Vì sao lại “xóa sổ” 1 trạm thu phí trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn?


Thứ 4, 30/05/2018 | 09:08


Cùng sự kiện

Nhà đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ 1 trạm thu phí trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, phương án này đã được Thủ tướng chấp thuận.

Nhà đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ 1 trạm thu phí trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, phương án này đã được Thủ tướng chấp thuận. Tuyến đường dài 105 km sẽ bắt đầu thu phí từ 0h ngày 1/6 tới đây.

Bắt đầu từ 0h ngày 1/6, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ vận hành trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn để hoàn vốn cho Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư trước đây, để đảm bảo phương án tài chính của dự án khả thi, ngoài các trạm thu giá kín (thu giá theo km sử dụng) trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư được quyền sử dụng hai trạm giá (hình thức thu hở) trên QL1, một trạm tại Km24+900 và một trạm tại Km93+160.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, theo phương án ban đầu của dự án tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800-Km106+500, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT được phép xây dựng 2 trạm thu phí.

BOT Bắc Giang – Lạng Sơn bỏ một trạm thu phí. Ảnh: Báo Đầu tư

Tuy nhiên, với việc đi lại trên một cung đường ngắn mà người dân phải hai lần chịu thu phí thì nhà đầu tư và chính quyền địa phương đều nhìn thấy bất cập nên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý để giảm đi 1 trạm. Giải pháp tuy có khó khăn cho phương án tài chính nhưng phù hợp với mong muốn của người dân và đảm bảo sự ổn định hoàn vốn của dự án hiện nay.

Còn theo ông Trần Phúc Tự - Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết, ban đầu, cũng có nhiều ý kiến cho rằng độ dài 105km hoàn toàn phù hợp cho việc đặt hai trạm thu phí (trước có quy định hai trạm không được cách nhau dưới 70km), nhưng lãnh đạo Công ty vẫn cương quyết đồng thuận với UBND tỉnh xóa bỏ 1 trạm.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, gồm hợp phần xây dựng đường cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 (dài 64km) và hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (dài 105km). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, được chính thức khởi công vào tháng 7/2015. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, dự án rơi vào tình trạng bế tắc, vỡ tiến độ do năng lực tài chính và quản lý yếu kém của các nhà đầu tư.

Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kêu gọi nhà đầu tư có năng lực “giải cứu” dự án. Qua đó, các nhà đầu đã thực hiện theo phương án mua lại Công ty cổ phần Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh các nhà đầu tư cũ) để đáp ứng năng lực tài chính và đảm bảo tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý. Đồng thời, “chiêu nạp” thêm các cổ đông chiến lược như Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Thạch, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn…

Từ đó, liên danh nhà đầu tư cùng với doanh nghiệp dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tăng tốc và đã hoàn thành thi công hợp phần tăng cường 105km Quốc lộ 1 vào tháng 11/2017. Riêng hợp phần cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 hiện đang vào mùa thi công "cuốn chiếu" trên toàn tuyến, dự kiến sẽ về đích vào cuối năm 2019, đúng như cam kết với Chính phủ và UBND tỉnh Lạng Sơn.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-lai-xoa-so-1-tram-thu-phi-tren-cao-toc-bac-giang---lang-son-a231263.html