+Aa-
    Zalo

    Trẻ bị khản tiếng nguy hiểm không kém viêm phổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bé bị khản tiếng kèm theo hiện tượng khò khè cha mẹ đừng chủ quan , đó là dấu hiệu của viêm thanh quản cấp, khi đó dây thanh quản có nguy cơ phù nề, khiến bé khó thở.

    Khi bé bị khản tiếng kèm theo hiện tượng khò khè, cha mẹ đừng chủ quan, đó là dấu hiệu của viêm thanh quản cấp, khi đó dây thanh quản có nguy cơ phù nề, bít tắc khiến bé khó thở, tím tái.


    Khi trẻ có dấu hiệu khản tiếng cần đưa đi khám ngay. Ảnh: minh họa

    PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết ông vẫn nhớ như in một trường hợp bé trai 5 tuổi (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào khoa cấp cứu vì khó thở dịp đầu năm. Khi vào viện, bé đã ngưng thở, toàn thân tím tái, hôn mê… dù người nhà đã đưa ngay vào viện cấp cứu (chỉ hơn 10 phút) ngay khi có cơn khó thở cấp.

    Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó mấy ngày, bé có biểu hiện sốt nhẹ, ho khan, khản tiếng. Nghĩ con chỉ bị viêm họng thông thường như mọi lần, nên gia đình tự mua kháng sinh về cho bé uống. Sang ngày uống thuốc thứ 3, bé đột nhiên sốt cao, nhịp thở tăng nhanh, dồn dập, khó thở.

    Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải mở khí quản, bóp bóng rồi thở máy mà bệnh nhân vẫn tím tái. Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm thanh quản tắc nghẽn gây ngưng thở và kèm theo bị viêm phổi.

    Tương tự một trường hợp khác là bé trai 3 tuổi, con chị Thu Trang ở Phúc La, Hà Đông. Sau một hồi gào khóc đòi cha mẹ cho đi mua đồ chơi, đêm đến, bé khản tiếng. Đến sáng hôm sau, con vẫn khản đặc giọng, lại có đờm khò khè. Do phải đi làm nên chị quyết định chiều về sẽ cho con đi khám.

    Không ngờ đến trưa, cô giáo gọi điện báo bé có biểu hiện như sặc, có đờm trong họng mà không khạc ra được. Khi nhập viện, bé được đặt khí dung và tiêm kháng sinh ngay do viêm thanh quản cấp gây phù nề thanh quản.

    Qua hai trường hợp trên PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời cảnh báo: “Viêm thanh quản là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Thường bệnh nhi chỉ bị khản giọng, còn viêm thanh quản cấp, gây tắc nghẽn đường thở thì ít gặp hơn nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, phải cấp cứu kịp thời mới có thể cứu sống bệnh nhân. Do bị bít tắc đường thở tại các điểm phù nề trên thanh quản nên bé khó thở, nếu không kịp cung cấp ô-xy, bệnh nhi có thể bị thiếu ô-xy não, gây ảnh hưởng đến não, thậm chí tử vong”.

    Viêm thanh quản xảy ra ở những người sử dụng giọng nói nhiều. Còn ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến là do viêm nhiễm ở đường mũi họng không được điều trị. Ngoài ra, những trẻ hay la hét, hét to, khóc to cũng làm dây thanh quản căng lên, có thể gây viêm thanh quản, thậm chí có thể chảy máu thanh quản.

    Nguy hiểm ở chỗ, khi mới bị viêm thanh quản, người bệnh không có biểu hiện khó thở mà chỉ bị khàn giọng nên đa phần mọi người đều chủ quan không đi khám.

    Ở trẻ em bệnh diễn biến rất nhanh vừa buổi tối thấy khàn giọng, thì đến đêm thanh quản đã phù nề khiến bé không thể ngủ, quấy khóc.

    Vì vậy khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, rồi lại bị khản giọng, cần nhanh chóng đưa bé đi khám, điều trị kịp thời, tránh lơ là, chủ quan để phòng những nguy cơ đáng tiếc xảy ra cho trẻ.

    Thảo Minh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tre-bi-khan-tieng-nguy-hiem-khong-kem-viem-phoi-a236074.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan