+Aa-
    Zalo

    Từ "sự cố" đường sắt trên cao: Ai sẽ giám sát... tư vấn giám sát?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thực tế cho thấy, việc gặp sự cố trong quá trình thi công không phải là chuyện hiếm gặp. Thế nhưng, người ta sẽ khó chấp nhận được việc sự cố đó xuất phát từ nguyên nhân chủ quan...

    (ĐSPL) - Thực tế cho thấy, việc gặp sự cố trong quá trình thi công không phải là chuyện hiếm gặp. Thế nhưng, người ta sẽ khó chấp nhận được việc sự cố đó xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là thói vô cảm với tính mạng của người dân.

    PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng để cùng mổ xẻ câu chuyện này.

    TS. Phạm Sỹ Liêm.

    Giám sát phải của chủ đầu tư

    Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho những sự cố của đơn vị thi công, nhưng người dân sẽ khó chấp nhận, bởi “lời hứa trách nhiệm" của "tư lệnh" ngành giao thông vẫn đang văng vẳng bên tai. Với sự cố mới nhất này, trách nhiệm sẽ được mổ xẻ thế nào, thưa ông?

    Với những công trình của Nhà nước, chất lượng hay sự cố xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Sau đó là trách nhiệm của đơn vị thiết kế có thiết kế đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hay không? (Liên quan đến sự cố vừa qua, theo quan điểm của tôi, lỗi ở đây không phải do bên thiết kế-PV). Thứ ba là trách nhiệm đơn vị thi công (tổng thầu và thầu phụ-PV). Và ở đây, thầu phụ chịu trách nhiệm về công trình, thầu chính chịu trách nhiệm với chủ đầu tư. Cho nên, trách nhiệm của tổng thầu phải được đặt lên hàng đầu.

    Nhưng thưa ông, sự cố vừa qua, dư luận vô cùng bức xúc và đặt câu hỏi về sự thiếu trách nhiệm của bên giám sát. ông nghĩ sao về điều này?

    Tất nhiên khâu giám sát là một mắt xích vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Giám sát ở đây được phân thành hai loại: Giám sát của đơn vị thi công (tổng thầu và thầu phụ) và giám sát của chủ đầu tư. Chủ đầu tư muốn giám sát thì phải thuê tư vấn giám sát. Đối với công trình đường sắt trên cao, tôi cũng không nắm được giám sát là của tổng thầu hay chủ đầu tư. Nhưng theo đúng nguyên tắc, giám sát phải của chủ đầu tư.

    Giám sát cũng bị nhà thầu "mua chuộc"?

    Theo tìm hiểu của PV, tổng thầu và tư vấn giám sát đều do Trung Quốc đảm nhiệm. Như vậy có thiếu khách quan không thưa ông?

    Ở Việt Nam, công trình đường sắt trên cao là công trình đầu tiên, chúng ta chưa có kinh nghiệm về vấn đề này. Công trình đường sắt trên cao sẽ có đặc thù riêng. Vì vậy, việc tổng thầu và tư vấn giám sát đều là của Trung Quốc cũng không có gì lạ. Điều quan trọng là việc giám sát như thế nào để đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn.

    Tuy nhiên, ở trong nước cũng có rất nhiều đơn vị giám sát đủ năng lực. Việc dư luận đặt câu hỏi vì sao cả tổng thầu và tư vấn giám sát đều do Trung Quốc đảm nhiệm cũng không phải không có lý. Cần có đơn vị giám sát độc lập. Thế nhưng, trong dự án này cũng cần phải xem lại hiệp định về ODA. Mỗi nước lại đặt ra một điều kiện hợp tác khác nhau. Nếu điều kiện đưa ra là tổng thầu và giám sát là của nước họ thì chúng ta bắt buộc phải theo.

    Như ông vừa nói, một số đơn vị của Việt Nam đủ năng lực và điều kiện thực hiện tư vấn giám sát?

    Đúng vậy! Nếu tổ chức đấu thầu thì các đơn vị đó có thể tham gia theo năng lực của đơn vị mình.

    Việc giám sát công trình đường sắt trên cao có khác với các công trình giao thông khác không, thưa ông?

    Thực ra đường sắt trên cao cũng là cầu. Và ở Việt Nam chúng ta đã xây dựng không biết bao nhiêu cây cầu. Vì vậy, việc làm cầu điều quan trọng nhất là làm sao xác định đúng tim và khoảng cách hai tim (bởi vì trên cao rất khó đo). Làm việc trên cao cũng đòi hỏi phải có sức khoẻ, điều kiện an toàn... ở đây có thể đặt ra vấn đề chủ quan trong giám sát.

    Giám sát là vô cùng quan trọng nhưng anh thuê giám sát thì phải sát sao chứ không thể "giao phó" cho giám sát. Giám sát cũng cần được giám sát. Bởi cũng có tình trạng giám sát thông đồng, bị nhà thầu "mua chuộc".

    Qua sự cố trên, theo ông, chúng ta có cần đánh giá tổng thể năng lực của tổng thầu và đơn vị tư vấn giám sát không?

    Theo quan điểm của tôi, với những dự án, công trình xây dựng lớn như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thì khâu quản lý phải được coi trọng. Nhưng khâu quản lý của ban quản lý dự án của chúng ta lại yếu năng lực. Nếu như với dự án đó, chúng ta thuê một đơn vị tư vấn quản lý dự án giúp chủ đầu tư. Một đơn vị có tính chuyên nghiệp cao mới đem lại hiệu quả. Khi bỏ tiền ra thuê tư vấn giám sát thì phải "quản" được. Đối với những ban quản lý dự án kém năng lực thì nhất thiết phải thay thế.

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-su-co-duong-sat-tren-cao-ai-se-giam-sat-tu-van-giam-sat-a77259.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan