+Aa-
    Zalo

    TP. HCM: Nở rộ dự án BĐS "bán lúa non", khách hàng cẩn trọng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiêu bài quen thuộc được đơn vị bán hàng sử dụng là quảng cáo rình rang, mở bán rầm rộ như bình thường, và những kiểu bán này thường nấp bóng dưới nhiều hình thức khác

    Chưa đủ điều kiện để được phép mở bán nhưng nhiều dự án vẫn được Chủ đầu tư rao bán cho khách dưới hình thức giới thiệu và ký kết hợp đồng giữ chỗ, góp vốn... Tuy nhiên, khi quyết định mua nhà tại các dự án này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

    Vẽ ra hàng loạt tiện ích "trên giấy"
     
    Hoạt động mua bán bất động sản trên thị trường trong những năm gần đây diễn ra hết sức sôi động do nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng cao. Đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
     
    Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các chủ đầu tư đã "mạnh dạn" đầu tư vào các dự án bất động sản để bán, kinh doanh cho thuê. Từ đó dẫn đến tình trạng "thiếu vốn, đói vốn" của các chủ đầu tư là điều thiết yếu.
     
    Do đó, tại nhiều dự án bất động sản, mặc dù chưa đủ điều kiện mở bán theo đúng quy định của pháp luật, chưa được pháp luật cho phép nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành bán nhà bằng cách nhận đặt cọc, giữ chỗ trước khi khách hàng chính thức ký hợp đồng mua bán.
     
    Chiêu bài quen thuộc được đơn vị bán hàng sử dụng là quảng cáo rình rang, mở bán rầm rộ như bình thường, và những kiểu bán này thường nấp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, như hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn, hợp đồng giữ chỗ... để kéo hàng trăm khách hàng mang tiền vào "ma trận" do mình đặt ra.
     
    Dù chỉ là bãi đất trống, chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng các Chủ đầu tư đã "vẽ" ra hàng loạt các tiện ích "trên giấy" rồi tiến hành thu tiền, huy động vốn trái phép từ khách hàng.

    Đơn cử như tại dự án Fresca Riverside - do Sea Holdings làm chủ đầu tư, ngay sau khi công bố mở bán đã "đắt như tôm tươi". Khách hàng chen chân đến "đặt chỗ" đến ngộp thở. Thế nhưng, như một thực trạng, hầu hết người mua ở các dự án này lại không đủ cơ sở để tìm hiểu để về sự minh bạch cũng như tính pháp lý của dự án mà chỉ nghe qua lời quảng cáo.

    Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại dự án Fresca Riverside vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, một vài máy móc và thiết bị xây dựng được bày bừa ngổn ngang. Dự án được bao quanh bởi những biển quảng cáo, chưa có dấu hiệu thi công.

    Tuy nhiên, để "chào mời" khách hàng, các nhân viên sale tại dự án này không ngần ngại vẽ ra hàng loạt tiện ích "trên giấy".

    Tương tự, tại dự án Green City (tọa lạc tại mặt tiền đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM) do Nam Khang Group làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Green Real là đơn vị phát triển dự án. Dù dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chưa đủ điều kiện để được phép đưa vào kinh doanh nhưng Chủ đầu tư vẫn "tiếp tay" cho các sàn huy động vốn một cách trái quy định.

    Cụ thể, trong vai khách hàng, PV liên hệ với một nhân viên tư vấn theo số điện thoại trên mạng, nhân viên tự giới thiệu tên là H. thuộc công ty Green Real, tư vấn: "hiện dự án Green City đang tiến hành nhận cọc giữ chỗ với giá mỗi nền là 100 triệu. Green City do Nam Khang Group làm chủ đầu tư, công ty này có nhiều dự án lớn nên uy tín lắm ạ. Hiện tại, cơ sở hạ tầng đang tiến hành thi công. Vì chưa xong cơ sơ hạ tầng nên giá mới rẻ vậy chứ chờ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giá sẽ cao lắm, giờ mua đầu tư là là đảm bảo có lời".

    Cũng theo nhân viên H., hiện dự án đang xin pháp lý, phê duyệt 1/500 tới ngày 15/12 sẽ có nên khách hàng cư mạnh dạn xuống tiền không lo rủi ro. Hiện nay bên em đã nhận đặt chỗ gần hết rồi, không nhanh tay sẽ không Còn chỗ.

    Khi đến thực tế tại dự án thì không ai tin đây là dự án Green City (do Cty Nam Khang làm chủ đầu tư) như lời quảng cáo "mỹ miều" của các nhân viên tư vấn.

    Rao bán rầm rộ, ngang nhiên nhận tiền từ khách hàng, thế nhưng theo ghi nhận thực tế, hiện dự án vẫn là bãi đất trống, bùn lầy và cỏ mọc khắp nơi. Bên ngoài dự án không có bảng hiệu tên dự án. Nếu nhìn vào không ai biết đây là dự án Green City như quảng cáo và đang rầm rộ nhận tiền từ khách hàng.

    Dự án Căn hộ 152 Điện Biên Phủ (thuộc phường 25, quận Bình Thạnh) do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) làm chủ đầu tư cũng không khác gì. Dù mới chỉ "túc tắc" thi công móng nhưng chủ đầu tư này đã rầm rộ giới thiệu dự án ra thị trường.

    Không những thế, CII còn bị khách hàng phản ánh đang "tiếp tay" cho hàng loạt sàn môi giới tiến hành thu tiền của hàng trăm khách hàng dưới "vỏ bọc" các hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng vay vốn…
     
    Tìm hiểu của PV, dự án Căn hộ 152 Điện Biên Phủ được giao cho công ty Cổ phần Dịch Vụ Nhịp Cầu Địa Ốc làm đơn vị phân phối độc quyền. Để "dụ" khách hàng, đơn vị phân phối này không ngần ngại sử dụng hàng loạt "mỹ từ" khi quảng cáo về dự án.

    Chưa dừng lại tại đó, Cty Nhịp Cầu Địa Ốc còn ngang nhiên nhận hàng tỉ đồng vốn trái phép của khách hàng dưới hình thức "hợp đồng vay vốn"…. dù đến nay dự án vẫn chưa đủ điều kiện để được phép đưa vào kinh doanh.

    Dự án Căn hộ 152 Điện Biên Phủ mới chỉ "túc tắc" thi công móng nhưng sàn giao dịch Nhịp Cầu Địa Ốc đã tiến hành thu hàng tỉ đồng từ khách hàng.


    Ngoài ra, dự án căn hộ chung cư Bcons - Suối Tiên (đường Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do Công ty cổ phần địa ốc BCONS (Công ty BCONS) làm chủ đầu tư cũng đang đứng trước nghi vấn "cầm đèn chạy trước ô tô" khi liên tục rao bán, nhận tiền từ khách hàng dù dự án vẫn chưa được Sở Xây Dựng tỉnh Bình Dương cho phép.

    Theo quảng cáo, dự án Bcons - Suối Tiên có quy mô 5.875m2, với 2 block cao 20 tầng, có 2 tầng hầm, tổng số căn hộ là 655 căn.

    Dự án đã mở bán giai đoạn 1 từ ngày 29/9 và hiện nay khách đã đặt cọc hết. Đến ngày 30/10 chủ đầu tư tiếp tục mở bán giai đoạn 2. Tuy nhiên, mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lại có văn bản số 3305/SXD-QLN, trả lời khách hàng tìm hiểu về pháp lý dự án Bcons - Suối Tiên, trong đó nêu rõ hiện dự án Bcons- Suối Tiên vẫn chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ.
     
    Cụ thể, Chung cư Bcons - Suối Tiên tại khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa thị xã Dĩ An do Công ty BCONS làm chủ đầu tư, đến nay mới chỉ được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỉ lệ 1/500, theo Quyết định số 4006/QĐ-UBND ngày 21/9/2018 của UBND thị xã Dĩ An.
     
    Như vậy, việc chủ đầu tư Công ty BCONS tiến hành nhận tiền khách hàng dưới hình thức đặt cọc giữ chỗ là trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Hơn thế nữa, dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng Công ty BCONS đã cho tiến hành ép cọc thử tải…là trái với quy định pháp luật.
     
    Khách hàng "ôm bom" nổ chậm!
     
    Nói về những sai phạm trong việc chưa đủ điều kiện vẫn rao bán, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Phó Giám đốc Công ty Luật TAT Law Firm (quận 1, TP.HCM) cho biết, theo Luật Kinh doanh bất động sản, dự án chung cư chỉ được chấp thuận đủ điều kiện bán khi làm xong móng, xong cơ sở hạ tầng. Đồng thời, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
     
    Vậy nên, dự án vẫn chưa hoàn thiện các yêu cầu trên mà rao bán, huy động tiền của khách hàng là sai luật.

    "Hiện nay, trên thị trường BĐS Việt Nam, khi triển khai các dự án hàng nghìn tỷ thì không có mấy chủ đầu tư sẵn tiềm lực tài chính để triển khai các dự án lớn như vậy, con số làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, các chủ đầu tư cố tình lách luật để huy động vốn bất chấp pháp luật.
     
    Thế nên, hiện tại có rất nhiều rủi ro cho người mua nhà. Đó là dự án không được triển khai, dự án bị thu hồi, hoặc phổ biến nhất là dự án chậm tiến độ. Tất cả thiệt hại đổ lên vai khách hàng, lúc này khách hàng đã bị đẩy vào thế... đã rồi", bà Thảo nhấn mạnh.

    Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện luật Kinh doanh BĐS không cấm chuyện chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ mua BĐS, nên doanh nghiệp thực hiện việc này theo luật dân sự, dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa hai bên. Luật dân sự cũng không quy định đặt cọc là bao nhiêu, nên thực tế khi giao dịch nhà phố, khách hàng thường đặt cọc từ 2 - 10% còn căn hộ, biệt thự có khi lên đến 30% tổng giá trị.

    Những điều luật về kinh doanh bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai đã quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, để huy động được vốn, dường như chủ đầu tư đã "quên" những điều luật này. Và khi xảy ra rủi ro, người chịu "trái đắng" luôn là khách hàng.

    "Ở đây cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước, người mua nhà, đầu tư thứ cấp cần tìm hiểu kỹ về uy tín của chủ đầu tư, pháp lý dự án và đặc biệt là hợp đồng ký kết với bên bán nhà để hạn chế rủi ro" - ông Châu nói. 
     
    Hải Bình
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tp-hcm-no-ro-du-an-bds-ban-lua-non-khach-hang-can-trong-a254033.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan