Vụ bị phạt vạ nửa tỷ vì sát hại người yêu mang thai: “Phép vua, lệ làng” cùng tồn tại?


Thứ 6, 31/08/2018 | 05:49


Cùng sự kiện

Theo luật tục, dù nghi phạm gây án đã bị cơ quan công an bắt giữ nhưng gia đình nghi phạm vẫn phải chịu phạt vạ hơn 500 triệu đồng.

Theo luật tục, dù nghi phạm gây án đã bị cơ quan công an bắt giữ nhưng gia đình nghi phạm vẫn phải chịu phạt vạ hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, họ còn phải đem 1 con bò, 4 con heo, 1 quan tài để lo mai táng cho nạn nhân.

Cha mẹ tất tả lo nộp vạ cho con trai giết người

Người dân sinh sống tại làng Ăng Le, xã Đăk Roong, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của chị V.. Sáng 24/8, nhiều người đi làm rẫy phát hiện xác chị V. trên ngọn cây nên tức tốc trình báo lên chính quyền địa phương. Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an xã đến bảo vệ hiện trường, đồng thời trình báo lên cơ quan Công an huyện Đắk Đoa.

Từ tin báo của người dân trong làng, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và xác định được nghi phạm liên quan đến vụ án mạng này chính là Dịu, người yêu của nạn nhân V..

Ngay lập tức, Dịu đã được mời lên cơ quan công an để phục vụ điều tra. Tại cơ quan công an, Dịu đã cúi đầu nhận tội. Dịu khai vào đêm 23/8, hắn cùng chị V. ra chòi tâm sự về chuyện cưới xin vì chị V. đang mang thai. Sau đó cả hai xảy ra mâu thuẫn. Đối tượng đã bóp cổ chị V. đến chết, dựng hiện trường giả, rồi điềm nhiên đi về. Hiện, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với nghi phạm Dịu để tiếp tục điều tra về hành vi giết người.

Nghi phạm Dịu và ngôi nhà tuềnh toàng.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hồ Sỹ Đại (51 tuổi, chủ quán tạp hóa tại làng Ăng Le) cho biết: “Trong thời gian sống tại địa phương, Dịu được cho là người hiền lành, lễ phép. Hàng ngày, Dịu đi làm rẫy hoặc đi làm đổi công cho anh em. Thỉnh thoảng nó có ghé quán tôi ăn nhậu nhưng không quá sa đà. Hôm xảy ra vụ án, Dịu có ngồi ở quán tôi nhậu cùng bạn bè đến 23h mới về. Tôi cũng không hiểu nó gây án vào lúc nào. Nghe tin nó bị bắt vì giết người, cả làng này ai cũng ngỡ ngàng”.

Trao đổi với PV, ông Pung (68 tuổi, cha Dịu) chia sẻ: "Mấy hôm nay vợ chồng tôi phải chạy ngược xuôi để lo nộp vạ cho nhà V.. Gia đình tôi bị gia đình nhà V. phạt vạ hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra còn phải đem 1 con bò, 4 con heo, 1 quan tài để lo mai táng cho V.. Tiền xây mộ nhà tôi cũng phải chịu. Giờ tôi không biết tìm đâu ra tiền để chịu phạt cho gia đình V...”.

Anh Pik (37 tuổi, Trưởng thôn Ăng Le) cho biết, theo luật làng từ xưa, nếu ai giết người sẽ bị phạt vạ là phải cõng quan tài người mình giết đem đi chôn, phải nộp trâu trắng, lợn béo cho gia đình bị hại.

“Theo quy định của pháp luật thì ai giết người sẽ phải đi tù nhưng theo lệ làng thì người thân của người phạm tội sẽ phải chịu phạt thay. Luật lệ của làng đã như vậy, không ai thay đổi được”, anh Pik nói.

Vấn đề đặt ra là việc dân làng Ăng Le phạt vạ gia đình người phạm tội liệu có phạm luật?

Được coi là một khoản bồi thường cho gia đình bị hại

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hùng, công ty Luật TNHH Poseidon Lawfirm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đánh giá: Ngoài chấp hành nghiêm luật pháp còn có những luật tục riêng dành cho thành viên buôn làng. Người vi phạm buộc phải thực hiện, nếu không sẽ bị dân làng tẩy chay. Tục phạt vạ là “tập quán pháp” do chính họ tạo ra, được truyền từ đời này sang đời khác để đảm bảo bình yên cho buôn làng, quy ước là sức mạnh của làng.

Theo luật sư Hùng, việc phạt vạ này không vi phạm pháp luật bởi đây được coi là một khoản bồi thường cho gia đình bị hại dùng vào việc mai táng cũng như bù đắp tổn thất tinh thần cho họ. Sau này, khi vụ án hình sự được đưa ra xét xử, bản án được tuyên, bên cạnh trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải thực hiện trách nhiệm dân sự. Về phần gia đình người phạm tội, việc đã bồi thường, khắc phục hậu quả qua việc phạt vạ này sẽ được khấu trừ vào phần trách nhiệm dân sự mà tòa án sẽ tuyên.

Có thể áp dụng tập quán để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Phân tích sâu về vấn đề này, thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá – công ty Luật TNHH Khải Hưng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Theo nguyên tắc suy đoán vô tội đã được Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 ghi nhận thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, mọi vấn đề có liên quan đến vụ án về trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) người bị buộc tội chỉ phải có nghĩa vụ thực hiện khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Luật sư Vũ Quang Bá.

Tuy nhiên, theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nếu bị can, bị cáo hoặc người thân thích chủ động bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015. Cần lưu ý rằng việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả giai đoạn này không mang tính bắt buộc, việc thực hiện trên cơ sở tính tự nguyện của bị can, bị cáo hoặc người thân thích bị can, bị cáo.

Theo luật sư Bá, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Thông thường, trong vụ án hình sự về tội Xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ bao gồm các khoản bồi thường như: Chi phí cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này và thiệt hại khác do luật quy định.

Luật sư Bá lưu ý: “Theo quy định tại Điều 5, Bộ luật Dân sự, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì có thể áp dụng tập quán, nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”. Tập quán có thể hiểu là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

“Do vậy, nếu quan hệ dân sự được pháp luật quy định nhưng nếu tập quán được các bên tự nguyện thực hiện, không vi phạm điều cấm và quy định pháp luật thì được ghi nhận. Nếu quan hệ dân sự đó đã được pháp luật quy định mà một trong các bên bị ép buộc, cưỡng ép thực hiện thì tập quán đó sẽ không được pháp luật ghi nhận áp dụng và không có giá trị buộc các bên phải thực hiện”, luật sư Bá nhấn mạnh.

Hồ Nam - Việt Hương

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-bi-phat-va-nua-ty-vi-sat-hai-nguoi-yeu-mang-thai-phep-vua-le-lang-cung-ton-tai-a242338.html