+Aa-
    Zalo

    Từ TNGT thảm khốc đến hiện tượng “chung chi cho đăng kiểm viên”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Thực tế công tác đăng kiểm đã phát huy tối đa vai trò của mình, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, song bên cạnh đó có không ít “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

    (ĐSPL) - Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân cả nước. Tuy nhiên, cảnh tượng gây xót xa, bàng hoàng đó vẫn liên tiếp xảy ra.

    Nguyên nhân thì có nhiều, song những tưởng sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cả nước, các trung tâm đăng kiểm sẽ siết chặt quy trình đăng kiểm. Thế nhưng, hiện tượng “chung chi” vẫn cứ diễn ra khiến dư luận không khỏi bức xúc.

    Thực tế công tác đăng kiểm đã phát huy tối đa vai trò của mình, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, song bên cạnh đó có không ít “con sâu bỏ rầu nồi canh”... Để tìm hiểu và làm rõ những băn khoăn, thắc mắc và câu hỏi âm ỉ bấy lâu nay, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam - bộ Giao thông Vận tải để cùng làm rõ vấn đề này...

    Ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam.

    Xử nghiêm cán bộ vi phạm

    - Xin ông cho biết, việc xử lý chính thức của cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) trước hiện tượng “chung chi cho đăng kiểm” tại TP.HCM mà báo chí vừa phản ánh?

    Ngay sáng 13/7, cục ĐKVN đã thành lập đoàn kiểm tra do Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn, tiến hành đến làm việc và kiểm tra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP.HCM theo các nội dung đã phản ánh. Bên cạnh đó, Cục cũng có văn bản gửi tất cả đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước thông báo các nội dung mà báo chí đã nêu. Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 12/04/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại đơn vị.

    Ngày 15/7, cục ĐKVN tiếp tục phân công một Phó Cục trưởng vào TP.HCM họp trực tiếp với các trung tâm đăng kiểm để kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ sai phạm của các lãnh đạo, đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm. Đến nay, cục ĐKVN đã thi hành kỷ luật đối với 4 lãnh đạo, đình chỉ hoạt động 2 dây chuyền kiểm tra và đình chỉ chức danh đăng kiểm viên từ 3 tháng trở lên đối với 5 đăng kiểm viên tại 2 trung tâm đăng kiểm 5003V và 5005V, trong đó đăng kiểm viên Lê Đức Linh (5003V) bị đình chỉ chức danh đăng kiểm viên vĩnh viễn.

    Đăng kiểm viên trung tâm 5003V, lấy 900.000 đồng từ tay tài xế để bỏ qua hàng loạt lỗi nghiêm trọng của chiếc xe tải (ảnh Tuổi trẻ).

    Cục cũng có văn bản đề nghị sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM kiểm tra, làm rõ sai phạm, kỷ luật nghiêm khắc các cá nhân vi phạm tại trung tâm Đăng kiểm 5001S theo thẩm quyền, đồng thời ra quyết định đình chỉ chức danh đăng kiểm viên đối với 2 đăng kiểm viên thuộc trung tâm Đăng kiểm 5001S. Trung tâm này đã kiểm điểm và đình chỉ tạm thời, không phân công nhiệm vụ đối với 5 đăng kiểm viên đã kiểm định xe không đúng tiêu chuẩn, quy trình như báo chí phản ánh.

    - Nhiều ý kiến cho rằng, việc “chung chi” để bỏ qua lỗi kỹ thuật của xe chẳng khác gì biến những chiếc xe chạy trên đường thành những cỗ “quan tài bay”. Theo ông, điều này gây hậu quả như thế nào đến an toàn giao thông?

    Thực tế cho thấy, ngành đăng kiểm đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng xe cơ giới ở nước ta hiện nay, như đã thấy, trên các tuyến đường giao thông, đặc biệt là so sánh với khoảng 15 năm trước đây. Việc các đăng kiểm viên có hành vi tiêu cực để thực hiện sai quy trình, hạ thấp tiêu chuẩn kiểm tra là sự vi phạm quy định nghiêm trọng. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường của xe cơ giới. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục xử lý nghiêm, không có bất cứ ngoại lệ nào đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm.  

    - Thực tế, ngành đăng kiểm đã có rất nhiều nỗ lực, áp dụng nhiều biện pháp để xử lý tiêu cực trong khâu đăng kiểm. Theo phản ánh, hiện tượng “chung chi” vẫn diễn ra, phải chăng do chế tài chưa nghiêm hay do tồn tại gì khác?

    Tôi cho rằng, các chế tài xử lý đã đầy đủ, việc kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn thực hiện thường xuyên, liên tục và phối hợp nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát từ giám sát qua camera đến kiểm tra, phúc tra kết quả đột xuất tại bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào. Tuy nhiên, hiện tượng “chung chi” vẫn xảy ra, xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản.

    Thứ nhất, đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật của một số đăng kiểm viên còn kém, chưa thấy được trách nhiệm phục vụ nhân dân trong quá trình kiểm tra, chưa coi trọng trách nhiệm là hàng rào kỹ thuật bảo vệ an toàn và môi trường giao thông. Thứ hai, còn có hiện tượng người đưa xe vào kiểm định chưa coi việc kiểm định là việc “khám bệnh” cho phương tiện để khắc phục, sửa chữa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính bản thân và người tham gia giao thông. Nhiều khi, họ chỉ mong muốn có được giấy chứng nhận kiểm định bằng mọi giá để lưu hành phương tiện, dẫn đến việc móc ngoặc với đăng kiểm viên để hạ thấp tiêu chuẩn, thực hiện sai quy trình kiểm định.      

    Quy trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị

    - Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên dư luận phản ánh về hiện tượng này. Vậy, cục Đăng kiểm nhìn nhận hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm hiện nay ra sao?

    Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, cục ĐKVN đã tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Đây là vấn đề tồn tại cần phải nỗ lực giải quyết. Tôi luôn đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải có giải pháp đồng bộ và kiên trì thực hiện.

    Một số giải pháp là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các trang thiết bị kiểm tra hiện đại nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với đăng kiểm viên, hạn chế tác động của con người đến kết quả kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm và kịp thời các đơn vị, cá nhân vi phạm. Phối hợp với công đoàn để nâng cao đời sống và thu nhập chính đáng; tăng cường đào tạo, tuyên truyền để nâng cao chất lượng và tạo sự gắn bó, trách nhiệm với công việc của cán bộ nhân viên trong ngành.     

    - Là người đứng đầu ngành đăng kiểm, ông nhận thấy trách nhiệm của mình, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đăng kiểm địa phương là gì?

    Là người đứng đầu ngành đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng bộ GTVT về tổ chức thực hiện, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm cho tất cả các đơn vị đăng kiểm trên cả nước, bản thân tôi luôn quyết liệt thực hiện. Tôi cũng yêu cầu các bộ phận chuyên môn của Cục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các hiện tượng tiêu cực trong mọi mặt của lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao chất lượng phương tiện và thiết bị giao thông vận tải.

    Cục ĐKVN cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát trực tiếp công tác kiểm định tại đơn vị, phải thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy trình, quy định để duy trì được kỷ luật trong toàn đơn vị. Bên cạnh đó, phải có tâm để truyền đạt được ý thức, tính trách nhiệm trong mỗi đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; chịu trách nhiệm trước tiên về các vi phạm của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ tại đơn vị mình.

    Trân trọng cảm ơn ông!

    “Chung chi” để bỏ qua lỗi kỹ thuật xe có thể xem xét xử lý về tội gì?

    Theo LS. Hà Huy Sơn (công ty luật TNHH Hà Sơn, Hà Nội), hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi không thể khắc phục trong các trung tâm kiểm định xe thứ nhất có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 162, BLHS.

    Theo đó, người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng, hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

    Trong trường hợp, phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Trong trường hợp chiếc xe vì được “chung chi” mà bỏ qua các lỗi không thể khắc phục, gây tai nạn thì nhân viên trung tâm kiểm định và chủ xe phải chịu trách nhiệm hay chưa tùy thuộc vào hậu quả của hành vi. Nếu phải chịu trách nhiệm hình sự thì hai đối tượng này có thể bị xem xét xử lý với vai trò là đồng phạm theo Điều 20, BLHS tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ...

    103 cán bộ bị kỷ luật từ đầu năm 2014

    Theo Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, từ đầu năm 2014 đến nay, cục ĐKVN đã kỷ luật 103 cán bộ bao gồm lãnh đạo, đăng kiểm viên. Dừng hoạt động 3 trung tâm đăng kiểm (8601S - Bình Thuận; 6004D - Đồng Nai; 6103D - Bình Dương) và 3 dây chuyền kiểm định (tại các đơn vị: 2907D - Hà Nội, 3603D - Thanh Hóa, 6103D- Bình Dương).

    ANH ĐỨC - ĐOÀN TÂN

    Xem thêm video:

    [mecloud]DPRwWFBkmI [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-tngt-tham-khoc-den-hien-tuong-chung-chi-cho-dang-kiem-vien-a103312.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.