Tình người nồng hậu sưởi ấm những trái tim mồ côi nơi làng trẻ SOS


Thứ 3, 05/02/2019 | 08:00


Cùng sự kiện

Khi ngày Tết đang đến gần, nhà nhà sum họp, vẫn còn những số phận kém may mắn không có được niềm vui trọn vẹn. Đặc biệt là những đứa trẻ mồ côi trong làng trẻ SOS.

Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đang đến gần, trên mỗi con đường, góc phố dường như đều mang hơi thở của mùa xuân, nhà nhà háo hức mua sắm chuẩn bị sum họp ngày Tết. Nhưng đâu đó vẫn còn có những số phận kém may mắn không có được niềm vui trọn vẹn. Đặc biệt là những đứa trẻ mồ côi trong làng trẻ SOS. Với các em, ao ước duy nhất là được đón một cái Tết bình yên.

Người mẹ có 7 con

Chúng tôi ghé thăm nhà của mẹ Đinh Thị Tuyên (làng trẻ SOS Hà Nội) khi chị đang tất bật dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa trưa cho các con. Căn nhà nhỏ, đơn giản được bài trí gọn gàng nhưng ngăn nắp là tổ ấm của mẹ Tuyên và 7 người con. Cô con gái lớn đang học lớp 10 còn cậu út đang học lớp 3.

Chị Tuyên đã có 16 năm gắn bó với làng trẻ em SOS Hà Nội, trong đó có 12 năm làm dì và 4 năm xuống gia đình làm mẹ chăm sóc cho các con. Chị kể, khi mới về đây có muôn vàn khó khăn, khổ  cực. Nhất là việc làm quen với trẻ, vì các mẹ còn mới nên khó hòa nhập. Còn các con, khi mới gặp các mẹ cũng dè dặt, không dám thân thiện. Tuy nhiên, qua thời gian sống chung, bằng tình cảm chân thành, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, mẹ con càng xích lại gần nhau hơn, các con cũng bắt đầu chia sẻ với chị nhiều hơn. Đến thời điểm này, gần như ở trường lớp có chuyện gì, dù vui buồn, đúng sai,... bọn trẻ cũng sẽ tâm sự với chị đầu tiên.

Vào thời điểm sắp tiễn năm cũ, đón chào năm mới chị Tuyên trải lòng: “Tết ở đây bình thường như những nơi khác. Cũng dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, đi chợ sắm sanh đồ mới, nấu bánh chưng, cùng nhau đón Giao thừa, rồi đi chúc Tết các gia đình trong làng trẻ”.

Nói về các con, chị Tuyên có chút nghẹn ngào. Với chị, các con là niềm vui, là hạnh phúc, là động lực của người mẹ này. “Các con là những đứa trẻ mồ côi, có số phận đặc biệt. Tết là dịp để sum họp gia đình, các con kém may mắn, không được đoàn tụ với người thân, đáng thương lắm. Làm sao để chúng có được cảm giác ấm áp, thân thương trong những ngày Tết là điều mà tôi hay bất kỳ bà mẹ nào trong làng luôn trăn trở. Các con tôi, dù không nói ra nhưng tôi biết ở những khoảnh khắc bất chợt nào đó chúng cũng thấy chạnh lòng, thấy buồn vì không được như bao đứa trẻ ngoài kia. Nhưng tất cả cảm giác đó chỉ thoáng qua, khoảnh khắc cả nhà quây quần bên mâm cơm, chia sẻ cho nhau những câu chuyện trong cuộc sống, rồi đùa nghịch sẽ xua tan tất cả”.

Cả nhà cùng nhau vui đùa, nấu cơm

Những điều ước giản dị

Như bao đứa trẻ khác, trẻ mồ côi cũng có những mơ ước của riêng mình. Em Vy (15 tuổi) tuổi) chia sẻ: “Em chỉ mong có một cái Tết thật vui vẻ, yên bình. Cầu mong mọi người ở đây đều vui vẻ, mạnh  khỏe và hạnh phúc”. Còn những em khác, có những em ước có quần áo mới, có cặp tóc hình công chúa, có ba lô người nhện...

Có em ngồi trầm tư không nói nên lời, khi PV hỏi, em bật khóc và nói: “Em không ước quần áo mới, em không muốn kẹo ngon... Em chỉ ước được sà vào lòng bố mẹ và cầu chúc năm mới. Em mong muốn được bố thơm vào trán và tặng lì xì”. Nghe tới đây, ai cũng nghẹn ngào, còn các em nắm chặt tay nhau như mong muốn giữ mãi khoảnh khắc này.

Có những em trưởng thành hơn thì mơ ước lớn lao hơn. Em Đức (14 tuổi) chia sẻ: "Em rất thích bóng rổ. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một tay bóng rổ chuyên nghiệp. Mơ được thi đấu tại các giải đấu lớn với màu áo Tổ quốc, mang vinh quang về cho đất nước giống như những cầu thủ bóng đá của đội tuyển quốc gia Việt Nam”.

Đức tâm sự: "Lý do em muốn trở thành tay bóng rổ chuyên nghiệp là vì em đam mê trò chơi này từ rất lâu rồi. Khi được xem những trận bóng rổ trên tivi, em luôn ao ước được một lần chạy trên sân, được ném bóng vào rổ, được nghe những tiếng reo hò, cổ vũ động viên của khán giả. Và được thi đấu trong  màu áo của đội tuyển quốc gia, đó là một điều hết sức tự hào. Hy vọng, ước mơ của em sẽ có ngày trở thành hiện thực”. R

ồi cũng có những ước mơ rất bình dị, giản đơn. Em Lan (15 tuổi) chia sẻ: “Em chỉ muốn học thật giỏi, sau này sẽ được vào làm việc tại một công ty lớn, kiếm được nhiều tiền. Để có thể lo cho mẹ, cho các em trong gia đình và mang lại cho bản thân một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Nói về ước mơ của mình, bé Thanh (8 tuổi) vô tư và hồn nhiên bày tỏ: "Điều mơ ước lớn nhất của con là mong cho các mẹ, các dì và các cô chú ở làng trẻ luôn vui vẻ và hạnh phúc để có thể ở bên chúng con. Con cũng mơ sau này lớn lên được làm cô giáo, được đi dạy để giúp đỡ nhiều trẻ em mồ côi khác được đi học, được vui chơi, được đến trường như con vậy”.

Tết tràn ngập yêu thương

Với những đứa trẻ bình thường, Tết là ngày chúng được sum họp, đi chơi chúc Tết ông bà, cha mẹ. Là ngày để chúng nũng nịu đòi quà, đòi lì xì năm mới... nhưng những đứa trẻ mồ côi lại không có được điều đó. Hiểu được sự cô đơn,  thiệt thòi của các em nên các bố, các mẹ, các dì ở đây đã tự tay mình chuẩn bị một cái Tết đầm ấm, ngập tràn tình yêu thương.

Gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết.

Theo lời mẹ Tuyên, vào những ngày trước Tết cả nhà sẽ cùng nhau dọn dẹp, thu xếp lại nhà cửa, cùng nhau nấu bánh chưng, đi chợ Tết và đón Giao thừa. Năm nào cũng thế, trong ánh lửa bập bùng bên nồi bánh chưng, mỗi thành viên trong gia đình sẽ kể những câu chuyện về cuộc sống, học tập trong suốt 1 năm qua. Mùi bánh chưng, tiếng cười nói râm ran bên cạnh tiếng lép bép của củi lửa như kéo không khí xuân về gần hơn dưới những mái nhà đặc biệt, nơi những đứa trẻ tuy không chung dòng máu nhưng lại thân thiết không khác gì anh em một nhà.

Bắt đầu từ chiều Mồng 1 Tết, khi các mẹ về quê ăn Tết sẽ dẫn theo đàn con của mình về chung vui. Nhiều anh chị lớn hơn có thể ở lại đi chúc Tết các gia đình trong làng, giao lưu văn nghệ, tổ chức những trò chơi xuân, hay ngồi quây quần bên bếp lửa hồng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với đại gia đình làng trẻ SOS trong năm mới. Chính điều này đã phần nào sưởi ấm tâm hồn những trẻ em bất hạnh đang sống ở nơi đây.

Chia tay làng trẻ SOS khi các em vừa đi học về, mâm cơm ấm nóng cũng đã được mẹ Tuyên chuẩn bị sẵn, cùng lời dặn dò chan chứa tình thương: “Các con đi rửa tay rồi ăn cơm” khiến ai nghe cũng thấy ấm lòng. Ngoài kia, cành đào, cành mai đã bung nụ khoe sắc,... Một mùa xuân ấm áp, yêu thương nữa lại về với ngôi làng đặc biệt này, đem lại cho những đứa trẻ nơi đây thêm niềm tin, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước.

Hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên với những ước mơ giản dị, mộc mạc vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi. Để những điều ước của các em được trở thành hiện thực, còn cần lắm những tấm lòng nhân ái, sự chung tay của cả cộng đồng.

Nguyệt Tú

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-nguoi-nong-hau-suoi-am-nhung-trai-tim-mo-coi-noi-lang-tre-sos-a260555.html