bỏ chạy nên Nhu cùng con trai hô hoán người dân đuổi theo. Thấy vậy, Bùi Bá Hùng khi đi ngang qua thấy sự việc đã lấy xe máy chở Nhu đuổi theo ông V., còn Tài đi nhờ một xe máy khác. Ngoài 2 cha con Nhu, còn có một số người dân đuổi theo chặn xe ba bánh của người thương binh để nhằm giải quyết vụ va chạm.

Đến khu vực thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hùng đuổi kịp và chặn xe ba bánh lại. Nhu xuống xe nhặt nửa viên gạch bên đường ném thẳng vào bả vai của ông V.. Do đường hẹp và bị ô tô phía trước cản lại nên ông V. đi chậm, do đó đã bị bố con Nhu cùng người dân đuổi kịp. Hùng chạy đến giữ ông V., còn Nhu và Tài xông vào dùng tay chân đánh nạn nhân. Hậu quả, người thương binh bị thương tích 15%.

Xuất phát từ một vụ va chạm giao thông trên đường làng, nhưng thay vì “người trong cuộc” có cách ứng xử văn minh thì họ lại hành xử một cách thiếu văn hóa để xảy ra hậu quả bác thương binh già phải chịu thêm nỗi đau về thể xác, còn bố con Nhu và Hùng phải đối mặt với vòng lao lý.

Có lẽ, đôi bên cùng mệt mỏi khi phải theo kiện từ tòa cấp sơ thẩm đến phúc thẩm. Về phía các bị cáo vô cùng ân hận với việc làm trái pháp luật của mình nên đã tích cực tác động gia đình đến thăm hỏi, xin lỗi, cũng như bồi thường một phần thiệt hại cho ông V. Bản thân ông V. cũng có phần day dứt vì nếu như ông V. dừng lại giải quyết vụ tai nạn thì có lẽ 3 người kia cũng không phải vướng vòng tù tội.

Vì thế mà tại phiên tòa phúc thẩm, ông V. ngồi lặng thinh nghe tòa xử án từ đầu tới cuối, chỉ trừ những lúc được vị chủ tọa yêu cầu ông V. trình bày. Lần nào phát biểu, người thương binh này cũng khẽ nhăn trán, một tay giữ chiếc chân giả khó nhọc đứng lên tha thiết xin HĐXX tuyên một mức án thấp nhất, cho các bị cáo được hưởng án treo để sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình, tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội.

Nghe những lời chứa chan tình người của bác thương binh già, trong lời nói sau cùng, các bị cáo đều lần lượt xin HĐXX cho quay xuống vừa để xin lỗi, vừa để cám ơn sự rộng lượng của ông V. khi bỏ qua sai trái cho các bị cáo.

Tin tức - Tình người chốn công đường

Hình minh họa.

Lòng vị tha

Hay như một vụ án khác được đưa ra xét xử phúc thẩm tại TAND Cấp cao tại Hà Nội theo đơn kháng cáo của cả bị hại và bị cáo. Trước đó, bị cáo Nguyễn Đắc Minh (SN 1986, trú tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 18 năm tù về tội Giết người. Trong vụ án này bị hại là ông Nguyễn Khắc Bình (SN 1963, trú tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) may mắn không chết nhưng bị tỷ lệ thương tật lên tới 55%.

Vụ án xảy ra vào đúng ngày 24/03/2015 khi làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đang tổ chức lễ hội đấu vật truyền thống diễn ra vào ngày này hàng năm. Chỉ vì một chút mâu thuẫn nhỏ giữa hai bên mà Nguyễn Đắc Minh đã cầm tuýp sắt vụt tới tới vào đầu ông Bình. Gây án xong, nhóm của Minh bỏ chạy, để lại người đàn ông ngoài 50 tuổi nằm gục xuống nền gạch.

Ông Bình lập tức được người thân đưa tới bệnh viện, tuy tính mạng được bảo toàn nhưng từ một con người khỏe mạnh, minh mẫn giờ đây ông gần như tàn phế khi không còn sáng suốt, sức khỏe bị giảm sút không thể đi lại bình thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm đó, bà Nguyễn Thị T. (vợ ông Bình) phản ứng khá gay gắt khi không đồng tình với bản án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt khi mà bị đưa ra xét xử chỉ có một mình bị cáo Minh, theo bà T., tòa cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm. Thêm nữa, gia đình bị hại cũng không đồng tình về mức án cũng như về mức bồi thường đối với bị cáo này.

Thế nhưng có lẽ điều khiến mọi người dự phiên tòa hôm đó thấy ấm lòng nhất khi mà đến phút chót, bà T. bất ngờ đề nghị với HĐXX không yêu cầu tăng mức bồi thường cũng như không yêu cầu tăng mức hình phạt đối với bị cáo Minh.

Điều duy nhất bà T. đề nghị HĐXX hãy nhìn nhận, đánh giá khách quan vụ án khi ngoài bị cáo Minh còn rất nhiều đối tượng khác lăm lăm hung khí nguy hiểm là dao và gậy cùng hùng hổ xông vào hành hung người thân của bà T..

Lý giải làm bà T. đã đưa ra quyết định thay đổi đột ngột ở phút áp chót, chính là do mẹ bị cáo Minh nom khắc khổ tiến lại gần vợ của bị hại, ngập ngừng mãi mới dám nắm lấy tay bà T. mong được tha thứ. Có lẽ phải “oằn mình” gánh khoản nợ gần 400 triệu đồng bồi thường cho gia đình bị hại như cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Minh đã là quá sức đối với gia cảnh khốn khó của những người làm nông như nhà bị cáo Minh, nếu bị tuyên phạt phải bồi thường mức tiền cao hơn nữa quả thực là một gánh nặng đối với những người ở lại.

Có lẽ, trước sự áy náy của một người mẹ mang tâm trạng “con dại cái mang” cùng những giọt nước mắt lã chã rơi từ đôi mắt nhiều nếp nhăn và mờ đục của mẹ bị cáo đã khiến bà T. động lòng trắc ẩn và trước tòa, người phụ nữ tội nghiệp này đã có nghĩa cử cao đẹp khiến nhiều người dự khán cũng như bị cáo đều phải phải rơm rớm.

Trong lời nói sau cùng, giọng Minh lí nhí xin lỗi gia đình bị hại. Kết quả cuối cùng, HĐXX phúc thẩm vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. Có lẽ so với phiên xử sơ thẩm, lần này, tâm trạng của cả hai bên không còn quá nặng nề và căng thẳng.

Vẫn có những vụ án khi mà các bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình, thì không chỉ HĐXX sẽ xem xét ra một bản án khoan hồng mà ngay cả những người bị hại cũng sẵn sàng tha thứ. Vì thế, câu nói “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” vẫn luôn được mọi người ghi nhớ và áp dụng.

Tư Viễn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-nguoi-chon-cong-duong-a219615.html