Vụ chạy thận khiến 8 người tử vong: Người nhà cầu cứu Bộ trưởng Y tế


Thứ 3, 28/11/2017 | 09:37


Cùng sự kiện

Liên quan đến vụ tai biến khi chạy thận tại BVĐK Hòa Bình, mới đây gia đình các nạn nhân đã gửi đơn tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu làm rõ 4 vấn đề

Liên quan đến vụ tai biến khi chạy thận tại BVĐK Hòa Bình, mới đây gia đình các nạn nhân đã gửi đơn tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu làm rõ 4 vấn đề liên quan đến sự cố này.

8 gia đình nạn nhân trong vụ chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình gửi đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Y tế cùng cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017 khiến 8 người tử vong, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có thực hiện đúng quy trình chạy thận nhân tạo do Bộ Y tế ban hành không? Hay do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm không giám sát chặt chẽ trong quá trình bảo trì hệ thống lọc nước RO của bệnh viện.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thời điểm đó.

Gia đình các nạn nhân cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn - đơn vị cung ứng thiết bị chạy thận.

Trách nhiệm của công ty xử lý nước Trâm Anh - đơn vị xử lý hệ thống nước RO trước khi xảy ra tai biến.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - nơi xảy ra sự cố. Ảnh: báo VOV

Cũng trong đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện gia đình các nạn nhân cho rằng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đang cố kéo dài thời gian và không thành thật trong việc bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Cụ thể, bệnh viện nói đã thông báo với Sở Tài chính văn bản về việc không bồi thường trực tiếp được mà phải ra tòa, chờ tòa xử lý. Tuy nhiên khi người nhà đến làm việc với Sở Tài chính Hòa Bình thì họ cho rằng không nhận được bất cứ báo cáo nào của bệnh viện. Tiền đền bù là của bệnh viện không phải ngân sách nên Sở Tài chính không quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Trung - người hỗ trợ pháp lý cho gia đình các nạn nhân cho biết, theo Điều 76 của Luật khám chữa bệnh trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân là nghĩa vụ của bệnh viện. Theo Luật sư, theo quy định đối với những trường hợp "tai biến" trong y khoa đều được bồi thường bảo hiểm, nhưng bệnh viện đã không thực hiện mua bảo hiểm đối với những trường hợp 8 nạn nhân chạy thận tử vong.

Trước đó, trả lời VTC News về việc bồi thường cho các nạn nhân chết khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nói: Bộ Y tế không có chức năng hướng dẫn vấn đề này, bồi thường phải theo quy định pháp luật. Ông Quang cho biết, phải đợi kết luật cuối cùng của tòa án sau khi có kết quả của cơ quan điều tra, từ đó mới có phán quyết về bồi thường cụ thể cho hợp tình hợp lý.

Theo ông Quang, phải hiểu rõ, phân biệt rõ giữa bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và việc hỗ trợ đền bù dựa trên thỏa thuận hai bên.

Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận sẽ phải chờ kết luận cuối cùng từ phía tòa án để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai, mức độ bồi thường thiệt hại là bao nhiêu.

Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong, 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị và hiện sức khỏe đã hồi phục.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị cách chức từ ngày 9/8. Một số người liên quan đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình áp dụng các biện pháp tố tụng sau khi khởi tố vụ án.

Hoàng Giang (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chay-than-khien-8-nguoi-tu-vong-nguoi-nha-cau-cuu-bo-truong-y-te-a211038.html