Từ vụ xử Phạm Công Danh: Quy định về sức khỏe của bị cáo trong phiên tòa


Thứ 6, 12/01/2018 | 02:29


Cùng sự kiện

Trong phiên xử đại án VNCB, nhiều bị cáo có sức khỏe yếu, liên tục phải chăm sóc y tế ngay tại tòa.

Trong phiên xử đại án VNCB, nhiều bị cáo có sức khỏe yếu, liên tục phải chăm sóc y tế ngay tại tòa.

Phạm Công Danh, Trầm Bê sức khỏe yếu khi ra tòa

TAND TP.HCM mở phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch hội đồng Tín dụng ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từ ngày 8/1. Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của ngân hàng này. 

HĐXX triệu tập 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng - bao gồm hàng loạt ngân hàng, công ty tham gia giao dịch số tiền được ông Danh và đồng phạm rút từ VNCB để trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân.

So với phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vào đầu năm 2017, bị cáo Phạm Công Danh gầy gò hơn nhiều. Luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cho rằng bệnh tim, cao huyết áp của ông Danh đang có chuyển biến xấu hơn so với phiên tòa lần trước. Tại phiên tòa này, bị cáo Danh than sức khỏe yếu, trí nhớ kém.

Luật sư Phạm Ngọc Trung - một trong ba người bào chữa cho ông Trầm Bê (SN 1959), cho biết trên báo Dân trí, hiện sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Tuy nhiên, khi được gặp gia đình và thời tiết Sài Gòn ấm, tinh thần ông ổn định, khá thoải mái trước phiên xét xử diễn ra vào ngày 8/1.

"Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, chúng tôi đã gửi bệnh án cho TAND TP.HCM, đề nghị để ông được ngồi trong quá trình xét xử", luật sư Trung cho hay.

Tin tức - Từ vụ xử Phạm Công Danh: Quy định về sức khỏe của bị cáo trong phiên tòa

Bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê.

Phân tích về trường hợp của người làm chứng cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, luật sư Vũ Quang Bá nêu: Theo quy định BLTTHS đối với người làm chứng cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, chỉ có người làm chứng mới có thể bị dẫn giải nếu cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử.

Việc dẫn giải sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 127, BLTTHS 2015. Ngoài ra, trường hợp người làm chứng từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị xem xét về tội từ chối khai báo theo quy định tại Điều 383, Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định BLTTHS việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải không được thực hiện đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, trên thực tế cơ chế buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại phiên tòa khó thực hiện do chưa có chế tài cưỡng chế. 

Trong trường hợp người làm chứng vắng mặt mà có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì cơ quan tiến hành tố tụng không được áp dụng biện pháp dẫn giải.

"Đối với việc ông Trần Bắc Hà do được tòa án triệu tập tham gia vụ án với 2 tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Do đó, trong trường hợp ông Hà vắng mặt với lý do đang bị bệnh ung thư gan, để có căn cứ cho việc vắng mặt tại tòa tránh việc bị áp dụng biện pháp dẫn giải, ông Hà cần có kết luận hoặc chỉ định bác sĩ liên quan đến việc không đủ điều kiện sức khỏe tham gia phiên tòa.

Nếu xét thấy việc vắng mặt của ông Hà sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án thì tùy từng trường hợp tòa án có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ ông Hà bình phục hoặc tòa án có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280, BLTTHS. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà có thể cung cấp lời khai bằng văn bản dựa trên nội dung tòa án cần làm rõ sau đó giao nộp cho tòa án, tòa án sẽ thực hiện việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định tại Điều 252, BLTTHS để làm căn cứ xét xử vụ án", thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá cho hay.

V.Hương 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-xu-pham-cong-danh-quy-dinh-ve-suc-khoe-cua-bi-cao-trong-phien-toa-a216124.html