+Aa-
    Zalo

    Từ việc Nga điều S-300 đến Syria đến cơn sóng địa chính trị ở khu vực Trung Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia của National Interest, việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa phòng thủ S-300 tiên tiến cho Syria đã tác động mạnh đến cơn sóng địa chính trị ở Trung Đông.

    Theo chuyên gia của National Interest, việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa phòng thủ S-300 tiên tiến cho Syria đã tác động mạnh đến cơn sóng địa chính trị ở Trung Đông.

    Nga điều S-300 đến Syria. Ảnh minh họa: Reuters

    Nga xác nhận họ sẽ cung cấp cho Syria một phiên bản của hệ thống S-300, bất chấp những phản đối từ Mỹ và Israel. Điện Kremlin đưa ra quyết định này sau vụ máy bay trinh sát Il-20M của họ bị tên lửa không đối không S-200 của Syria bắn nhầm khi phản ứng lại cuộc không kích của Israel.

    "Một hệ thống tên lửa phòng không S-300 hiện đại sẽ được cung cấp cho các lực lượng vũ trang Syria trong vòng 2 tuần tới", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào ngày 24/9, 1 tuần sau vụ máy bay bị bắn rơi. "S-300 có khả năng chặn vũ khí tấn công trên không ở khoảng cách hơn 250 km".

    Quyết định của Nga

    Điện Kremlin đã quyết định cung cấp S-300 cho Syria vì Moscow đổ lỗi cho Israel trong vụ rơi máy bay. Người Nga cáo buộc Tel Aviv sử dụng máy bay trinh sát Il-20M để che chắn cho 4 chiếc F-16 của mình.

    "Tôi nhấn mạnh rằng theo yêu cầu của phía Israel, vào năm 2013, chúng tôi đã đình chỉ việc cung cấp hệ thống S-300 cho quân đội Syria", ông Shoigu nói. "Bây giờ tình hình đã thay đổi, và đó không phải là lỗi của chúng tôi". Bộ trưởng Shoigu cũng lưu ý rằng Nga sẽ hướng dẫn lực lượng Syria quản lý chiến đấu và sử dụng hệ thống nhận diện chiến đấu tiên tiến để đảm bảo rằng họ có thể xác định chính xác máy bay của Nga trong tương lai.

    "Các chỉ huy của lực lượng phòng không và các đơn vị phòng không Syria sẽ được trang bị hệ thống điều khiển tự động chỉ cung cấp cho các lực lượng vũ trang Nga", ông Shoigu nói. “Điều này sẽ tạo điều kiện tập trung kiểm soát tất cả các lực lượng và nguồn lực của phòng không Syria, theo dõi tình hình trên không và đảm bảo việc phát hành các lệnh tấn công. Quan trọng nhất, chúng tôi sẽ đảm bảo việc xác định tất cả các máy bay của Nga bằng các hệ thống phòng không của Syria”.

    Thật vậy, mặc dù trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin từng “xoa dịu” Israel, cho rằng vụ tai nạn máy bay chỉ là “sương mù chiến tranh” nhưng gần đây nhất, Điện Kremlin đã chính thức đổ lỗi cho Israel. "Thông tin được đưa ra bởi quân đội Israel về việc vận hành máy bay trên lãnh thổ Syria khác với kết luận của Bộ Quốc phòng Nga", Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố. "Nga đưa ra kết luận từ tiền đề là các hành động của Không quân Israel chính là nguyên nhân chính của thảm kịch".

    Nga cũng kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tin rằng việc bổ sung hệ thống vũ khí mới cho lực lượng chính phủ Syria là cách duy nhất để bảo vệ cuộc sống của những người lính Nga đang hoạt động ở đây.

    "Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng quyết định hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu của phòng không Syria là phù hợp tại thời điểm này, chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa tiềm năng nào đối với sự sống của các thành viên quân đội Nga đang làm nhiệm vụ chống khủng bố quốc tế", tuyên bố của Điện Kremlin khẳng định.

    Hành động vô trách nhiệm?

    Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bàn về tình hình Syria. Ảnh: Sputnik

    Trong cuộc họp với ông Putin, ông Netanyahu đã nhấn mạnh quan điểm của Israel rằng việc chuyển giao vũ khí tiên tiến sẽ trở thành thành bàn tay vô trách nhiệm vì làm tăng nguy cơ xung đột tại khu vực. Thêm vào đó, Thủ tướng Israel nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh và lợi ích của đất nước mình.

    Mỹ cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gọi quyết định trang bị S-300 cho Syria của Nga là “sai lầm lớn” và dự đoán sẽ làm “leo thang đáng kể” căng thẳng trong khu vực. Về phần mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết ông hy vọng sẽ giải quyết vấn đề với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở New York trong cuộc thảo luận bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

    Israel đổ lỗi cho Syria

    Israel cũng tái khẳng định rằng chính Syria mới là nước phải chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay Il-20M. “Vì những sự kiện bi thảm trên bầu trời Syria, tôi đã nói chuyện 2 lần với Tổng thống Putin. Tôi bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc của chúng tôi về việc phi hành đoàn trên chiếc máy bay Nga bị bắn rơi bởi hỏa lực vô trách nhiệm của Syria”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu viết trên Twitter. “Sáng nay tôi đã triệu tập cuộc họp an ninh và nhận được một bản cập nhật đầy đủ về các sự kiện gần đây. Các Bộ trưởng cũng chia sẻ nỗi mất mát với người Nga”.

    Tuy nhiên, trong khi Tel Aviv chia buồn về tổn thất của Nga, Israel vẫn kiên quyết khẳng định họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy lui sự hiện diện quân sự của “đối thủ khu vực” Iran. Do đó, Israel sẽ tiếp tục hợp tác với Moscow, nhưng Tel Aviv sẽ không chấm dứt hành động chống lại Iran. "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tiến hành các hành động cần thiết để bảo vệ quốc gia", ông Netanyahu nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để ngăn chặn việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria, đồng tiếp tục sự phối hợp an ninh giữa IDF và quân đội Nga”.

    Hậu quả chiến lược

    Hiện tại, Nga chưa tiết lộ sẽ gửi phiên bản S-300 nào cho Syria nhưng có thể hệ thống vũ khí sẽ giống như phiên bản S-300PMU-2 tương đối hiện đại. Bên cạnh đó, Moscow cũng sẽ phải mất vài tháng để đào tạo các đối tác Syria cách vận hành hệ thống S-300 tiên tiến.

    "Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, người Syria sẽ sẵn sàng vận hành S-300 mà không còn cần sự cố vấn, hỗ trợ của Nga ", nhà khoa học nghiên cứu Michael Kofman của Trung tâm phân tích hải quân Mỹ nói với National Interest. "Hiện tại vẫn rất mơ hồ vì không ai chắc chắn được Nga hay Syria là đối tượng thực sự vận hành hệ thống".

    Trên thực tế, rất có thể người Nga chưa bao giờ có ý định cho phép phi hành đoàn của Syria trực tiếp vận hành S-300. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Moscow sẽ trang bị cho các đơn vị chỉ huy của lực lượng chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad “hệ thống điều khiển tự động chỉ cung cấp cho lực lượng vũ trang Nga” nhằm “tạo điều kiện tập trung vào tất cả các lực lượng và nguồn lực của phòng không Syria”. Như vậy, rất có thể Điện Kremlin đang lên kế hoạch quản lý toàn bộ hệ thống phòng không của Syria.

    Hơn nữa, việc Moscow quản lý hệ thống phòng không do Damascus sở hữu sẽ làm phức tạp hơn các nỗ lực của Israel trong việc tấn công Syria cũng như các lực lượng Iran hoạt động tại Syria. Sau khi S-300 được triển khai, rất có thể Israel không còn đủ khả năng để tấn công trực tiếp vào các mục tiêu của Syria trong một cuộc đột kích. Như vậy, động thái bổ sung vũ khí của Nga cũng sẽ hạn chế khả năng hành động của Israel tại Syria.

    Tất nhiên, nếu Nga đào tạo lực lượng Syria và cho phép họ sử dụng S-300 thì luôn tồn tại khả năng là Israel sẽ cố gắng loại bỏ vũ khí đó. Trên thực tế, Israel có vũ khí hoàn hảo để thực hiện mong muốn đó - đội tàu chiến mới với những chiếc chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin vừa được mua lại. Mặc dù vậy, trong tương lai gần, khi S-300 của Syria được điều hành bởi các lực lượng Nga, khả năng tấn công của Israel ở Syria sẽ bị hạn chế.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-viec-nga-dieu-s-300-den-syria-den-con-song-dia-chinh-tri-o-khu-vuc-trung-dong-a245458.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan