+Aa-
    Zalo

    Tranh cãi về “hợp thức hoá bến cóc”nếu tiện cho người dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại cuộc hội thảo “Giải pháp chống xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP.HCM, đại diện lực lượng thanh tra vận tải cho rằng hoạt động “xe dù, bến cóc” ngày càng phức tạp.

    (ĐSPL) - Trước thực trạng nạn “bến cóc, xe dù” tại TP.HCM diễn biến ngày càng phức tạp, tại cuộc hội thảo "Giải pháp chống xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP.HCM có ý kiến cho rằng nếu “tổ chức các điểm đón trả khách và giao cho chính quyền địa phương quản lý(?!) lúc ấy từ “bến cóc” sẽ bị loại ra khỏi từ điển ngay”?!

    Có ý kiến cho rằng, ý tưởng này chẳng khác gì “thoả hiệp” với nạn “xe dù, bến cóc” và đó là “hợp thức hoá bến cóc”. Xung quanh vấn đề này, để rộng đường dư luận PV báo ĐS&PL đã trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà quản lý và chính người được xem là chủ nhân của ý tưởng trên.

    Ám ảnh “xe dù, bến cóc”

    Tình trạng “xe dù, bến cóc” đang ngày càng diễn biến tinh vi tại TP.HCM. (Ảnh Internet).

    Cụm từ “xe dù, bến cóc” bấy lâu nay là nỗi ám ảnh với đông đảo người dân cả nước, khi phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là xe khách. Chia sẻ với PV, chị Lê Phương Thảo, nhân viên một tổ chức phi Chính phủ kể lại câu chuyện về chuyến đi vạ vật của mình từ Vũng Tàu về TP.HCM.

    Chị Thảo kể lại, 6h sáng, chị ra ngã ba Chí Linh đón xe để kịp lịch hẹn. Hơn 7h chị mới thấy qua địa phận Bà Rịa. Khi thấy xe chạy lòng vòng bắt khách, chị ý kiến thì phụ xe xẵng giọng “Đi thì đi, không thì xuống!”. Sợ muộn giờ, chị lại cố kìm nén. Đến Đồng Nai, chiếc xe này lại dừng “bán” khách cho một xe khác.

    Tại cuộc hội thảo “Giải pháp chống xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP.HCM, đại diện lực lượng thanh tra vận tải cho rằng hoạt động “xe dù, bến cóc” ngày càng phức tạp, tinh vi. Nhiều phương tiện đội lốt danh nghĩa vận tải hành khách nhưng lại có thêm phù hiệu vận chuyển khách du lịch để được đón trả khách ở nhiều nơi.

    Phát biểu tại hội thảo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, để giải quyết tận gốc tình trạng "xe dù, bến cóc", TP.HCM và các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch các bến xe; xác định, công bố, tổ chức quản lý các điểm đón trả khách cho các xe cố định trên toàn địa bàn.

    TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.

    "Nhiều người cho rằng như thế sẽ hợp thức hóa “bến cóc”. Nhưng chúng ta phải xác định tại những vị trí thuận tiện cho khách hàng mà có điều kiện kết cấu hạ tầng phù hợp, chúng ta cần phải xem xét, chuyển các “bến cóc” đó thành điểm đón khách”, cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời ông Hùng phát biểu tại hội thảo.

    Theo một chuyên gia giao thông (đề nghị không nêu tên) với khái niệm “bến cóc” được hiểu như hiện nay thì rõ ràng việc cho phép đón trả khách ở những nơi chưa được phê duyệt là “hợp thức hoá “bến cóc””. Và chẳng có nơi nào trên thế giới đi hợp thức hóa “bến cóc” cả. Đó là một sự thừa nhận cho sự bất lực trong quản lý và quy hoạch đô thị. Bến xe luôn là địa điểm được quy hoạch cố định, vấn đề là phải đặt đúng chỗ và phải xử lý nghiêm những người vi phạm.

    Những luồng ý kiến trái chiều

    PGS.TS, NGƯT Nguyễn Văn Thụ, nguyên Giám đốc trung tâm Tư vấn Phát triển Giao thông vận tải cho rằng: “Thực tế có nhiều bất cập trong việc sắp xếp bến xe hiện nay. Rõ ràng, với các khu vực, điểm tập trung nhiều hành khách và có sẵn cơ sở hạ tầng phù hợp thì nên có điểm đón trả khách thuận tiện cho người dân.

    Tuy nhiên, các điểm này chỉ nên nằm ở vành đai chứ không nên ở trong nội đô. “Cho phép cắm biển và phải có điểm bán vé để kiểm soát số lượng, chất lượng, thời gian dừng đỗ chỉ khoảng vài phút”, PGS.TS Thụ cho biết.

    TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng viện Quy hoạch & Quản lý GTVT cho rằng, xét dưới góc độ quản lý, tại sao phải thành lập bến xe trong khi nhu cầu người dân muốn ra đường vẫy cái là có xe lên luôn?

    Trong yêu cầu quản lý giao thông, cũng đâu có cho phép loại đường nào cũng cho tất cả các loại xe chạy được. Người ta phải phân làn, phân luồng, phân tuyến mới đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đây là lý do tại sao phải thành lập bến xe theo các hướng. Về phía hành khách, người ta thấy phải đi một đoạn đường dài để đến bến xe là bất tiện!

    Doanh nghiệp vận tải cũng muốn xếp đủ khách ngay từ trong thành phố, càng chạy lòng vòng trong thành phố thì càng bắt khách được nhiều. Làm sao vừa đảm bảo hiệu quả quản lý giao thông đô thị, vừa đảm bảo được doanh thu cho doanh nghiệp vận tải là bài toán cần giải quyết.

    “Nhà nước đang có một quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh. Theo đó, sẽ có tính toán cụ thể, bao nhiêu tuyến giữa địa phương này và địa phương khác. Ví dụ như TP.HCM, TP.Hà Nội có bao nhiêu bến xe, bấy nhiêu nhu cầu thì kết nối tuyến nào với bến xe nào để đảm bảo tránh việc xe khách chạy lòng vòng trong đô thị, giảm lưu lượng chạy xe vô ích. Khi có quy hoạch Vận tải hành khách liên tỉnh cấp Quốc gia, các địa phương phải bố trí các bến xe, tuyến xe cho phù hợp. Trong sơ đồ tổ chức giao thông thành phố, người ta cũng yêu cầu xem xét xe khách được chạy trục đường nào. Với quy hoạch này, tình trạng “xe dù bến cóc” có thể được giải quyết trong tương lai”, TS.Bình cho biết.

    Mặt khác, theo một chuyên gia giao thông, không nên khơi mào việc hợp lý hoá “bến cóc” trong bất cứ trường hợp nào. Các xe khách buộc phải vào bến để đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông đô thị, tránh ùn tắc. Thực tế, ngay các xe khách vào bến mà việc quản lý giá, chất lượng... còn khó, vậy việc quản lý xe khách ở “bến cóc” làm sao có thể khẳng định không nảy sinh vấn đề?

    Đặc biệt là ai sẽ quản lý “bến xe cóc” này? Ở các thành phố lớn, từng mét vuông đất đều đã có quy hoạch, vậy một “bến cóc” do chiếm dụng, không quy hoạch, ai sẽ quản lý? Vấn đề khai thác, doanh thu ra sao, chất lượng dịch vụ ra sao hay lại là mảnh đất màu mỡ cho xã hội đen, bảo kê phát triển? Và cũng không có tiêu chuẩn của “bến cóc”.

    Trung uý Lê Anh Tới, đội CSGT số 5, phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, theo quy định tại điểm d, e khoản 5, Điều 23 Nghị định số 171/2013 NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt,những trường hợp vi phạm đón trả khách không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng và còn áp dụng hình thức phạt bổ sung tước GPLX một tháng.

    Với lỗi vi phạm chạy xe không đúng tuyến, lịch trình, hành trình vận tải theo quy định của NĐ 107/2014 sẽ bị phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng và tước GPLX 2 tháng. Trung uý Lê Anh Tới cũng khuyến cáo, đối với hành khách có nhu cầu đi xe ô tô khách hãy đến điểm bắt xe hoặc vào bến xe để đảm bảo quyền lợi cho chính mình và cũng là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên đường.

    Chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì gọi là “bến cóc”

    Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, khái niệm “bến cóc”, “xe dù” xuất hiện từ sau năm 1975. Theo đó, những điểm đón, trả khách chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì gọi là “bến cóc”; xe kinh doanh ở những nơi này (dù có đăng ký hay không) đều gọi là “xe dù”!

    Có hay không chuyện ông nói gà, bà nói vịt?

    Điều đáng nói, để rộng đường dư luận PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, tuy nhiên ông này lại cho rằng “có hiểu nhầm về phát biểu của ông tại hội thảo”?! Đây có thể xem là bất ngờ vào phút 89 khi PV báo ĐS&PL thực hiện bài viết này.

    Ông Hùng khẳng định lại: “Hiện nay trong quy định pháp luật đã có quy định xác định và công bố các điểm đón trả khách cho các tuyến cố định tại Thông tư 63 đã cho phép cắm các biển báo, bố trí các điểm đón trả khách dọc đường, tại sao TP.HCM không làm? Bản chất là phải thực hiện quy định pháp luật, phải công bố điểm đón trả khách và phải phù hợp với nhu cầu của người dân.

    Tôi ví dụ như điểm Suối Tiên, nhu cầu người dân đi về phía Đông, đi về Bình Dương thay vì để người dân phải vào bến xe đi hai chục cây, đi ngược ra hai chục cây, Nhà nước quy định phải có những điểm đón trả khách cho các tuyến đấy. Những điểm phù hợp với nhu cầu người dân thì nên công bố và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, chống bảo kê…”.

    ĐỖ THƠM

    Xem thêm video:[mecloud]sjimroWsMm[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-cai-ve-hop-thuc-hoa-ben-cocneu-tien-cho-nguoi-dan-a96389.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.