+Aa-
    Zalo

    Triều Tiên, vũ khí hạt nhân và luật pháp quốc tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang từng ngày khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa liên tục cũng như thử nghiệm vũ khí hạt nhân gây hoang mang...

    Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang từng ngày khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa liên tục cũng như thử nghiệm vũ khí hạt nhân gây hoang mang cho cộng đồng quốc tế.

    Trước những hành động này, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khẳng định các hành động của chính quyền ông Kim Jong-un gây ảnh hưởng đến nền hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng lại đưa ra cáo buộc Washington đang ấp ủ âm mưu tiến hành một cuộc xâm lược.

    Có thể nói, bán đảo Triều Tiên đang bước vào một cuộc khủng hoảng thực sự, mọi thứ trở nên mong manh như “chỉ mành treo chuông”. Dĩ nhiên, trách nhiệm giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thuộc về các bên liên quan, nhìn nhận ở khía cạnh luật pháp quốc tế cũng có các tình huống đáng quan tâm.

    Hình ảnh tên lửa rời bệ phóng hôm 21/5/2017 - Ảnh: Reuters.

    Trước hết, cần phải xem xét căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên trong “chuỗi phản ứng” của lịch sử thế giới hiện đại. Kể từ đầu những năm 1990, Triều Tiên đã bắt đầu phát triển công nghệ tên lửa tầm xa, có khả năng cung cấp đầu đạn hạt nhân. Tên lửa Nodong đã thử thành công có tầm hoạt động ít nhất 1.000km - đủ xa để tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản, một phần của Nga và miền Bắc Trung Quốc.

    Vào tháng 10/2006, Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên. Một cuộc thử nghiệm lần thứ 2 đã được tiến hành 3 năm sau đó. Tính đến nay, Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân tổng cộng 6 lần, lần gần đây nhất là ngày 3/9/2017. Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đặt ra câu hỏi rằng Triều Tiên dùng lý do nào để phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế? Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những quyền hạn nào có thể sử dụng để kiềm chế Bình Nhưỡng? Và cuối cùng, một quốc gia khác (như Mỹ, Hàn Quốc...) có thể tấn công Triều Tiên khi căng thẳng phát triển đến một mức độ không thể kiểm soát được hay không?

    Chủ quyền quốc gia

    Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 cho thấy, một trong những “ràng buộc” cụ thể được cộng đồng quốc tế nêu rõ. Hiệp ước này không cho phép các quốc gia tiến hành bất kỳ vụ thử vũ khí hạt nhân nào trong bầu khí quyển, vũ trụ hay dưới nước (ngoại trừ một số ít các quốc gia không phải là thành viên của NPT). Triều Tiên đã gia nhập vào năm 1985, nhưng sớm trở thành quốc gia duy nhất rút khỏi vào năm 2003.

    Hồi năm 1996, Toà án Công lý Quốc tế đã cung cấp cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc một ý kiến tư vấn để trả lời câu hỏi: "Hành động gây ra mối đe dọa hoặc sử dụng hạt nhân trong trường hợp nào thì được luật pháp quốc tế cho phép?”. Toà án đã trả lời rằng, việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân "nhìn chung là trái với các quy tắc của luật pháp quốc tế".

    Tuy nhiên, tòa cũng khẳng định, không thể kết luận dứt khoát về việc liệu hành vi đe dọa, hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân là hợp pháp, hay bất hợp pháp, trong tình huống cụ thể liên quan đến tự vệ. Có lẽ, Triều Tiên đang vin vào lý do “tự vệ” để nghiên cứu, phát triển tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

    Vũ khí hạt nhân và tự vệ

    Theo ý kiến tư vấn của Toà án Công lý Quốc tế, một quốc gia bất kỳ được phép đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ trong "tình huống tự vệ". Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng quy định các nghĩa vụ pháp lý của tất cả các quốc gia, ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

    Triều Tiên đã đe dọa sẽ thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực – hành động mà nước này đã cố gắng thực hiện trong chiến tranh liên Triều giai đoạn 1950- 1953. Ngăn chặn là khái niệm chỉ các hành động nhằm ngăn cản sự phát triển, tiếp diễn của một mối đe dọa trong tương lai, thường là không có thông tin chính xác về nơi và thời điểm cuộc tấn công có thể xảy ra.

    Triều Tiên cáo buộc các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc cũng như việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Do đó, Bình Nhưỡng thử tên lửa, vũ khí hạt nhân với lý do là nhằm ngăn chặn một “mối đe dọa tưởng tượng” mà không thực sự có thông tin xác thực.

    Quyền hạn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

    Tất cả các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo quy định phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý được nêu trong Hiến chương của cơ quan này. Triều Tiên là thành viên của Liên Hợp Quốc từ năm 1991 và đương nhiên quốc gia này phải thực thi các quy định. Điều 24, khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc nêu rõ, Hội đồng Bảo an có "trách nhiệm chính trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế", đồng thời cơ quan này hoạt động nhân danh tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc. Điều 39 quy định, Hội đồng Bảo an sẽ xác định sự tồn tại của bất kỳ mối đe dọa nào đối với hòa bình, vi phạm hòa bình, hoặc hành động hiếu chiến và sẽ đưa ra các khuyến nghị hoặc quyết định một số biện pháp duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.

    Theo Điều 41, "các biện pháp" có thể bao gồm những biện pháp "không liên quan đến việc sử dụng vũ lực". Hội đồng Bảo an cũng có thể ủy quyền cho các quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang để thực hiện các quyết định của mình theo Điều 39 (ví dụ như việc Iraq bị trục xuất khỏi Kuwait bởi lực lượng đa quốc gia do Hội đồng Bảo an ủy quyền năm 1991).

    Ngoài ra, Điều 25 của Hiến chương còn áp đặt nghĩa vụ đối với tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc buộc phải chấp nhận và thực hiện các quyết định của Hội đồng Bảo an.

    Cần lưu ý rằng, Hội đồng Bảo an không phải là cơ quan tư pháp mà là một cơ quan chính trị, giống như một cơ quan lập pháp trong nước. Cơ quan này có thể đưa ra những đánh giá chính sách về tình hình và thông qua các biện pháp có tính chất ràng buộc pháp lý để giải quyết vấn đề...

    Kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên hồi năm 2006, Hội đồng Bảo an đã không ngừng lên án, đưa ra các lệnh trừng phạt cũng như kêu gọi đối thoại, đàm phán. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như tất cả các Nghị quyết chưa thực sự có hiệu quả.

    Mỹ có thể tấn công trước rồi biện minh là vì “tự vệ” hay không?

    Một bài phân tích đăng trên Lawfare của tác giả Alexander J. Potcovaru – nhân viên tại viện Brookings, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại đại học Georgetown đã đề cập đến giả thiết Triều Tiên tiếp tục khiêu khích và Mỹ có hành động tấn công trước. Giả sử Washington chưa thực sự có bằng chứng rõ ràng chứng minh Bình Nhưỡng sắp tấn công, Mỹ vẫn có thể tiến hành các biện pháp dự đoán và phòng vệ. Tuyên bố đe dọa của Triều Tiên và những vụ thử nghiệm hạt nhân là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển công nghệ của nước này, chỉ ra một mối đe dọa thực sự đang nhanh chóng đến gần.

    Mỹ có thể sẽ lập luận rằng, sự phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và việc thu nhỏ tối đa đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên gây ra một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ cũng như toàn cầu. Washington cũng có thể tìm kiếm sự đồng thuận từ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong trường hợp đó, câu hỏi pháp lý về các biện pháp “phòng vệ hợp pháp” sẽ do Hội đồng Bảo an quyết định.

    Trên thực tế, cả Trung Quốc và Nga đều có thể “bất ngờ” đứng về phía Triều Tiên và quyền phủ quyết của họ đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an có thể ngăn chặn hành động của Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể dùng cách khác là, kiên quyết khẳng định Triều Tiên sắp gây ra một cuộc chiến, đồng thời sử dụng Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, khởi động một cuộc tấn công nhằm ngăn chặn mối nguy.

    Do đó, nếu muốn tấn công Triều Tiên trước, Mỹ có thể đưa ra một lập luận pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế nhưng các sự kiện lịch sử và hành vi của Washington có thể khiến quyết định của Hội đồng Bảo an trở nên khó dự đoán.

    GIA BẢO(Theo Lawfare, HK Lawyer, Asil, Aljazeera...)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trieu-tien-vu-khi-hat-nhan-va-luat-phap-quoc-te-a205000.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan